Nông thôn mới chuyển mình cùng các mô hình sản xuất trăm triệu trên vùng quê xứ Thanh
Từ những vùng quê còn nhiều khó khăn, thời gian qua, không ít địa phương trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa từng bước chuyển mình mạnh mẽ với diện mạo kinh tế xã hội ngày càng khởi sắc, đời sống người dân ngày một nâng cao.
Đằng sau những sự đổi thay đó là cả một quá trình phấn đấu không ngừng của cấp ủy, chính quyền và người dân địa phương trong quá trình xây dựng nông thôn mới, trong đó có vai trò nổi bật của các HTX – những hạt nhân tích cực trong quá trình thúc đẩy sản xuất, tạo việc làm...
Chuyển mình mạnh mẽ
Nhiều năm trước, xã Thạch Sơn (nay thuộc xã Thạch Bình mới) vốn chỉ biết đến với những cánh đồng trồng lúa manh mún, thu nhập bấp bênh, bộ mặt nông nghiệp nông thôn theo đó cũng đầy khó khăn.
Trước thực tế diễn ra, nhận thấy tiềm năng đất đai và khí hậu thuận lợi, chính quyền địa phương đã chủ động định hướng lại cơ cấu cây trồng, vật nuôi, khuyến khích người dân mạnh dạn chuyển đổi mô hình sản xuất, phát triển kinh tế vườn, trang trại.

Thành công trong chuyển đổi sản xuất là nền tảng xây dựng nông thôn mới ở Thanh Hóa (Ảnh: BTH).
Một trong những mô hình hiệu quả là trồng cây dược liệu xen canh của gia đình ông Tào Xuân Trung ở thôn Bình Sậy. “Gia đình tôi trồng khúc khắc, sả, nghệ – những loại cây phù hợp thổ nhưỡng, dễ chăm sóc. Nhờ trồng xen canh, vườn lúc nào cũng có nguồn thu nhập, bình quân mỗi năm khoảng 200 triệu đồng”, ông Trung phấn khởi chia sẻ.
Không chỉ dừng lại ở mô hình nông hộ, người dân Thạch Sơn còn liên kết sản xuất, chuyển từ sản xuất nhỏ sang hình thức tổ chức quy mô hơn, gắn với tiêu chuẩn chất lượng và chuỗi tiêu thụ ổn định.
Cây mía hiện là cây trồng chủ lực của xã, với hơn 270ha vụ ép 2024–2025, có thời điểm mang lại thu nhập hơn 400 triệu đồng/ha. Đặc biệt, sản phẩm mật mía Đồng Hương Thạch Sơn – do HTX mật mía Đồng Hương Thạch Sơn sản xuất – đã được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao, tạo bước tiến lớn cho sản phẩm nông sản địa phương.
Điều tạo nên dấu ấn trong phát triển nông thôn mới ở Thạch Sơn là sự vào cuộc mạnh mẽ của các mô hình kinh tế hợp tác, với nòng cốt là các HTX, điển hình như HTX mật mía Đồng Hương Thạch Sơn.
Không chỉ sản xuất mật mía chất lượng, HTX Đồng Hương Thạch Sơn còn liên kết bao tiêu đầu ra cho hàng chục hộ dân, hỗ trợ kỹ thuật canh tác và xây dựng thương hiệu sản phẩm. Mô hình này giúp người dân yên tâm sản xuất, nâng cao thu nhập và từng bước đưa nông nghiệp địa phương thoát khỏi tình trạng “được mùa mất giá”.
Liên kết là sức mạnh
Thành công của các HTX không phải là câu chuyện riêng của Thạch Sơn trước đây (hay Thạch Bình hiện tại). Theo thống kê của Liên minh HTX tỉnh, tính đến tháng 5/2025, toàn tỉnh có 1.374 HTX, với khoảng 252.000 thành viên.
Trong đó, số lao động làm việc thường xuyên tại HTX khoảng gần 40.000 người. Số lượng HTX, liên hiệp HTX thành lập mới cũng liên tục tăng ở hầu hết các địa phương trong tỉnh.
Tiêu biểu là HTX nông nghiệp Xuân Hòa (xã Xuân Hòa mới) – đơn vị đang áp dụng mô hình trồng dưa vàng trong nhà màng với diện tích hàng trăm hecta, sản phẩm được truy xuất nguồn gốc, tiêu thụ ổn định qua siêu thị và sàn thương mại điện tử.
Hay như HTX dịch vụ tổng hợp Quý Lộc (xã Quý Lộc mới) xây dựng thành công chuỗi liên kết sản xuất – tiêu thụ lúa gạo chất lượng cao, tạo việc làm thường xuyên cho hàng trăm lao động.
