Quỹ nhà ở quốc gia: Cần có cơ chế ứng ra hoặc cho vay rồi thu về
Ông Lê Văn Bình cho rằng nếu chỉ dùng Quỹ nhà ở quốc gia để xây nhà ở xã hội thì sẽ không đủ nguồn lực, bởi không có quỹ nào đủ lớn để gánh toàn bộ chi phí xây dựng hàng trăm nghìn căn hộ trên cả nước.
Việt Nam đặt mục tiêu có 1 triệu căn nhà ở xã hội (NƠXH) vào năm 2030. Song đến nay, chỉ 103 dự án được hoàn thành với quy mô hơn 66.755 căn, chưa bằng 7% mục tiêu đề ra. Còn lại 137 dự án đã khởi công (114.618 căn) và khoảng 415 dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư (412.200 căn).
Để tạo lập chỗ ở cho người thu nhập trung bình và thu nhập thấp tại các đô thị, trong cuộc họp với Ban Chính sách, chiến lược trung ương vào cuối tháng 2 vừa qua, Tổng Bí thư Tô Lâm đã yêu cầu nghiên cứu thành lập Quỹ nhà ở quốc gia nhằm phát triển nhà giá rẻ tại các đô thị lớn.
Bình luận về vấn đề này tại cuộc tọa đàm “Giải pháp đảm bảo có ít nhất 1 triệu căn NƠXH” ngày 1.4, ông Chử Văn Hải, Trưởng phòng Phát triển và quản lý NƠXH (Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng) cho hay Bộ Xây dựng được Chính phủ giao là cơ quan chủ trì, xây dựng và trình Quốc hội ban hành Nghị quyết thí điểm một số cơ chế chính sách đặc thù, phát triển NƠXH.
Một trong những nội dung của việc ban hành cơ chế chính sách đặc thù là thí điểm thành lập Quỹ phát triển NƠXH quốc gia. Bộ Xây dựng đang trong quá trình nghiên cứu, xây dựng lấy ý kiến thẩm định các cơ quan trước khi trình Quốc hội.
“Về định vị quỹ phát triển NƠXH ở quốc gia sẽ đứng ở vị trị nào thì quỹ phát triển này đang đề xuất là quỹ tài chính ngoài ngân sách do Thủ tướng Chính phủ thành lập, hoạt động không vì lợi nhuận, đảm bảo công khai, minh bạch, hiệu quả, sử dụng đúng mục đích, phù hợp quy định của pháp luật”, ông Hải nêu.
Về nguồn vốn, ông Hải cho biết đang nghiên cứu có sự đóng góp ngân sách nhà nước. Liên quan đến các nguồn khác, hiện nay có nhiều nguồn thu cũng như mô hình nguồn thu từ quỹ phát triển đất, có thể nghiên cứu ở nội dung này và đưa vào…
“Mục đích của quỹ này là có thể quỹ để hình thành quỹ nhà ở của Nhà nước để cho thuê, giống như bài học, kinh nghiệm từ các nước quốc tế đều có nhà ở công cộng cho thuê”, ông Hải nêu.

Ông Chử Văn Hải, Trưởng phòng Phát triển và quản lý NƠXH (Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng) phát biểu
Ngoài ra, từ nguồn quỹ này hỗ trợ cấp bù lãi suất chênh lệch cho chủ đầu tư; hỗ trợ địa phương có khó khăn cân đối ngân sách trong giải phóng mặt bằng để phát triển NƠXH.
“Chúng tôi đang xây dựng nội dung cơ bản của quỹ, trong thời gian tới, nếu thuận lợi, nghị quyết sẽ được thông qua tại các kỳ họp sắp tới”, ông Hải chia sẻ.
TS Cấn Văn Lực, Kinh tế trưởng BIDV cho rằng quỹ liên quan đến phương án phát triển nhà ở quốc gia là một trong những cách nhiều nước đã làm trong thời gian vừa qua, như Singapore, Hàn Quốc, Trung Quốc.
Quỹ này cơ bản có 4 nguồn vốn khác nhau, thứ nhất là vốn ngân sách nhà nước, thứ hai nguồn vốn phát hành trái phiếu dành cho dự án NƠXH, thứ 3 chính là tiền tiết kiệm của người mua nhà. Ví dụ muốn mua NƠXH, dứt khoát người mua phải tiếp kiệm, có thể trích ra từ nguồn thu nhập để cam kết có dòng tiền trả nợ cho ngôi nhà đó. Chính sách quỹ được coi như cơ sở quản lý tiền thay cho người mua nhà. Ngoài ra, một số nước như Trung Quốc, Singapore dùng một phần quỹ BHXH. Cuối cùng là nguồn vốn của các tổ chức tài chính trong nước, quốc tế tham gia. Những nguồn vốn như thế tương đối khả thi. Về đối tượng mua nhà, dứt khoát phải thuộc đối tượng thu nhập thấp, có thể áp từ quy định hiện nay.
“Như Thủ tướng chỉ đạo là đối tượng dưới 35 tuổi. Một số nước có chính sách cho người dưới 35 tuổi, với điều kiện phải có công ăn việc làm, nhưng thu nhập trung bình thấp. Ngoài ra, có thể nộp tiền tiết kiệm một phần vào quỹ, rất khoa học và rất hiệu quả. Trước đây, Việt Nam từng có một thời kỳ có quỹ tiết kiệm nhà ở quốc gia, giờ ta có thể khởi động lại, rất khả thi, nhân văn và bền vững”, ông Lực nói.

Ông Lê Văn Bình, Phó cục trưởng Cục Quản lý đất đai, Bộ Nông nghiệp - Môi trường
Ông Lê Văn Bình, Phó cục trưởng Cục Quản lý đất đai, Bộ Nông nghiệp - Môi trường cũng nêu rằng dự thảo nghị quyết của Chính phủ đã đề xuất xây dựng quỹ nhà ở quốc gia. Quỹ này sẽ được cấp vốn từ ngân sách nhà nước và các nguồn khác theo quy định pháp luật. Vấn đề ở đây là sử dụng quỹ này như nào cho hiệu quả?
“Nếu dùng để xây NƠXH thì không đủ được, tuy nhiên, dùng quỹ này để thực hiện công tác thu hồi mặt bằng tái định để thực hiện dự án NƠXH thì sẽ hiệu quả hơn. Bây giờ cần phải sử dụng quỹ nhà ở quốc gia, chứ không phải lấy quỹ này để phát triển dự án. Không có quỹ nào mà to lớn, mà đủ để thực hiện các dự án NƠXH ”, ông Bình nói.
Ông Bình cho rằng quỹ này là nội dung quan trọng để khởi nguồn cho đầu tư dự án NƠXH. Tiếp theo là đã có nguồn đầu tư thì phải có cơ chế thu lại cho quỹ để còn phát triển các dự án khác.
Quỹ này cần có cơ chế ứng ra hoặc cho vay rồi thu về. Theo đó, cần có quy định, hướng dẫn cụ thể để đưa vào dự thảo nghị quyết để trình Quốc hội. “Như Luật Đất đai có quỹ phát triển quỹ đất, dùng để bồi thường tái định cư làm mặt bằng nhưng lại được hoàn trả lại. Ví dụ: quỹ bỏ ra để làm mặt bằng đấu giá đất xong lại hoàn tiền đấu giá đất về quỹ”, ông Bình nói.