Khơi dậy niềm tin, khát vọng dân tộc, tạo xung lực mới, khí thế mới phát triển kinh tế tư nhân
Sáng nay (18/5), Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức Hội nghị toàn quốc quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 66-NQ/TW, ngày 30/4/2025 của Bộ Chính trị về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới và Nghị quyết số 68-NQ/TW, ngày 4/5/2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân (KTTN).
Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, kết nối từ điểm cầu chính tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội tới hơn 37 nghìn điểm cầu bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị… Tham dự tại điểm cầu NHNN có các đồng chí trong ban lãnh đạo NHNN, Đảng ủy NHNN, các bí thư, phó bí thư chi bộ trực thuộc và đảng viên trong toàn đảng bộ NHNN.
Kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế
Tại hội nghị, đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ đã trình bày Chuyên đề về nội dung trọng tâm, cốt lõi của Nghị quyết 68-NQ/TW ngày 4/5/2025 của Bộ Chính trị về phát triển KTTN và Kế hoạch hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết.
Thủ tướng trước hết nhấn mạnh, Nghị quyết 68 được xây dựng, ban hành rất nhanh dưới sự chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm. Sau khi Nghị quyết 68 được ban hành ngày 4/5, trong vòng 13 ngày, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành 3 nghị quyết để thể chế hóa và triển khai. Điều này cho thấy sự chuẩn bị kịp thời, nhanh chóng nhưng cũng rất chu đáo, chất lượng, với tinh thần làm việc rất khẩn trương, nghiêm túc, dưới sự chỉ đạo, quan tâm của Bộ Chính trị và đồng chí Tổng Bí thư.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trình bày Chuyên đề về nội dung trọng tâm, cốt lõi của Nghị quyết 68-NQ/TW ngày 4/5/2025 của Bộ Chính trị về phát triển KTTN và Kế hoạch hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết
Thủ tướng tập trung trình bày 5 nhóm nội dung chủ yếu: Khái quát thực trạng khu vực KTTN; Các nội dung cốt lõi của Nghị quyết 68-NQ/TW của Bộ Chính trị; Các nội dung chủ yếu của Nghị quyết số 138/NQ-CP ngày 16/5/2025 của Chính phủ ban hành Kế hoạch hành động của Chính phủ; Các nội dung trọng tâm của Nghị quyết số 198/2025/QH15 ngày 17/5/2025 của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển KTTN và Nghị quyết số 139/NQ-CP ngày 17/5/2025 của Chính phủ về Kế hoạch triển khai Nghị quyết số 198/2025/QH15 của Quốc hội; Tổ chức thực hiện.

Các đại biểu tham dự tại điểm cầu chính, Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội
Đánh giá khái quát về kết quả và đóng góp của KTTN trong quá trình đổi mới, hội nhập và phát triển, Thủ tướng nêu rõ: KTTN liên tục phát triển, khẳng định vị thế là một động lực quan trọng của nền kinh tế; là kênh huy động hiệu quả các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển; góp phần quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tăng thu ngân sách Nhà nước; tạo việc làm, sinh kế, thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội; thúc đẩy hội nhập quốc tế; đóng góp phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; đóng góp quan trọng cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và phát triển đất nước.
Một số kết quả nổi bật của KTTN cụ thể, Thủ tướng cho biết số lượng doanh nghiệp thành lập tăng mạnh, từ khoảng 5.000 doanh nghiệp năm 1990 lên 50.000 doanh nghiệp năm 2000, và 200.000 năm 2005 (gấp 40 lần sau 15 năm); đến nay có gần 1 triệu doanh nghiệp hoạt động trong nền kinh tế.
KTTN liên tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá, là khu vực có đóng góp lớn nhất trong nền kinh tế, chiếm tỷ trọng khoảng 50% GDP. Từ năm 2016 đến nay, tốc độ tăng trưởng của khu vực KTTN đạt khoảng 6-8%/năm, cao hơn tốc độ tăng trưởng bình quân của nền kinh tế.
