Quyết định của Trung Quốc đặt ra câu hỏi cấp bách với chuỗi cung ứng quốc phòng của Mỹ

Quyết định gần đây của Trung Quốc về việc áp đặt hạn chế xuất khẩu các nguyên tố đất hiếm – vốn đóng vai trò quan trọng trong công nghệ quân sự tiên tiến của Mỹ – đã gây chấn động trong lĩnh vực quốc phòng Mỹ, đặc biệt ảnh hưởng tới kế hoạch phát triển máy bay chiến đấu thế hệ tiếp theo, được gọi là chương trình 'Ưu thế Trên không Thế hệ mới' (Next Generation Air Dominance – NGAD).

Đất hiếm chuẩn bị xuất khẩu được bốc xếp tại Liên Vân Cảng, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. Ảnh: AFP/TTXVN

Đất hiếm chuẩn bị xuất khẩu được bốc xếp tại Liên Vân Cảng, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. Ảnh: AFP/TTXVN

Động thái này, theo chuyên trang quân sự Bulgarianmilitary.com, được Trung Quốc công bố như một phần của phản ứng rộng hơn đối với các mức thuế quan của Mỹ, nhắm vào những vật liệu thiết yếu cho hệ thống điện tử hàng không – hệ thống điện tử tinh vi giúp máy bay hiện đại định vị, liên lạc và tấn công mục tiêu một cách chính xác.

Với việc Trung Quốc kiểm soát phần lớn hoạt động chế biến đất hiếm toàn cầu, các hạn chế này đặt ra những câu hỏi cấp bách về sự dễ bị tổn thương trong chuỗi cung ứng quốc phòng của Mỹ, cũng như tương lai của tham vọng duy trì ưu thế trên không của nước này. Rủi ro rất cao vì những vật liệu này không chỉ là thành phần mà còn là xương sống của các hệ thống tiên tiến định hình nên chiến tranh hiện đại.

Các nguyên tố đất hiếm – nhóm gồm 17 kim loại – không thực sự hiếm như tên gọi, nhưng việc khai thác và tinh chế chúng rất phức tạp và gây hại đến môi trường. Những nguyên tố như neodymium, dysprosium, yttrium và gadolinium đóng vai trò cốt lõi trong hệ thống điện tử của chương trình NGAD. Ví dụ, neodymium và dysprosium được dùng để tạo ra nam châm mạnh điều khiển động cơ điện và cơ cấu vận hành, cho phép kiểm soát chính xác các hệ thống máy bay. Yttrium cải thiện hệ thống laser quan trọng cho việc nhắm bắn và liên lạc, còn gadolinium nâng cao hiệu suất radar, đặc biệt là radar mạng pha chủ động (AESA) giúp phát hiện mối đe dọa từ khoảng cách xa.

Nếu thiếu những vật liệu này, khả năng hoạt động trong môi trường tác chiến khốc liệt – nơi yếu tố tàng hình, tốc độ và nhận thức tình huống là tối quan trọng – của NGAD sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. NGAD, hiện đang trong giai đoạn phát triển, được kỳ vọng sẽ vượt trội so với F-35 Lightning II, tích hợp cảm biến tiên tiến, trí tuệ nhân tạo, và có thể cả vũ khí năng lượng định hướng để đối phó với các mối đe dọa từ các đối thủ như Trung Quốc và Liên bang Nga.

Khác với các dòng máy bay trước, NGAD không chỉ là một máy bay mà là một hệ thống gồm nhiều thành phần, bao gồm máy bay có người lái, thiết bị bay không người lái (UAV) và các nền tảng được kết nối hoạt động cùng nhau. Hệ thống điện tử hàng không của nó sẽ xử lý lượng dữ liệu khổng lồ từ vệ tinh, trạm mặt đất và máy bay khác để tạo ra bức tranh chiến trường với thời gian thực. Radar của NGAD, có thể là bản nâng cấp của radar AN/APG-81 trên F-35, cũng sẽ phụ thuộc vào đất hiếm để đạt được độ phân giải cao và khả năng chống gây nhiễu.

Để so sánh, chỉ riêng F-35 đã sử dụng khoảng 920 pound (hơn 400kg) đất hiếm, còn NGAD có khả năng sẽ cần nhiều hơn nữa do tính năng tiên tiến hơn. Việc Trung Quốc hạn chế các nguyên tố như samarium, gadolinium, terbium, dysprosium, lutetium, scandium và yttrium ảnh hưởng trực tiếp đến việc sản xuất các hệ thống này, bởi Mỹ không có đủ năng lực chế biến đất hiếm trong nước nhằm đáp ứng nhu cầu.

