Quyền lợi đi kèm với trách nhiệm
Ngày 17-5, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật. Theo đó, Quốc hội thống nhất chi cho công tác xây dựng pháp luật không thấp hơn 0,5% tổng chi ngân sách hàng năm và tăng dần theo yêu cầu phát triển.
Đặc biệt, Nghị quyết cũng quy định, người trực tiếp, thường xuyên làm công tác tham mưu nghiên cứu chiến lược, chính sách, xây dựng pháp luật được hưởng hỗ trợ hàng tháng bằng 100% mức lương theo hệ số lương hiện hưởng.
Đặc biệt hơn, để thu hút người tài năng thực hiện nhiệm vụ xây dựng và thi hành pháp luật, Nghị quyết đã cho phép người tốt nghiệp xuất sắc trình độ đại học trở lên trong các lĩnh vực, ngành nghề khác nhau và hoàn thành chương trình đào tạo chuyên sâu về xây dựng pháp luật thì được ưu tiên xét tuyển vào các cơ quan, đơn vị thực hiện nhiệm vụ này.
Đây được xem là những chính sách kịp thời kích thích trách nhiệm, tinh thần làm việc của những người tham gia vào công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật; chắc chắn họ sẽ làm tốt hơn, trách nhiệm cao hơn trong công việc, từ đó tránh tình trạng bị xen kẽ đưa vào văn bản luật “lợi ích nhóm”. Chủ trương sắp xếp tổ chức lại bộ máy của hệ thống chính trị đòi hỏi những con người có trách nhiệm, có bản lĩnh, có đạo đức, vì lợi ích chung của dân tộc.
Do đó, những chủ thể được quy định trong nghị quyết như đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, đại biểu HĐND cấp tỉnh hoạt động chuyên trách, công chức, sĩ quan thuộc lực lượng vũ trang, đối tượng khác thuộc khối các cơ quan Đảng, MTTQ Việt Nam… cần xác định tâm thế cho mình trước yêu cầu về chất lượng trong công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật thời gian tới.
Đây vừa là vinh dự, tự hào của các cá nhân khi được lựa chọn là những người “cầm cân” cho các quy định thực thi trong đời sống xã hội, nên quyền lợi được quy định trong nghị quyết cần đi kèm với trách nhiệm công tâm.