Quy mô thị trường tiền số lần đầu tiên vượt 4.000 tỉ đô la

Tổng giá trị thị trường của thị trường tiền số lần đầu tiên vượt qua ngưỡng 4.000 tỉ đô la Mỹ nhờ sự phục hồi của các altcoin (các đồng tiền mã hóa khác ngoài bitcoin) và động lực từ nỗ lực lập pháp của Mỹ nhằm quản lý lĩnh vực này.

Cột mốc vốn hóa 4.000 tỉ đô la nhấn mạnh sự phát triển vượt bậc của ngành công nghiệp tiền số so với nguồn gốc ban đầu mang tính đầu cơ và manh mún của nó.

Thị trường tiền số chạm cột mốc vốn hóa 4.000 tỉ đô la Mỹ vào ngày 18-7. Ảnh: Canva

Thị trường tiền số chạm cột mốc vốn hóa 4.000 tỉ đô la Mỹ vào ngày 18-7. Ảnh: Canva

Thị trường tiền số đạt được cột mốc vốn hóa lịch sử trên hôm 18-7 sau khi luật liên bang đầu tiên về đồng tiền điện tử ổn định (stablecoin), có tên gạo Genius Act, được Hạ viện Mỹ thông qua vào ngày trước đó. Hôm 19-7, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký ban hành luật này.

Genius Act đặt ra sự giám sát của liên bang hoặc tiểu bang đối với các stablecoin có giá trị neo với các tà sản ổn định như đô la.

Hôm 17-7, Hạ viện Mỹ còn thông qua dự luật về cấu trúc thị trường nhằm thiết liệt khung quản lý tiền số rộng rãi hơn. Dự luật này đang chờ Thượng viện xem xét. Ngoài ra, một dự luật cấm Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) phát hành đồng đô la kỹ thuật số cũng được thông qua.

"Sự ra đời của đạo luật Genius Act được ông Trump hậu thuẫn báo hiệu một sự thay đổi thái độ đối với ngành công nghiệp tiền số”, Derren Nathan, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu cổ phiếu của công ty dịch vụ tài chính Hargreaves Lansdown bình luận.

“Genius Act sẽ đi vào lịch sử như một đạo luật đóng vai trò nền tảng trong việc phổ biến tiền điện tử như một loại tài sản”, Chris Perkins, Chủ tịch CoinFund nhận định.

Các đồng tiền mã hóa nhỏ hơn và biến động hơn hoạt động kém hiệu quả trong hầu hết các đợt tăng giá kỷ lục của bitcoin. Nhưng các altcoin, một thuật ngữ bao hàm tất cả các đồng tiền mã hóa ngoài bitcoin, đã dẫn đầu đợt tăng giá mới nhất, với giá đồng Ether (ETH) tăng vọt 20% trong tuần này.

Sự trỗi dậy của các công ty tích lũy tiền điện tử, hay còn được gọi là công ty kho bạc tiền điện tử đã thúc đẩy các altcoin. Nhiều công ty đại chúng đang huy động vốn để mua các đồng tiền mã hóa như ETH, Ripple (XRP) hay Litcoin (LTC).

Làn sóng đầu tư tiền mã hóa của công ty đại chúng mới này, được mô phỏng theo chiến lược của Strategy, công ty đã mua tích lũy hơn 600.000 bitcoin, trở thành tổ chức niêm yết nắm giữ bitcoin lớn nhất thế giới. Strategy đã phát hành cổ phiếu và nợ để mua bitcoin với mục đích đầu tư.

MEI Pharma chứng kiến giá cổ phiếu niêm yết trên sàn Nasdaq tăng gấp đôi vào hôm 18-7 sau khi công ty dược phẩm này công bố khoản đầu tư trị giá 100 triệu đô la vào một quỹ dự trữ LTC.

Trong khi đó, bitcoin đạt mức giá kỷ lục 123.205 đô la vào hôm 14-7 và hiện đang giao dịch quanh mốc 18.800 đô la sau làn sóng chốt lời.

Các nhà đầu tư tiếp tục đổ xô vào các quỹ hoán đổi danh mục (ETF) tiền mã hóa niêm yết tại Mỹ. Các quỹ ETF bitcoin giao ngay thu hút 5,5 tỉ đô la dòng vốn vào cho đến nay trong tháng Bảy, còn các quỹ ETF Ether giao ngay đón nhận 2,9 tỉ đô la.

“Kể từ khi ra mắt các quỹ ETFbitcoin giao ngay, chúng tôi thấy một xu hướng tăng giá nhất quán của bitcon. Đợt tăng giá gần đây của bitcoin trên thực tế vẫn nằm trong phạm vi bình thường. Nếu dòng vốn hiện tại tiếp tục chảy vào, ngay cả trong giai đoạn mùa hè thường trầm lắng, chúng ta có thể thấy giá bitcion vượt mốc 140.000 đô la vào tháng Chín, với khả năng tăng vọt lên 150.000 đô la vào đầu tháng Mười”, Fadi Aboualfa, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu của công ty giám hộ tài sản số Copper nhận định.

Dữ liệu của sàn giao dịch Deribit cho thấy nhu cầu cơ bản đối với bitcoin dường như rất mạnh, với số lượng hợp đồng mở đang tăng lên cho các quyền chọn mua bán bitcoin ở giá 130.000 đô la vào ngày đáo hạn 1-8.

Theo Bloomberg, Reuters

Lê Linh

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/quy-mo-thi-truong-tien-so-lan-dau-tien-vuot-4-000-ti-do-la/
Zalo