Nguyên nhân sâu xa của sự phụ thuộc này đã hình thành từ hàng thập kỷ trước. Vào những năm 1980, Mỹ từng dẫn đầu sản xuất đất hiếm, với mỏ Mountain Pass ở California cung cấp phần lớn nhu cầu thế giới. Nhưng đến những năm 1990, Trung Quốc bắt đầu thống lĩnh thị trường nhờ chi phí lao động thấp và tiêu chuẩn môi trường chưa đủ khắt khe. Đến năm 2002, Mountain Pass phải đóng cửa vì không cạnh tranh nổi. Hiện nay, Trung Quốc chế biến gần 90% lượng đất hiếm toàn cầu, nắm giữ lợi thế vượt trội.

Dù mỏ Mountain Pass đã được khai thác trở lại và thuộc sở hữu của công ty MP Materials, Mỹ vẫn thiếu cơ sở hạ tầng để tinh chế hầu hết đất hiếm nặng. Điều này không phải ngẫu nhiên mà là hệ quả của việc ưu tiên lợi ích kinh tế ngắn hạn thay vì an ninh chiến lược dài hạn.

Theo nhà phân tích David Merriman từ Project Blue, quyền kiểm soát đất hiếm nặng của Trung Quốc đặc biệt chặt chẽ, với chỉ một nguồn cung thay thế nhỏ ở Myanmar – cũng bị ảnh hưởng bởi Bắc Kinh.

Việc NGAD phụ thuộc vào đất hiếm thể hiện rõ tham vọng công nghệ của nó. Chiếc máy bay này được thiết kế để hoạt động trong môi trường khốc liệt – nơi đối phương có các hệ thống phòng không và tác chiến điện tử tiên tiến. Các tính năng tàng hình, vượt trội cả F-22 Raptor, sẽ dựa vào lớp phủ và vật liệu composite chứa đất hiếm. Hệ thống động cơ có thể là động cơ chu trình thích ứng, cần hợp kim nhôm-scandium nhẹ và chịu nhiệt.

So với Su-57 của Liên bang Nga hay J-20 của Trung Quốc, NGAD nhắm đến khả năng hợp nhất cảm biến và kết nối vượt trội, cho phép phối hợp với các UAV “trung thành” – mở rộng tầm hoạt động và hỏa lực. Trong khi J-20 có hệ thống điện tử hiện đại nhưng động cơ kém, còn Su-57 lại gặp nhiều trục trặc sản xuất, thì lợi thế của NGAD nằm ở việc tích hợp công nghệ mới. Nhưng nếu thiếu đất hiếm, lợi thế đó có thể mất.

Không chỉ NGAD, mà cả tên lửa siêu vượt âm (hypersonic), súng điện từ hải quân, và vệ tinh – tất cả đều cần đất hiếm – cũng có thể bị ảnh hưởng bởi các hạn chế từ Trung Quốc. Các tấm pin mặt trời, cảm biến vệ tinh và nam châm công nghiệp cũng phụ thuộc vào những nguyên tố này.

Súng điện từ của Hải quân Mỹ, vẫn đang trong giai đoạn nguyên mẫu, sử dụng nam châm phụ thuộc vào các vật liệu này. Ngay cả vệ tinh, rất quan trọng đối với truyền thông và giám sát, cũng kết hợp đất hiếm vào tấm pin mặt trời và cảm biến của chúng. Hiệu ứng lan tỏa cũng mở rộng sang các ngành công nghiệp thương mại, từ xe điện đến tua bin gió, nhưng nhu cầu của ngành quốc phòng là vô cùng cấp thiết.

Bộ Quốc phòng Mỹ có dự trữ đất hiếm, nhưng như một số nguồn tin công nghiệp nói với hãng tin Reuters rằng, lượng dự trữ này không đủ để duy trì lâu dài. Hiệp hội Công nghiệp Hàng không Vũ trụ Mỹ (AIA), đại diện cho các hãng như Lockheed Martin và Northrop Grumman, đã nhiều lần cảnh báo về rủi ro chuỗi cung ứng, song tiến độ tự chủ vẫn rất chậm.