Sự phát triển mạnh mẽ của các HTX đã đóng góp trực tiếp vào hàng loạt tiêu chí quan trọng trong xây dựng nông thôn mới tại các địa phương, từ đó nâng cao thu nhập bình quân người dân. Riêng tại Thạch Sơn (cũ), thu nhập bình quân đầu người đã đạt 58,5 triệu đồng/năm – một con số ấn tượng với một xã miền núi.

Để thúc đẩy nông thôn mới kiểu mẫu, các địa phương trong tỉnh dự kiến tiếp tục đẩy mạnh nông nghiệp theo chuỗi giá trị (Ảnh: BTH).
Gắn liền với sự phát triển của các HTX, không thể không nhắc đến vai trò của Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX tỉnh Thanh Hóa trong việc hỗ trợ và thúc đẩy kinh tế hợp tác.
Thời gian qua, Liên minh HTX Việt Nam cùng Liên minh HTX tỉnh Thanh Hóa đã thực hiện nhiều chương trình thiết thực, nổi bật là phối hợp với Hội Nông dân tỉnh triển khai chương trình hành động giai đoạn 2024–2030, nhằm nâng cao năng lực cho cán bộ HTX, đẩy mạnh liên kết giữa nông dân – HTX – doanh nghiệp.
Đồng thời, Liên minh HTX Việt Nam cùng Liên minh HTX tỉnh Thanh Hóa cũng tổ chức hàng chục lớp tập huấn về thương mại điện tử, kỹ năng số, quản trị chuỗi giá trị sản phẩm cho các HTX ở vùng sâu, vùng xa.
Đặc biệt, trong năm 2023–2024, nhiều dự án giảm nghèo do Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX tỉnh Thanh Hóa phối hợp/chủ trì đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Các mô hình như chăn nuôi lợn nái bản địa ở Bá Thước, nuôi vịt bầu thương phẩm ở Thường Xuân, trồng lúa chất lượng ở Lang Chánh… được tổ chức bài bản, hỗ trợ kỹ thuật và kết nối thị trường đầu ra. Qua đó, hàng trăm hộ nghèo và cận nghèo đã từng bước thoát nghèo, hình thành ý thức sản xuất theo mô hình liên kết.
Hướng tới nông thôn mới bền vững
Thành công bước đầu là tiền đề để nhiều địa phương, đặc biệt là các địa phương vùng cao nhiều khó khăn trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa tiếp tục đầu tư chiều sâu vào xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, hay nông thôn mới kiểu mẫu.
Theo lãnh đạo địa phương, thời gian tới, xã Thạch Bình mới (bao gồm xã Thạch Sơn) sẽ tập trung phát triển nông nghiệp công nghệ cao, đầu tư mô hình sản xuất gắn với chế biến và tiêu thụ. Đồng thời, tiếp tục khuyến khích người dân phát triển kinh tế trang trại, gia trại quy mô lớn theo hướng an toàn sinh học. Xã cũng định hướng đẩy mạnh ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ để tạo thêm việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân.
Đáng chú ý, xu hướng chuyển đổi số trong nông nghiệp đang dần trở thành yêu cầu tất yếu. Các HTX trong tỉnh đã bắt đầu áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc, bán hàng qua sàn thương mại điện tử, sử dụng mạng xã hội để quảng bá sản phẩm. Đây là bước tiến quan trọng giúp sản phẩm nông nghiệp Thanh Hóa vươn xa khỏi “lũy tre làng”, tiếp cận thị trường khu vực và quốc tế.
Hành trình xây dựng nông thôn mới ở Thanh Hóa, với điểm sáng là Thạch Sơn (hay Thạch Bình hiện tại), cho thấy vai trò không thể thay thế của các HTX trong việc tổ chức sản xuất, tạo việc làm, nâng cao thu nhập và gắn nông dân với thị trường. HTX không chỉ đơn thuần là tổ chức kinh tế tập thể, mà còn là hạt nhân giúp nông thôn đổi mới, hiện đại hóa theo hướng bền vững.
Sự đồng hành của Liên minh HTX Việt Nam, Liên minh HTX Thanh Hóa với các chính sách hỗ trợ thực chất, các chương trình giảm nghèo, chuyển đổi số, kết nối tiêu thụ… đã và đang tạo đòn bẩy mạnh mẽ để kinh tế tập thể phát triển, giúp nông thôn Thanh Hóa vươn lên mạnh mẽ hơn trong chặng đường xây dựng nông thôn mới giai đoạn tiếp theo.