WB hỗ trợ Cần Thơ triển khai các dự án phát triển mới
Dự án phát triển Cần Thơ và tăng cường khả năng thích ứng của đô thị (Dự án 3), có tổng mức đầu tư gần 9.200 tỷ đồng (tương đương hơn 402 triệu USD); trong đó, vốn vay WB hơn 5.697 tỷ đồng.

Đoàn công tác World Bank, Chính phủ Thụy Sĩ tham quan Nhà điều hành âu thuyền Cái Khế, quản lý hệ thống chống ngập của thành phố Cần Thơ. Ảnh: Thanh Liêm - TTXVN
Ngày 2/4, tại thành phố Cần Thơ, đại diện Ngân hàng Thế giới (WB), Chính phủ Thụy Sĩ làm việc với UBND thành phố Cần Thơ về Dự án Phát triển thành phố Cần Thơ tăng cường khả năng thích ứng của đô thị (Dự án 3), trao đổi về các cơ hội tăng cường hợp tác giữa WB, Chính phủ Thụy Sĩ và thành phố Cần Thơ trong thời gian tới.
Dự án phát triển Cần Thơ và tăng cường khả năng thích ứng của đô thị (Dự án 3), có tổng mức đầu tư gần 9.200 tỷ đồng (tương đương hơn 402 triệu USD); trong đó, vốn vay WB hơn 5.697 tỷ đồng (chiếm hơn 62%), vốn viện trợ không hoàn lại từ Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sĩ 10 triệu USD; vốn đối ứng trong nước hơn 3.378 tỷ đồng. Dự án thực hiện trong giai đoạn 2016-2024. Mục tiêu bảo vệ vùng lõi đô thị của Cần Thơ khỏi tình trạng ngập lụt kéo dài, thúc đẩy phát triển đô thị an toàn và thân thiện với môi trường.
Ông Bùi Thái Thượng, Giám đốc Ban Quản lý các dự án sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) thành phố Cần Thơ cho biết, tới hết 30/6/2024 (hết thời hạn giải ngân), dự án giải ngân được hơn 7.587 tỷ đồng tương đương hơn 82% tổng khối lượng toàn bộ dự án. Dự án có 4 mục tiêu đạt và vượt kế hoạch; trong đó, giúp khoảng 2.675 ha, với hơn 442.600 người ở vùng lõi đô thị (quận Ninh Kiều) được hưởng lợi thoát ngập nhờ các bờ kè, cống ngăn triều, trạm bơm gồm 5,2 km kè dọc theo sông Cần Thơ và sông Khai Luông; 10 cống ngăn triều và 2 âu thuyền; trong đó, có âu thuyền Cái Khế vừa được hoàn thành; cải tạo hệ thống thoát nước cho 32 tuyến đường nội đô, vượt chỉ tiêu đề ra 28% và hệ thống điều khiển tự động và giám sát theo thời gian thực dựa trên công nghệ SCADA, cho phép vận hành linh hoạt các cửa cống và máy bơm.

Đại sứ Thụy Sĩ tại Việt Nam Thomas Gass phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Thanh Liêm - TTXVN
Thông qua Dự án 3, thành phố Cần Thơ còn đầu tư xây dựng các tuyến giao thông đô thị then chốt nhằm định hướng phát triển về những khu vực cao và an toàn hơn; đồng thời, cải thiện khả năng di chuyển hàng ngày của người dân bao gồm hoàn thành đơn nguyên 2 cầu Quang Trung (cải tạo đơn nguyên 1); hoàn thành cầu Trần Hoàng Na; xây mới và nâng cấp 5,3km đường bao gồm các tuyến kết nối quan trọng từ đường Cách Mạng Tháng Tám đến Đường tỉnh 918, góp phần giảm ùn tắc giao thông và mở ra các hành lang phát triển có rủi ro thấp.
Tại buổi làm việc, bà Mariam J. Sherman, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam đề nghị thành phố Cần Thơ đảm bảo vận hành bền vững dự án 3, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội địa phương, nhân rộng kinh nghiệm dự án ra các địa phương khác. Nếu có cơ hội, Cần Thơ có thể trình diễn và chia sẻ với các thành phố khác ở Việt Nam về quá trình thực hiện và những thành công của Dự án 3 để những địa phương khác có thể học tập, chia sẻ những kinh nghiệm từ Cần Thơ.
Theo Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, WB không chỉ hỗ trợ về nguồn vốn mà còn cung cấp các hiểu biết về chuyên môn kỹ thuật trên toàn thế giới thông qua các đối tác của mình. Đối với Dự án 4, bà Mariam J. Sherman cho biết, dự án đang trong quá trình chuẩn bị và WB hy vọng có thể tiếp tục hỗ trợ cho Cần Thơ triển khai dự án trong thời gian tới.
Bày tỏ vui mừng trước thành công của Dự án 3, ông Thomas Gass, Đại sứ Thụy Sĩ tại Việt Nam cho rằng, dự án không chỉ giúp Cần Thơ phát triển cơ sở hạ tầng, chống ngập tốt hơn, còn hướng tới đô thị thông minh, phát triển trong tương lai, quản lý nước, quản lý rủi ro ngập lụt, chống biến đổi khí hậu. Qua đó, đóng góp vào sự phát triển bền vững của thành phố Cần Thơ trước những tác động của biến đổi khí hậu và những hành động ứng phó với nó.

Âu thuyền Cái Khế, một hạng mục trong Dự án 3 vận hành từ năm 2024 giúp chống ngập cho trung tâm thành phố Cần Thơ. Ảnh: Thanh Liêm - TTXVN
Theo ông Thomas Gass, qua quá trình đi thực tế tại Đồng bằng sông Cửu Long, ông nhận ra sự phức tạp trong quản lý nguồn nước ở khu vực này. Những đầu tư của Dự án 3 không chỉ giúp bảo vệ khu vực lõi đô thị của Cần Thơ mà còn giúp giữ lại nước ngọt cho Đồng bằng sông Cửu Long thông qua các công nghệ thông minh.
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Nguyễn Thực Hiện, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ cho biết, thành phố rất quan tâm và đã huy động mọi nguồn lực để thực hiện Dự án 3. Thành phố đã giao nhiệm vụ cho Sở Khoa học và Công nghệ làm đầu mối chính, phối hợp với các sở ngành và ban quản lý dự án trong công tác đào tạo, bồi dưỡng nhân lực để phục vụ nhu cầu điều hành dự án.
Lãnh đạo UBND thành phố Cần Thơ cho biết, Dự án 3 nhận được sự đồng tình rất cao của người dân, đặc biệt là những người sinh sống trong các khu vực ngập lụt trước đây, giúp họ yên tâm sản xuất kinh doanh, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.
"Chúng tôi sẽ xây dựng một kế hoạch để đào tạo cán bộ vận hành các công nghệ của Dự án 3 một cách hiệu quả nhất. Mong các chuyên gia sau này thường xuyên đến kiểm tra việc vận hành của hệ thống, hỗ trợ trong việc nâng cấp máy móc hiện đại hơn trong thời gian tới, phục vụ cho sự phát triển của Cần Thơ cũng như Việt Nam nói chung", ông Nguyễn Thực Hiện nói.