Khu vực KTTN đóng góp rất quan trọng tạo việc làm, thúc đẩy tái cấu trúc nền kinh tế, đặc biệt ở vùng nông thôn, địa bàn khó khăn. Giai đoạn 2017-2024, khu vực KTTN sử dụng bình quân hơn 43,5 triệu lao động, chiếm hơn 82% tổng số lao động có việc làm trong nền kinh tế.
Tỷ trọng vốn đầu tư của KTTN trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng nhanh, từ 44% năm 2010 lên 56% năm 2024; đóng góp hơn 30% tổng thu NSNN, khoảng 30% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu.

Các đại biểu đã tham quan triển lãm "Những thành tựu trong xây dựng và thi hành pháp luật" và "Những thành tựu trong phát triển kinh tế tư nhân và các gian hàng trưng bày sản phẩm của các doanh nghiệp tư nhân"
KTTN là khu vực năng động trong đổi mới công nghệ, sáng tạo sản phẩm và dịch vụ. Các doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo tăng nhanh, từ 1.500 startup năm 2015 lên khoảng 4.000 startup vào năm 2024. Nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn đang hình thành, phát triển, vươn tầm khu vực, quốc tế.
Đội ngũ doanh nhân ngày càng phát triển lớn mạnh, tinh thần kinh doanh, tinh thần đổi mới và khát vọng vươn lên ngày càng mạnh mẽ; đặc biệt, ngay cả trong những thời kỳ khó khăn, thiên tai, dịch bệnh, các doanh nghiệp, doanh nhân vẫn nỗ lực duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, thể hiện trách nhiệm xã hội với cộng đồng.
Bên cạnh đó, mặc dù có nhiều đóng góp quan trọng, khu vực KTTN vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Mục tiêu phát triển KTTN đề ra tại Nghị quyết 10-NQ/TW năm 2017 (đạt 1,5 triệu doanh nghiệp và đóng góp 55% GDP vào năm 2025) vẫn chưa đạt được.
Gần 98% doanh nghiệp tư nhân (DNTN) có quy mô nhỏ và vừa (DNNVV), siêu nhỏ (gần 70% quy mô siêu nhỏ), sức cạnh tranh, hiệu quả hoạt động, kỹ năng quản trị còn hạn chế; năng suất lao động thấp hơn khu vực doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp nhà nước; tỷ lệ DNTN tham gia vào chuỗi cung ứng của doanh nghiệp FDI thấp (chỉ khoảng 21%).
Tỷ lệ doanh nghiệp đang hoạt động bình quân đạt khoảng 10 doanh nghiệp/1.000 dân vào năm 2024, thấp hơn so với các nước trong khu vực. Tốc độ doanh nghiệp rút khỏi thị trường tăng, phản ánh tình trạng khó khăn do biến động bất lợi của tình hình quốc tế, trong nước.
Xóa bỏ mọi rào cản, tư duy “không quản được thì cấm” để phát triển kinh tế tư nhân
Thủ tướng cho biết, từ thực tiễn phát triển KTTN nước ta những năm qua và kinh nghiệm quốc tế, có thể đúc kết một số bài học kinh nghiệm sau:
Thứ nhất, đổi mới tư duy, thống nhất nhận thức về vị trí, vai trò của KTTN là một động lực quan trọng nhất và là trụ cột chính của nền kinh tế quốc gia, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội và hành động mạnh mẽ hỗ trợ KTTN phát triển.

Toàn cảnh điểm cầu tại NHNN
Thứ hai, nâng cao vai trò kiến tạo, dẫn dắt của Nhà nước, tăng cường năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, xây dựng thể chế và tổ chức thực hiện, có cơ chế, chính sách đột phá, xóa bỏ mọi rào cản, tư duy "không quản được thì cấm" để phát triển KTTN, đẩy mạnh hợp tác giữa Nhà nước và tư nhân.