Chính quyền Biden đã sử dụng Đạo luật Sản xuất Quốc phòng (DPA) để tài trợ cho các dự án đất hiếm trong nước, bao gồm khoản tài trợ 120 triệu USD cho Lynas Rare Earths xây dựng cơ sở chế biến đất hiếm nặng tại Texas. MP Materials cũng đang mở rộng, dự kiến sản xuất nam châm tại Fort Worth vào cuối năm 2025. General Motors đã hợp tác với MP để đảm bảo nguồn cung cho xe điện – một mô hình mà ngành quốc phòng có thể học hỏi.

Dù vậy, xây dựng chuỗi cung ứng hoàn chỉnh – từ khai thác, chế biến đến sản xuất – cần nhiều năm. Australia với mỏ Mount Weld có tiềm năng, nhưng công suất chế biến còn hạn chế. Canada và châu Âu mới chỉ bắt đầu tìm kiếm phương án thay thế. Tái chế đất hiếm từ thiết bị điện tử cũ là một hướng đi, nhưng hiện còn kém hiệu quả và chi phí cao.

Những thách thức này đặt ra câu hỏi chiến lược sâu sắc hơn: Làm thế nào một quốc gia có thể cân bằng giữa đổi mới công nghệ và khả năng tự cường? Việc phát triển công nghệ tiên tiến của Lầu Năm Góc dựa trên giả định về chuỗi cung ứng ổn định, nhưng giả định ấy giờ đây không còn chắc chắn.

Việc siết chặt kiểm soát đất hiếm của Trung Quốc không đơn thuần là trả đũa thuế quan, còn giúp Bắc Kinh tăng ảnh hưởng ở châu Á thông qua cung cấp ưu đãi cho các đồng minh của Mỹ như Hàn Quốc, Nhật Bản, đồng thời gây áp lực với các nước khác. Chiến lược này từng xuất hiện năm 2010, khi Trung Quốc ngừng xuất đất hiếm sang Nhật, làm chao đảo thị trường thế giới cho đến khi WTO can thiệp. Nhưng hiện tại, lệnh hạn chế rộng hơn nhiều, không chỉ áp dụng cho khoáng sản thô mà cả sản phẩm tinh chế như nam châm vĩnh cửu.

Ông Mark A. Smith – Giám đốc điều hành NioCorp – gọi hành động của Trung Quốc là “đòn đánh chính xác” vào năng lực quốc phòng Mỹ, khai thác điểm yếu bị phớt lờ quá lâu. Tuy nhiên, phải thấy rằng việc Mỹ đã buông lơi vị thế của mình trong ngành đất hiếm từ nhiều thập kỷ trước cũng là nguyên nhân khiến nước này khó khăn hơn.

Bản vẽ phác họa máy bay chiến đấu thế hệ sáu F-47. Ảnh: Không quân Mỹ

Bản vẽ phác họa máy bay chiến đấu thế hệ sáu F-47. Ảnh: Không quân Mỹ

Trong Chiến tranh Lạnh, Mỹ từng dùng đất hiếm từ nguồn nội địa để chế tạo radar, máy tính, vũ khí. Nhưng đến thập niên 1990 – thời kỳ đỉnh cao toàn cầu hóa – các hãng Mỹ đã chuyển sản xuất ra nước ngoài để tiết kiệm chi phí. Sau năm 2001, sự tập trung của Lầu Năm Góc vào chống khủng bố khiến các rủi ro dài hạn như phụ thuộc tài nguyên bị bỏ qua. Dù có báo động từ vụ Trung Quốc ngưng xuất khẩu đất hiếm cho Nhật Bản vào năm 2010, nhưng những nỗ lực như tái mở cửa mỏ Mountain Pass năm 2012 sau đó lại thất bại vì áp lực thị trường.

Lịch sử cho thấy để vượt qua khủng hoảng hiện nay, cần không chỉ đầu tư mà còn là ý chí chính trị bền vững.

Việc phát triển NGAD vẫn tiếp tục, với nguyên mẫu được cho là đang thử nghiệm. Các đối thủ như J-20 của Trung Quốc vẫn gặp hạn chế, như phải phụ thuộc động cơ Nga. Su-57 của Liên bang Nga bị trừng phạt nên khó cạnh tranh về điện tử hàng không. Nhưng sự thành công của NGAD không chỉ nằm ở công nghệ mà còn phụ thuộc vào cách Mỹ đảm bảo nguồn lực. Vật liệu tổng hợp có thể giảm phụ thuộc đất hiếm đang trong giai đoạn nghiên cứu. Khai thác tài nguyên ngoài vũ trụ như trên tiểu hành tinh dù còn xa vời, những cũng đang được các công ty như AstroForge xúc tiến.

Các hãng như Lockheed Martin và Raytheon đang thích nghi, dù chưa tiết lộ chi tiết. Một số đã dự trữ nguyên liệu, số khác tìm nguồn cung thay thế. Bộ Quốc phòng Mỹ cũng đa dạng hóa, ký hợp đồng với các công ty tại Australia, Canada. Nhưng đó chỉ là giải pháp tạm thời.

Chuỗi cung ứng quốc phòng quá phức tạp. Một chiếc máy bay cần hàng nghìn linh kiện từ nhiều nhà cung cấp, cho nên, việc tách hoàn toàn khỏi Trung Quốc là thách thức lớn.

Một nguồn tin trong ngành nói với Reuters rằng các hãng hàng không vũ trụ phụ thuộc duy nhất vào Trung Quốc về đất hiếm đang đối mặt với rủi ro cực lớn, nhất là khi chuỗi cung ứng thiếu minh bạch.

Hệ lụy từ lệnh hạn chế của Trung Quốc không chỉ ảnh hưởng đến an ninh quốc gia mà còn đe dọa sự ổn định kinh tế. Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ ước tính việc cấm hoàn toàn một số đất hiếm có thể gây thiệt hại hàng tỷ USD, chưa tính đến ảnh hưởng trong quốc phòng.

Việc hiện đại hóa của Lầu Năm Góc – từ vũ khí siêu vượt âm đến chiến tranh mạng – đều cần những nguyên liệu này. Nếu thiếu, các chương trình có thể bị trì hoãn, đội chi phí, hoặc giảm tính năng. Với NGAD, điều này có thể đồng nghĩa với việc phải cắt giảm tham vọng như giảm số UAVtrong mạng lưới hoặc phải dùng công nghệ cũ, mất lợi thế trước đối thủ.

Tương lai đặt ra hai lựa chọn cho Mỹ: tăng tốc phát triển sản xuất nội địa, hoặc chấp nhận sống trong một thế giới nơi Trung Quốc kiểm soát tương lai quân sự của mình. Phương án đầu cần đầu tư không chỉ cho khai thác mà cả đào tạo kỹ sư, nhà khoa học và công nhân để tái thiết một ngành công nghiệp đã ngủ quên hàng chục năm.

Nó cũng cần sự đồng lòng của cả hai đảng – điều không dễ trong bối cảnh chính trị phân cực. Phương án còn lại là từ bỏ lợi thế chiến lược, để Trung Quốc dùng đất hiếm làm đòn bẩy định hình liên minh toàn cầu.

Người lạc quan tin vào đổi mới – vật liệu thay thế, công nghệ tái chế, hay thậm chí khai thác trên Mặt trăng. Người bi quan cảnh báo thời gian không còn nhiều, và Trung Quốc đang siết rất chặt.

Hiện tại, NGAD vẫn là biểu tượng cho trí tuệ và tham vọng của nước Mỹ – một chiến đấu cơ được thiết kế để làm chủ bầu trời tương lai. Nhưng đôi cánh của nó đang bị trói buộc vào một chuỗi cung ứng kéo dài tới Thái Bình Dương – nơi một quyết định ở Bắc Kinh có thể khiến mọi tiến bộ ở Washington bị chững lại.

Cuộc khủng hoảng này phơi bày một sự thật bị phớt lờ quá lâu: công nghệ thôi là chưa đủ để đảm bảo tương lai. Phải có sự tự cường, tầm nhìn và khả năng thích nghi để làm nên sức mạnh. Liệu Mỹ có thể vượt qua thách thức này hay lại tiếp tục trì hoãn công cuộc tự chủ vẫn là câu hỏi bỏ ngỏ, và sẽ định hình cán cân quyền lực trong nhiều năm tới.

Thành Nam/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/quyet-dinh-cua-trung-quoc-dat-ra-cau-hoi-cap-bach-voi-chuoi-cung-ung-quoc-phong-cua-my-20250412211936601.htm
Zalo