Chuỗi liên kết trồng cây dược liệu 'mở khóa' thoát nghèo cho người dân vùng đất Ba Lòng

Chuỗi liên kết trồng cây dược liệu được hình thành trong những năm qua với vai trò dẫn dắt của kinh tế hợp tác, được kỳ vọng sẽ 'mở khóa' thoát nghèo cho người dân ở Ba Lòng - một xã mới của tỉnh Quảng Trị sau sáp nhập từ hai xã cũ của huyện Đakrông là Triệu Nguyên và Ba Lòng. Nhất là giúp cho họ cải thiện sinh kế, tận dụng thế mạnh địa phương để rời 'bến nghèo' và chuyển sang 'bờ khá giả'.

Điển hình như mô hình trồng cây dược liệu sâm Bố Chính có quy mô 2ha ở thôn Xuân Lâm, xã Triệu Nguyên (cũ) thời gian qua đã phát huy hiệu quả và đang được người dân duy trì, nhân rộng.

Lời giải” cho bài toán thoát nghèo

Thời gian đầu, các thành viên của tổ hợp tác trồng sâm Bố Chính tại thôn Xuân Lâm đã được cán bộ nông nghiệp hướng dẫn quy trình trồng, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản. Nhờ đó mà năng suất cây dược liệu này được nâng lên với năng suất đạt 20 tạ/ha.

Củ sâm Bố Chính được trồng ở xã Ba Lòng với chất lượng và năng suất cao, mang lại thu nhập đáng kể cho người dân địa phương.

Củ sâm Bố Chính được trồng ở xã Ba Lòng với chất lượng và năng suất cao, mang lại thu nhập đáng kể cho người dân địa phương.

Điều khiến cán bộ, người dân địa phương vui mừng là sản phẩm từ sự miệt mài chăm trồng của bà con được thu mua tại chỗ với giá 150 - 200 ngàn đồng/kg.

Song song đó, tổ hợp tác đã liên kết với doanh nghiệp để thu mua, bao tiêu sản phẩm. Nhờ có giá thu mua phù hợp và tiêu thụ tốt nên thu nhập của các thành viên dần dần được nâng lên.

Chính vì vậy, sâm Bố Chính được nông dân ở địa bàn Triệu Nguyên (cũ) nhắc đến nhiều nhất trong những cuộc trò chuyện. Nhiều người tin tưởng loại cây dược liệu này có thể trở thành “lời giải” cho bài toán thoát nghèo. Bởi lẽ, so với các loại cây truyền thống ở địa phương, sâm Bố Chính mang lại nguồn thu cao gấp 2,5 - 3 lần.

Chính quyền địa phương cũng đã rà soát, quy hoạch vùng trồng cây Bố Chính tập trung phù hợp, gắn với kế hoạch sử dụng đất hằng năm. Nhất là có các hoạt động hỗ trợ để tổ hợp tác đảm bảo thực hiện mô hình có hiệu quả.

Thực tế cho thấy, để nâng cao thu nhập cho người dân ở vùng đất Ba Lòng (mới) thì một trong những giải pháp địa phương đã triển khai là chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, nhất là việc phát triển diện tích trồng cây dược liệu đang được chú trọng. Trong đó, cây sâm Bố Chính là một trong những cây trồng mới, mang lại giá trị kinh tế khá cao, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân địa phương.

Ngoài ra, một cây dược liệu khác cũng đầy triển vọng là cây sả cũng đã được triển khai trồng tại các địa bàn xã Ba Lòng (cũ), Triệu Nguyên (cũ). Cây sả được ghi nhận rất phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu trên hai địa bàn này. Theo đó, cây sả cho năng suất khoảng 15 - 17 tấn/ha (bao gồm cả lá, thân), 1 tấn chưng cất tinh dầu thu khoảng 4 lít, giá 1 lít tinh dầu khoảng 800.000 đồng, mỗi năm doanh thu khoảng 48 - 54 triệu đồng/ha.

Thu nhập được nâng lên

Hiện nay chính sách xã Ba Lòng (mới) đang tiếp tục khuyến khích các tổ chức, cá nhân, tổ hợp tác, HTX, doanh nghiệp ở địa phương phát triển chuỗi liên kết trồng cây dược liệu, tạo nguồn nguyên liệu phục vụ cho thị trường ngành dược. Một khi có chuỗi liên kết trồng dược liệu một cách ổn định thì thu nhập của người dân địa phương sẽ nâng lên, góp phần phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường và đảm bảo an sinh xã hội.

Việc liên kết cùng HTX phát triển diện tích trồng cây dược liệu giúp cải thiện sinh kế cho người dân ở Ba Lòng.

Việc liên kết cùng HTX phát triển diện tích trồng cây dược liệu giúp cải thiện sinh kế cho người dân ở Ba Lòng.

Bằng nhiều nguồn vốn khác nhau trên địa bàn xã Ba Lòng (mới) đã trồng được hàng trăm ha cây dược liệu với các loại cây chủ yếu như cây ba kích tím, sả, húng quế, sâm Bố Chính...ở hai địa bàn Triệu Nguyên (cũ) và Ba Lòng (cũ). Điều này cũng nhằm đa dạng hóa các loại cây con trên địa bàn, tiến tới thay thế các loại cây trồng có năng suất và giá trị kinh tế thấp sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao, nhằm giúp người dân xóa đói giảm nghèo.

