Quyết định nhỏ, thay đổi lớn

UBND TP Hà Nội vừa ra một quyết định thành lập các điểm thu nhận rác cồng kềnh miễn phí trong 23 phường thuộc 5 quận nội thành là Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa và Nam Từ Liêm.

Hệ thống xử lý chất thải công nghiệp tại Nam Sơn, huyện Sóc Sơn do URENCO vận hành.

Hệ thống xử lý chất thải công nghiệp tại Nam Sơn, huyện Sóc Sơn do URENCO vận hành.

Theo đó, người dân chỉ việc chở rác đến điểm tiếp nhận, trong trường hợp không chở đến được do hộ nghèo, người già yếu, tật nguyền, thì liên hệ với Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội (URENCO) chi nhánh các quận, để có phương án tiếp nhận, xử lý rác thải tại nhà hay tại địa điểm cần thu nhận.

Trước đây, URENCO không tiếp nhận loại rác cồng kềnh có kích cỡ lớn, nặng như giường, tủ quần áo, tủ sách, bàn, ghế, bộ sopha, xác nhà cũ… Từ đó dẫn đến tình trạng người dân vứt rác ra gốc cây, công viên, ao hồ, và thậm chí vứt thẳng ra sông Kim Ngưu, Tô Lịch…

Thực trạng này không chỉ gây mất mỹ quan đô thị, ô nhiễm môi trường mà cản trở giao thông. Tuy nhiên, từ khi UBND TP Hà Nội ban hành chính sách thu gom rác cồng kềnh miễn phí, tình hình thay đổi hẳn, không còn thấy rác khủng ở ao hồ, hay gốc cây, vỉa hè nữa. Người dân phấn khởi, hưởng ứng tích cực.

Để đi đến quyết định này, UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo cho URENCO làm thí điểm thu gom rác cồng kềnh về nghiền tại chi nhánh Cầu Diễn từ tháng 11-2023. Chỉ trong tháng 6, URENCO đã thu gom được khoảng 100 tấn rác.

Theo đại diện URENCO, thay vì dùng phương án truyền thống thu gom rồi phá dỡ, cuốn ép rác nhằm giảm diện tích để chôn lấp như trước đây, đơn vị này đã đặt mua hệ thống máy nghiền rác cùng với một dây chuyền xử lý hiện đại. Với dây chuyền mới này, các tấm gỗ, giường tủ, thậm chí là sắt thép… đều bị nghiền nát trong tích tắc.

Ông Trần Văn Khải, Phó Giám đốc Chi nhánh URENCO Cầu Diễn, cho biết rác cồng kềnh thu gom về được phân loại. Theo đó, sắt, thép, inox, nhôm, nhựa… được mang đi tái chế, còn những gỗ, ván ép… được cho vào máy nghiền thành hạt thô để dùng cho đun lò hơi cung cấp nhiệt cho sản xuất. Tiền thu được từ tái chế và cung cấp nhiệt cho sản xuất đủ chi cho việc thu gom.

Hệ thống mới này mang lại nhiều lợi ích. Về phía TP Hà Nội không phải cứ 3 tháng, 6 tháng lại huy động lực lượng Đoàn Thanh niên, cán bộ phường đi thu gom rác vứt bừa bãi theo chiến dịch tình nguyện.

Sau khi có hệ thống mới này, bộ mặt đô thị TP Hà Nội đã có những chuyển biến rõ rệt, tạo hình ảnh đô thị văn minh, sạch đẹp với người dân và cả du khách khi đến thủ đô. Hơn hết, người dân Hà Nội vốn chuộng hình thức, nên việc thay đổi đồ nội thất khi có điều kiện đổi mới, vô hình trung thúc đẩy tiêu dùng trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế đang gặp nhiều khó khăn.

Trái ngược với hình ảnh ngày càng văn minh của TP Hà Nội, TPHCM vẫn đang đối mặt với tình trạng của Hà Nội trước đây. Lấy dẫn chứng từ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè bị ô nhiễm rác thải sinh hoạt, khiến cho cá chết thường xuyên, còn nước kênh bị đổi màu, sủi bọt. Thỉnh thoảng kênh bị tắc do ứ rác, do những vật dụng khổng lồ vứt xuống kênh làm cản dòng chảy.

