'Hô biến' rác thành phân hữu cơ tại nhà

Trung bình một hộ gia đình 4 - 5 người có thể thải ra 1,5 - 2 kg rác hữu cơ/ngày. Nếu sử dụng thiết bị OCM, lượng rác thải trong vòng 20 ngày sẽ được chuyển hóa thành phân bón hữu cơ.

OCM là thiết bị xử lý rác hữu cơ do 5 sinh viên Trường CĐ Công Thương TP HCM và Trường ĐH Công Thương TP HCM nghiên cứu. Thiết bị này có thể biến rác thành phân bón sau 3 - 5 ngày ủ và thời gian trữ rác khoảng 20 ngày. Quá trình ủ và lưu trữ không gây mùi, không tạo ra nước rỉ rác.

Nhóm trưởng Huỳnh Nhật Kiên, sinh viên ngành thương mại điện tử - Trường CĐ Công Thương TP HCM, cho biết dưới sự ảnh hưởng từ môi trường, ngày càng có nhiều hộ gia đình ý thức hơn về lối sống xanh. Do đó, OCM được tạo ra để phục vụ việc bảo vệ môi trường, bắt đầu từ việc đơn giản nhất là phân loại rác tại các hộ gia đình.

Kiên khẳng định quy trình "hô biến" rác thành phân hữu cơ hoàn toàn khép kín, thời gian ủ phân được rút ngắn đáng kể. "Rác hữu cơ (thức ăn thừa, rau, vỏ trái cây…) sử dụng trong ngày được cho vào máy. Khi ngăn rác đầy, người dùng bỏ thêm viên OCM Bio (viên nén làm từ xơ dừa có tích hợp các phế phẩm sinh học) và bấm nút khởi động để bắt đầu quy trình xử lý. Rác thải sau khi nghiền và trộn liên tục sẽ được chuyển xuống ngăn ủ 1 và ngăn ủ 2. Sau 3 - 5 ngày, có thể lấy ra làm phân bón cho cây" - nhóm trưởng Kiên giải thích.

Xơ dừa hút nước rỉ rác trong quá trình tạo ra phân hữu cơ

Xơ dừa hút nước rỉ rác trong quá trình tạo ra phân hữu cơ

Phụ trách nghiên cứu cách ủ phân hiệu quả, bạn Nguyễn Thị Cát Tiên, sinh viên ngành quản lý tài nguyên và môi trường - Trường ĐH Công Thương TP HCM, cho biết nhóm đã mất hơn 9 tháng "ăn nằm" với rác. "Chúng tôi gom rác từ động vật, thực vật để nghiên cứu quá trình phân hủy. Từng loại rác có quá trình phân hủy khác nhau. Sau nhiều lần thử nghiệm, nhóm nhận thấy xơ dừa kết hợp chế phẩm sinh học có khả năng hút ẩm và nước rỉ rác rất tốt, đặc biệt không tạo mùi hôi trong suốt quá trình ủ" - Cát Tiên chia sẻ.

ThS Lê Hồng Hạnh - phụ trách cố vấn và hỗ trợ khởi nghiệp, Trường CĐ Công Thương TP HCM - cho biết dự án dù vẫn trong quá trình nghiên cứu nhưng OCM đã gặt hái được nhiều kết quả tốt. Cụ thể, năm 2022, dự án OCM đã nhận được giải khuyến khích cấp quốc gia cuộc thi Startup Kite 2022 do Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp tổ chức. Năm 2024, dự án lọt vào tốp 12 vòng chung kết cuộc thi khởi nghiệp do Trường ĐH Công Thương TP HCM tổ chức. Ngoài ra, dự án còn nhận được cam kết hỗ trợ phát triển sản phẩm thương mại từ 2 nhà đầu tư. "Sản phẩm hoàn toàn có thể thương mại ra thị trường. Tuy nhiên, nhóm vẫn cần cải tiến thêm về hiệu suất hoạt động cũng như thẩm mỹ của sản phẩm" - ThS Hạnh thông tin.

Bài và ảnh: Huế Xuân

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/ho-bien-rac-thanh-phan-huu-co-tai-nha-196240907223920002.htm
Zalo