Mô hình trồng cây dược liệu dưới tán rừng tự nhiên và rừng trồng cũng được triển khai tại vùng đất Ba Lòng, góp phần tận dụng hiệu quả đất lâm nghiệp, đồng thời phát triển dược liệu theo hướng bền vững và thân thiện với môi trường. Hệ thống vườn ươm cây giống dược liệu từng bước được hình thành và phát triển, góp phần chủ động nguồn giống phục vụ mở rộng diện tích trồng dược liệu theo hướng tập trung, bền vững.

Theo giới chuyên gia, vùng đất Ba Lòng có lợi thế diện tích rừng tự nhiên lớn, hệ sinh thái, nguồn thực vật đa dạng và phong phú đã tạo điều kiện tốt cho nhiều loài cây dược liệu có giá trị y học, kinh tế cao như: sâm Bố Chính, cây sả, sa nhân, thiên niên kiện, đẳng sâm, quế, chè vằng, cà gai leo, an xoa, nghệ, quế... phát triển.

Và trong nỗ lực phát triển chuỗi liên kết trồng cây dược liệu ở Ba Lòng không thể không nhắc đến vai trò dẫn dắt của HTX trồng và chiết xuất tinh dầu dược liệu Vanpa. Nhờ hoạt động theo mô hình HTX kiểu mới, hướng vào sản xuất, kinh doanh phát triển cây dược liệu có giá trị cao nên thu hút thành viên là người dân địa phương ngày càng đông.

HTX này còn sản xuất nguyên liệu và gia công chế biến tinh dầu nguyên chất, các sản phẩm từ tinh dầu phục vụ thị trường dược liệu trong và ngoài nước.

Không chỉ vậy, HTX Vanpa còn được hướng dẫn tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch. Phía HTX cũng cam kết thu mua toàn bộ sản phẩm theo giá thị trường.

Là một người dân tộc Bru-Vân Kiều ở thôn Đá Nổi, xã Ba Lòng, ông Hồ Văn Thương cho biết từ ngày tham gia vào HTX trồng và chiết xuất tinh dầu dược liệu Vanpa, bản thân ông và các thành viên được hướng dẫn trồng sả, trồng gừng, đúng tiêu chuẩn…Sản phẩm làm ra được HTX thu mua nên người dân đã có thu nhập khá, cuộc sống được cải thiện.

Rời “bến nghèo” và chuyển sang “bờ khá giả”

Hiện HTX Vanpa đã có 4 sản phẩm chủ lực có chỗ đứng trên thị trường gồm tinh dầu sả, gừng, nghệ, hương nhu. Cùng với việc mở rộng quy mô sản phẩm, HTX cũng đã liên kết tạo việc làm ổn định cho hơn 100 hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Ba Lòng (mới). Trung bình mỗi hộ đồng bào tham gia vào HTX, liên kết với HTX có thu nhập trung bình 45 triệu đồng/hộ/năm.

Người dân ở Bà Lòng ngày càng thay đổi nếp nghĩ, cách làm khi tham gia mô hình trồng cây dược liệu.

Người dân ở Bà Lòng ngày càng thay đổi nếp nghĩ, cách làm khi tham gia mô hình trồng cây dược liệu.

Ngoài HTX nêu trên thì ở xã Ba Lòng (mới) còn có HTX dịch vụ nông nghiệp Triệu Nguyên hiện đang có vùng trồng rộng hơn 6 ha, với 15 hộ cùng tham gia trồng đậu đen xanh lòng (một loại cây dược liệu có nhiều công dụng tốt cho sức khỏe) theo hướng thuận tự nhiên, tiến dần đến xây dựng vùng trồng đạt tiêu chuẩn VietGAP.

HTX này đã đứng ra liên kết với các hộ dân trên địa bàn xã Triệu Nguyên (cũ) theo hướng HTX cung cấp hạt giống, hướng dẫn quy trình canh tác theo hướng tự nhiên, xây dựng vùng sản xuất an toàn để chủ động nguyên liệu. Nhờ vào việc đưa cây dược liệu của địa phương đi xa hơn với giá trị và chất lượng tốt nhất đã giúp cải thiện sinh kế cho người dân nơi đây, đã rời “bến nghèo” và chuyển sang “bờ khá giả”.

Việc phát triển kinh tế hợp tác gắn với cây dược liệu ở vùng đất Ba Lòng đã nhận được ủng hộ từ Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX tỉnh Quảng Trị. Chính vì vậy, các cơ quan này đã có những hoạt động hỗ trợ các HTX ở Ba Lòng trong việc nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh, gắn với chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ, nâng cao thu nhập cho các thành viên, giải quyết việc làm cho lao động địa phương.

Bên cạnh đó, Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX tỉnh Quảng Trị đã hỗ trợ các HTX dược liệu ở Ba Lòng tiếp cận các chính sách hỗ trợ của nhà nước và nguồn vốn vay tín dụng. Và nhất là tạo điều kiện cho các HTX tham gia các hội chợ, mở rộng liên kết theo chuỗi giá trị giữa các HTX với doanh nghiệp về tiêu thụ.

Thanh Loan

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//kinh-doanh-xanh/chuoi-lien-ket-trong-cay-duoc-lieu-mo-khoa-thoat-ngheo-cho-nguoi-dan-vung-dat-ba-long-1108272.html
Zalo