Thứ ba, bảo đảm KTTN được đối xử công bằng, bình đẳng với các thành phần kinh tế khác; có cơ chế, chính sách, giải pháp vượt trội, đột phá để khơi thông, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, nhất là cho nghiên cứu phát triển, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; đẩy mạnh cắt giảm, đơn giản hóa, giảm chi phí thủ tục hành chính.
Thứ tư, ưu tiên, hỗ trợ các doanh nghiệp lớn, tiên phong dẫn dắt một số ngành, lĩnh vực then chốt, trọng yếu; thúc đẩy mạnh mẽ liên kết giữa doanh nghiệp trong nước với các doanh nghiệp FDI; hỗ trợ DNTN vươn ra thị trường quốc tế, xây dựng thương hiệu quốc tế.
Thứ năm, tập trung đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, có chính sách đãi ngộ vượt trội để thu hút nhân tài, nhất là trong các lĩnh vực công nghệ cao, ngành nghề mới, tạo động lực thúc đẩy phát triển mạnh mẽ KTTN.
Về nội dung chính của Nghị quyết 68, Thủ tướng nêu rõ các quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp và việc tổ chức thực hiện.
Thủ tướng cho biết, Nghị quyết 68-NQ/TW đưa ra 5 quan điểm chỉ đạo mang tính đột phá về phát triển KTTN, trong đó nổi bật là:
KTTN là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia. Thực tiễn đổi mới ở nước ta và kinh nghiệm quốc tế cho thấy, đây là lực lượng tiên phong thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm, nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh quốc gia, hội nhập quốc tế.
Phát triển KTTN nhanh, bền vững, hiệu quả, chất lượng cao vừa là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách, vừa mang tính chiến lược lâu dài. Đây là yêu cầu tất yếu khách quan, trong đó KTTN là phương thức quan trọng nhất để giải phóng sức sản xuất, kích hoạt, huy động, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, nhất là trong nhân dân.
Xóa bỏ triệt để nhận thức, tư tưởng, quan niệm, thái độ định kiến về KTTN; coi doanh nhân là những chiến sỹ trên mặt trận kinh tế. Chỉ có như vậy, chúng ta mới thực sự bảo đảm KTTN bình đẳng với các thành phần kinh tế khác, nhất là trong tiếp cận các nguồn lực.
Tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch, bảo đảm khả năng cạnh tranh khu vực, toàn cầu; thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, làm giàu hợp pháp, đóng góp cho đất nước. Đây là vấn đề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, tạo nền tảng vững chắc thúc đẩy phát triển mạnh mẽ và phát huy vai trò của KTTN tham gia các nhiệm vụ quan trọng, chiến lược của quốc gia, vươn tầm khu vực, thế giới.
Tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, kiến tạo của Nhà nước, lấy doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể; tôn vinh, cổ vũ, phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh. Qua đó, góp phần thúc đẩy, phát huy tinh thần yêu nước, tự tôn dân tộc, khát vọng cống hiến của đội ngũ doanh nhân cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc.
Cho rằng cần phát động phong trào toàn dân thi đua làm giàu trên phạm vi cả nước, phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Thủ tướng nhấn mạnh "thương trường là chiến trường", cần tạo động lực, truyền cảm hứng cho các chiến sỹ trên mặt trận kinh tế cống hiến vì đất nước.
Thủ tướng cho biết, nội dung trọng tâm của 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp là nhằm giải quyết những vấn đề quan trọng, cấp bách nhất đối với phát triển KTTN hiện nay. Đó là: Đổi mới tư duy, nhận thức và hành động; Cải cách, nâng cao chất lượng thể chế; Tăng cường tiếp cận các nguồn lực; Thúc đẩy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; Tăng cường kết nối doanh nghiệp; Phát triển DNTN lớn; Hỗ trợ DNTN nhỏ, siêu nhỏ, hộ kinh doanh; Phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân.