Quyết định đặc xá: Không có tên các ông Chu Ngọc Anh, Phạm Xuân Thăng

Tại họp báo công bố quyết định đặc xá của Chủ tịch nước sáng nay, Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Lâm, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, trong số 3.763 phạm nhân được đặc xá năm 2024, không có các ông Chu Ngọc Anh, Phạm Xuân Thăng.

Theo Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Lâm, trong số 3.763 phạm nhân được đặc xá lần này có 403 người phạm các tội về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ.

Có 561 phạm nhân là người dân tộc thiểu số, trong đó người Mông là 60, Thái 35, Mường 49, Dao 54, Tày 121, Nùng 70, Ê-đê 8, Chăm 16, Gia-rai 11, Khmer 29, dân tộc thiểu số khác 99.

Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Lâm, Thứ trưởng Bộ Công an trả lời tại họp báo

Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Lâm, Thứ trưởng Bộ Công an trả lời tại họp báo

Về tỷ lệ tội phạm, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, trong số những người được đặc xá lần này có 64 người phạm tội giết người, 205 người phạm tội các tội về ma túy, 91 người phạm tội hiếp dâm, 156 người phạm tội về cướp giật tài sản, 77 người phạm tội về trộm cắp và 403 người phạm các tội về trật tự quản lý kinh tế; 275 người phạm các tội về chức vụ...

Liên quan đến câu hỏi của báo chí về trường hợp các ông Chu Ngọc Anh, Phạm Xuân Thăng, Đinh La Thăng có thuộc diện đặc xá năm nay hay không, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Lâm cho biết những người này "không có trong danh sách đặc xá đợt này”.

Liên quan đến các phạm nhân trong vụ chuyến bay giải cứu, Thứ trưởng Bộ Công an nêu rõ quá trình xét, quyết định đặc xá được thực hiện theo đúng quy định.

Về các trường hợp người nước ngoài được đặc xá, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt cho biết, có 20 phạm nhân mang quốc tịch nước ngoài, trong đó có 1 nữ.

Cụ thể: 9 người mang quốc tịch Trung Quốc, 3 người mang quốc tịch Lào, 2 người quốc tịch Campuchia, 2 người quốc tịch Mỹ, 1 người quốc tịch Nam Phi, 1 người quốc tịch Ấn Độ, 1 người quốc tịch Congo, 1 người quốc tịch Ireland.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt

Tội danh của 20 người này rất đa dạng, từ giết người, buôn lậu, tổ chức đánh bạc, tổ chức cho người ở lại Việt Nam phi pháp....

Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt cho biết, Bộ Ngoại giao sẽ gửi công hàm đến các cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự của các quốc gia liên quan để cùng phối hợp với cơ quan chức năng Việt Nam tiếp nhận người được đặc xá đưa về nước hoặc đến nơi cư trú an toàn, phù hợp.

Theo quyết định, đối tượng đặc xá bao gồm: Người đang chấp hành án phạt tù có thời hạn, người bị kết án tù chung thân đã được giảm xuống tù có thời hạn, người đang được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù.

Trong đó, người đang chấp hành án phạt tù có thời hạn, bị kết án tù chung thân đã được giảm xuống tù có thời hạn được đề nghị đặc xá phải có đủ các điều kiện: Có tiến bộ, ý thức cải tạo tốt và được xếp loại chấp hành án phạt tù khá hoặc tốt theo quy định; đã chấp hành án phạt tù ít nhất 1/2 thời gian đối với trường hợp bị phạt tù có thời hạn; đã chấp hành xong hình phạt bổ sung là phạt tiền, đã nộp án phí; đã thi hành xong nghĩa vụ trả lại tài sản, bồi thường thiệt hại, nghĩa vụ dân sự khác đối với người bị kết án phạt tù về các tội tham nhũng…

Người bị kết án phạt tù có thời hạn đã chấp hành ít nhất 1/3 thời gian, người bị phạt tù chung thân đã được giảm xuống tù có thời hạn và đã chấp hành ít nhất 13 năm, cũng được đề nghị đặc xá khi: Đã lập công lớn trong thời gian chấp hành án phạt tù; người có công với cách mạng; người đang mắc bệnh hiểm nghèo, ốm đau thường xuyên; người đủ 70 tuổi trở lên; có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn...

15 trường hợp không được đề nghị đặc xá, trong đó có: Bị kết án phạt tù về tội phản bội Tổ quốc; tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân; tội gián điệp, tội xâm phạm an ninh lãnh thổ; tội bạo loạn; tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân…

Trần Thường

Phạm Hải

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/cac-ong-chu-ngoc-anh-pham-xuan-thang-khong-duoc-dac-xa-dot-nay-2327228.html
Zalo