Quỹ tín dụng nhân dân: Nhiều chỉ tiêu tăng trưởng vượt kế hoạch

Chiều 26-12, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh Tiền Giang tổ chức Hội nghị tổng kết tình hình hoạt động Quỹ tín dụng nhân dân (TDND) trên địa bàn tỉnh Tiền Giang năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025.

Quang cảnh hội nghị.

Quang cảnh hội nghị.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Tiền Giang có 16 Quỹ TDND và 1 Phòng Giao dịch trực thuộc Quỹ TDND Tân Thanh, đang hoạt động tại 64 địa bàn xã, phường, thị trấn thuộc 9/11 huyện, thị, thành của tỉnh.

Tính đến ngày 30-11-2024, công tác phát triển thành viên của hệ thống Quỹ TDND đã kết nạp được 2.072 thành viên mới; cùng với rà soát chấm dứt tư cách cho 1.161 thành viên đã lâu không giao dịch, sử dụng dịch vụ hoặc có nguyện vọng rút khỏi thành viên Quỹ TDND. Kết quả năm 2024 đã tăng 911 thành viên so với năm 2023, chiếm tỷ lệ tăng 4,02%, nâng tổng số thành viên hiện có lên 23.595 thành viên.

Tính đến ngày 30-11-2024, tổng nguồn vốn hoạt động của hệ thống Quỹ TDND trên địa bàn đạt trên 1.711 tỷ đồng, tăng hơn 165 tỷ đồng, với tỷ lệ tăng 10,70% so với cuối năm 2023; tổng dư nợ cho vay đạt trên 1.263 tỷ đồng, tăng hơn 118 tỷ đồng, với tỷ lệ tăng 10,36% so với cuối năm 2023.

Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh Tiền Giang Nguyễn Thị Đậm phát biểu tại hội nghị.

Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh Tiền Giang Nguyễn Thị Đậm phát biểu tại hội nghị.

Theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh Tiền Giang, các chỉ tiêu chính trong hoạt động của hệ thống Quỹ TDND đều tăng trưởng và vượt kế hoạch đề ra, hầu hết tất cả các Quỹ TDND đều có lãi, nợ xấu chiếm tỷ lệ thấp. Cụ thể, thời điểm ngày 30-11-2024 so với cuối năm 2023: Huy động vốn tăng 12,88% (kế hoạch 10%); tổng dư nợ cho vay tăng 10,36% (kế hoạch 10%); lợi nhuận (thu nhập trừ chi phí) tăng 5,35% (kế hoạch 3%); 16/16 Quỹ TDND có tỷ lệ nợ xấu dưới 1%. Ngoại trừ chỉ tiêu phát triển thành viên tăng 4,02%, chưa đạt kế hoạch đề ra (5%).

Năng lực tài chính của các Quỹ TDND được quan tâm (vốn điều lệ tăng trưởng tốt, tăng 11,52% so với năm 2023) tạo thuận lợi đáp ứng nhu cầu vốn cho thành viên, đồng thời hỗ trợ tốt cho các tỷ lệ an toàn trong hoạt động đảm bảo đúng quy định.

Cơ cấu dư nợ ngắn hạn và trung, dài hạn gần như là cân bằng, điều này hỗ trợ tốt cho việc thanh khoản hoạt động của hệ thống, đồng thời áp lực huy động vốn trung, dài hạn để cho vay là không cao.

Đồng thời, hoạt động của Quỹ TDND đã đóng vai trò quan trọng, hỗ trợ vốn kịp thời cho các thành viên phát triển kinh tế, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, góp phần trong công cuộc xây dựng nông thôn mới và hạn chế vấn đề cho vay nặng lãi.

Quang cảnh đại biểu tham dự hội nghị.

Quang cảnh đại biểu tham dự hội nghị.

Tại hội nghị, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh Tiền Giang đã đề ra một số nhiệm vụ trong thời gian tới: Bám sát mục tiêu, tôn chỉ hoạt động của Quỹ TDND, hướng hoạt động chủ yếu là tương trợ thành viên, nâng cao giá trị đạo đức nghề nghiệp, tuân thủ theo các cơ chế, chính sách, quy định của nhà nước. Nỗ lực thực hiện các kế hoạch kinh doanh đã được đề ra, nhằm hoàn thành các chỉ tiêu hoạt động trong năm 2025; tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025.

Đồng thời, tập trung thực hiện các giải pháp về nâng cao năng lực quản trị điều hành, nâng cao năng lực tài chính, tăng vốn điều lệ, nâng cao tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu, kiểm soát chất lượng tín dụng, đẩy mạnh thu hồi nợ xấu. Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn cho đội ngũ cán bộ nhằm nâng cao kiến thức chuyên môn, công nghệ thông tin để đáp ứng yêu cầu công tác trong tình hình mới…

LÊ MINH

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/kinh-te/202412/quy-tin-dung-nhan-dan-nhieu-chi-tieu-tang-truong-vuot-ke-hoach-1030483/
Zalo