Giới phân tích dự báo bất ngờ về giá vàng trong dài hạn

Với kỳ vọng về chính sách tiền tệ nới lỏng của Fed, nhu cầu vàng mạnh mẽ và tâm lý lo ngại rủi ro bao trùm các thị trường tài chính, giới chuyên gia cho rằng triển vọng tăng giá của vàng vẫn còn rất lớn trong những tháng tới.

Mặc dù rời khỏi mức cao kỷ lục thiết lập giữa tháng 4 vừa qua, giá vàng vẫn được dự báo sẽ tiếp tục tăng trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể giảm lãi suất, nhu cầu vàng trên toàn cầu tăng cao và bất ổn kinh tế - địa chính trị tiếp tục phủ bóng lên các thị trường tài chính.

Nhu cầu vàng toàn cầu tăng mạnh nhất gần một thập kỷ

Nhu cầu vàng toàn cầu trong quý 1/2025 đạt mức cao nhất kể từ năm 2016 khi giới đầu tư tìm kiếm nơi trú ẩn giữa bất ổn kinh tế và lo ngại chính sách của Mỹ.

Theo báo cáo mới nhất của Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), nhu cầu vàng toàn cầu trong quý 1/2025 đạt tổng cộng 1.206 tấn, tăng 1% so với cùng kỳ năm ngoái. Diễn biến này cho thấy vai trò trú ẩn an toàn của kim loại quý tiếp tục được củng cố trong bối cảnh lo ngại về chính sách thuế quan của Mỹ, biến động thị trường chứng khoán, rủi ro lạm phát đình trệ và đồng USD suy yếu.

Nhu cầu vàng toàn cầu trong quý 1/2025 đạt mức cao nhất gần một thập kỷ. Ảnh: Kitco

Nhu cầu vàng toàn cầu trong quý 1/2025 đạt mức cao nhất gần một thập kỷ. Ảnh: Kitco

Chiến lược gia thị trường cấp cao Joseph Cavatoni tại WGC nhận định, nhu cầu vàng toàn cầu tăng mạnh là do 3 lý do chính: nhà đầu tư cá nhân tiếp tục tích trữ vàng vật chất, dòng vốn chảy mạnh vào các quỹ hoán đổi danh mục (ETF) vàng và hoạt động mua vàng liên tục từ các ngân hàng trung ương trên thế giới.

“Chúng tôi đang chứng kiến nhu cầu mua vàng mang tính nền tảng, không chỉ là mang tính chất đầu cơ ngắn hạn. Các yếu tố rủi ro kinh tế vĩ mô, đặc biệt là lo ngại về độ tin cậy của trái phiếu Mỹ và nợ công tăng cao đang khiến vàng trở thành tài sản phòng thủ chủ lực” – chuyên gia Cavatoni cho hay.

Sau nhiều quý ảm đạm, lượng vàng đổ vào các ETF toàn cầu đã đạt 226,5 tấn, trái ngược hoàn toàn với mức rút ròng 113 tấn trong cùng kỳ năm ngoái.

Bên cạnh đó, nhu cầu mua vàng vật chất (vàng thỏi và tiền xu) tiếp tục tăng mạnh tại các thị trường châu Á như Trung Quốc và Ấn Độ. Theo báo cáo của WGC, nhu cầu vàng thỏi và tiền xu trong quý 1/2025 đạt 325,4 tấn, tăng 3% so với cùng kỳ năm trước.

Ở cấp độ chính sách, các ngân hàng trung ương trên toàn cầu tiếp tục mua ròng vàng để đa dạng hóa dự trữ ngoại hối. Dù có giảm so với mức kỷ lục năm ngoái, hoạt động mua vàng của các ngân hàng trung ương vẫn ở mức cao. Trong quý 1, tổng lượng vàng mua vào đạt 243,7 tấn, giảm 21% so với năm 2024, nhưng vẫn cao hơn 24% so với mức trung bình 5 năm và chỉ thấp hơn 9% so với mức trung bình 3 năm gần đây.

Fed có thể “châm ngòi” cho đợt tăng giá mới

Vàng vừa ghi nhận tuần giảm giá thứ hai liên tiếp. Kết thúc phiên ngày 2/5, hợp đồng vàng giao ngay được giao dịch ở mức 3.255,01 USD/ounce, giảm hơn khoảng 7% so với mức đỉnh kỷ lục 3.500 USD/ounce thiết lập hôm 14/4.

Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định, diễn biến trên thị trường vàng trong 2 tuần gần đây chỉ là sự điều chỉnh mang tính kỹ thuật sau đợt tăng giá manh.

Ông Phillip Streible – Giám đốc chiến lược tại Blue Line Futures, đánh giá: “Vàng đang tạm nghỉ quanh vùng kháng cự 3.250 USD/ounce Nếu vượt được ngưỡng 3.300 USD, đà tăng của giá vàng sẽ được kích hoạt trở lại. Tuy nhiên, thị trường kim loại quý hiện vẫn cần thêm chất xúc tác để tạo động lực bứt phá”.

Quan điểm này được củng cố bởi hiệu suất tích lũy từ đầu năm: giá vàng đã nhảy vọt tới gần 24% tính đến thời điểm cuối tháng 4 vừa qua. Giá vàng tăng mạnh chủ yếu do lo ngại lạm phát toàn cầu, biến động kinh tế Mỹ và chính sách khó đoán của chính quyền Tổng thống Donald Trump.

Cũng có dự báo lạc quan tương tự, chiến lược gia cấp cao Michael Brown tại Pepperstone cho biết: “Tôi xem đợt điều chỉnh hiện tại là cơ hội mua vào hấp dẫn. Kịch bản tăng giá trong dài hạn của vàng vẫn vững chắc do lo ngại rủi ro từ chính sách thuế quan quyết liệt của chính quyền Tổng thống Trump và nền kinh tế Mỹ mất đà”.

Tuy nhiên, không phải mọi dự báo đều thuận chiều. Carsten Fritsch – chuyên gia phân tích tại Commerzbank – cảnh báo rằng kỳ vọng của thị trường vào việc Fed cắt giảm lãi suất tới 90 điểm cơ bản trong năm nay là quá lạc quan. Nếu Fed giữ vững lập trường “diều hâu”, vàng có thể gặp áp lực điều chỉnh sâu hơn.

Tâm điểm của thị trường trong tháng 5 này sẽ là cuộc họp chính sách tiền tệ của Fed. Dù phần lớn giới đầu tư không kỳ vọng Fed sẽ cắt giảm lãi suất ngay trong cuộc họp chính sách vào tuần tới sắp tới, nhưng nhiều người dự đoán ngân hàng trung ương Mỹ sẽ phát tín hiệu "bồ câu" hơn về triển vọng nới lỏng chính sách tiền tệ.

Ông Naeem Aslam, Giám đốc đầu tư tại Zaye Capital Markets, nhận định: “Áp lực giữ lãi suất ở mức cao đang giảm dần. Nếu Fed phát tín hiệu sẽ cắt giảm lãi suất, vàng có thể bật tăng mạnh trở lại”.

Ngoài ra, các diễn biến địa chính trị như căng thẳng thương mại Mỹ - Trung hay tình hình tại Trung Đông cũng là những yếu tố rủi ro thúc đẩy nhu cầu đối với vàng.

Nguyễn Phương

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/gioi-phan-tich-du-bao-bat-ngo-ve-gia-vang-trong-dai-han.693073.html
Zalo