Cho đến nay, TPHCM vẫn chưa thay đổi chính sách với loại rác cồng kềnh này. Theo quy định của UBND TPHCM, chủ nguồn thải là hộ gia đình, cá nhân phải có trách nhiệm tháo dỡ, thu gọn, hoặc làm giảm kích thước và thể tích chất thải bỏ và đem đến điểm tập kết, trạm trung chuyển rác sinh hoạt hoặc cơ sở xử lý.

Trường hợp không thể tự tháo bỏ, giảm kích thước tại nơi phát sinh chất thải, thì phải thanh toán chi phí thực hiện dịch vụ tháo dỡ này theo thỏa thuận cho đơn vị thu gom, vận chuyển. Giá dịch vụ thu gom rác cồng kềnh từ hộ gia đình, cơ quan, công ty đến các điểm tập kết và trạm trung chuyển không có bảng giá, mà hoàn toàn tùy thuộc vào sự thỏa thuận giữa cá nhân, hộ gia đình chủ nguồn thải và đơn vị tái chế rác thải cồng kềnh hoặc đơn vị thu gom.

Đơn cử UBND quận Gò Vấp có bảng giá thu gom, trong đó có quy định giường, tủ gỗ ép, giá thu gom 210.000 đồng/cái; ghế gỗ, ghế xoay 110.000 đồng/cái; nệm lò xo 170.000 đồng/cái. Tuy nhiên, đây chỉ là giá tham khảo, còn thực tế thường mỗi chuyến thu gom có giá 300.000-500.000 đồng, có khi lên cả triệu đồng nếu là đồ khó tháo dỡ, hoặc đơn vị thu gom tạo sức ép làm giá.

Dù giá dịch vụ khá cao nhưng không phải cứ muốn là được, người có nhu cầu phải đặt lịch trước. Theo đó, người dân phải truy cập vào website grac.vn, sau đó điền thông tin vào phiếu, gửi hình ảnh và mô tả loại rác cần thu gom, sau đó chờ từ 3-5 ngày mới có đơn vị thu gom đến làm việc.

Do giá thu gom cao, thêm vào đó là thủ tục cũng khá phiền phức, cho nên nhiều người dân chọn giải pháp tự xử là lén mang rác đi đổ bỏ, dù những hành động xả rác như vậy có thể bị lập biên bản, xử phạt hành chính. Nhưng thực tế chưa thấy ai bị lập biên bản, và muốn bắt quả tang xử phạt cũng rất khó, vì người bỏ rác thường thực hiện vào ban đêm, không người qua lại.

Thực ra rác thải cồng kềnh được các nước phát triển giải quyết từ hàng chục năm trước, trên đường phố và trên mặt kênh rạch, ao hồ của các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Malaysia không bao giờ bắt gặp những loại rác cồng kềnh. Một phần do luật của họ phạt rất nặng các hành vi xả rác bừa bãi, mặt khác họ có hệ thống hỗ trợ kỹ thuật rất tốt, để người dân không phải lúng túng trong chuyện xử lý các loại đồ dùng có khổ lớn bị hư hỏng, hoặc hết hạn sử dụng.

Ở Tokyo, Singapore có những bãi chứa đồ cũ để người dân mang đến và phải chịu phí kho bãi. Còn ở các TP của Trung Quốc, ngoài những trạm cố định có máy nghiền khổng lồ tiếp nhận rác từ người dân mang đến để nghiền vụn tất cả các vật như xe máy, bình gas, khung cửa, thì có những trạm cơ động đến các khu dân cư nghiền ngay tại chỗ những thứ cồng kềnh, để người dân giam phí tổn việc chuyên chở cồng kềnh trên đường phố.

Nên chăng, TPHCM học tập Hà Nội trong sự vụ này sớm hơn, có thể TP phải mua các máy nghiền, lập ra các trạm tiếp nhận cố định và cơ động, dù tốn kém nhưng lợi ích mang lại rất lớn. Khi ấy hiện tượng đùn đẩy rác qua lại giữa các công ty công ích quận và hợp tác xã thu gom rác dân lập, các cuộc cãi vã giữa hộ dân với người thu gom rác sẽ chấm dứt, và không còn cảnh người dân nửa đêm lén lút ném giường tủ xuống kênh.

Cách thức Hà Nội đang làm có thể giúp cho việc quy định phân loại rác của Bộ Tài nguyên-Môi trường từ 1-1-2025 sẽ thành công.

NGUYỄN MINH

Nguồn SGĐT: https://dttc.sggp.org.vn/quyet-dinh-nho-thay-doi-lon-post115486.html
Zalo