Quy hoạch phát triển cơ sở văn hóa, thể thao

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó nêu một số phương hướng phát triển mạng lưới cơ sở văn hóa, thể dục, thể thao cụ thể.

Số hóa dữ liệu văn hóa

Phương hướng phát triển mạng lưới cơ sở văn hóa quốc gia gồm: Mạng lưới bảo tàng; thư viện; cơ sở điện ảnh; cơ sở nghệ thuật biểu diễn; cơ sở triển lãm văn hóa, nghệ thuật; trung tâm văn hóa ở trong nước; trung tâm văn hóa Việt Nam tại nước ngoài; cơ sở nghiên cứu, đào tạo chuyên ngành văn hóa, nghệ thuật; làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam; cơ sở số hóa dữ liệu văn hóa.

Thị xã La Gi đón nhận quyết định công nhận Lễ hội Dinh Thầy Thím vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Thị xã La Gi đón nhận quyết định công nhận Lễ hội Dinh Thầy Thím vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Trong đó, về mạng lưới bảo tàng, hoàn thiện và mở rộng với hạt nhân là các bảo tàng quốc gia. Ứng dụng thành tựu khoa học kỹ thuật và công nghệ, hình thành hệ thống cơ sở dữ liệu số hóa các tài liệu, hiện vật, bảo vật quốc gia, tăng cường kết nối, liên kết, chia sẻ dữ liệu giữa các bảo tàng quốc gia với bảo tàng chuyên ngành và các bảo tàng cấp tỉnh. Đổi mới nội dung và hình thức hoạt động để xây dựng bảo tàng thành trung tâm thông tin về khoa học, văn hóa, lịch sử và điểm đến hấp dẫn, thu hút du khách tham quan và trải nghiệm.

Đối với mạng lưới cơ sở nghệ thuật biểu diễn, đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại, đáp ứng yêu cầu tổ chức các sự kiện nghệ thuật tầm cỡ quốc gia và quốc tế, mang bản sắc đặc trưng của địa phương và vùng miền, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật truyền thống của các dân tộc Việt Nam.

Hình thành các trung tâm nghệ thuật biểu diễn tại các đô thị lớn, các địa phương đóng vai trò trung tâm vùng và các khu vực có tiềm năng phát triển du lịch; gắn kết, tạo động lực thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa và du lịch; từng bước tạo dựng các thương hiệu quốc gia.

Về phương hướng phát triển mạng lưới cơ sở thể dục, thể thao quốc gia gồm: mạng lưới trung tâm đào tạo, huấn luyện vận động viên thể thao; trung tâm hoạt động thể thao; cơ sở nghiên cứu, đào tạo thể dục, thể thao; cơ sở dịch vụ thể thao và chữa trị chấn thương, phục hồi chức năng vận động viên. Trong đó, đối với mạng lưới trung tâm đào tạo, huấn luyện vận động viên thể thao, theo Quy hoạch sẽ xây dựng, nâng cấp, hiện đại hóa hệ thống trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia nhằm đáp ứng yêu cầu đào tạo, huấn luyện và nâng cao thành tích tại các đại hội thể thao châu lục và thế giới.

Lễ hội Cầu ngư.

Lễ hội Cầu ngư.

Ngành chức năng nghiên cứu, đầu tư xây dựng trung tâm huấn luyện quốc gia trọng điểm để phục vụ huấn luyện vận động viên cho các môn thể thao trọng điểm, xác định mục tiêu huy chương tại Đại hội thể thao châu Á và Đại hội thể thao thế giới. Tổ chức phân bố mạng lưới các trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia và trung tâm vệ tinh tại các khu vực, địa phương phù hợp với điều kiện tự nhiên, cơ sở vật chất... đáp ứng yêu cầu huấn luyện chuyên sâu và tổ chức thi đấu các môn thể thao thế mạnh, trọng điểm; được sắp xếp hợp lý về tổ chức bộ máy quản lý theo hướng tinh gọn, hiệu quả.

Bộ sưu tập trang phục Hoàng tộc Chăm.

Bộ sưu tập trang phục Hoàng tộc Chăm.

Bình Thuận kết nối các di tích

Tại Bình Thuận, hiện toàn tỉnh có 28 di tích được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) xếp hạng di tích quốc gia và 49 di tích được UBND tỉnh xếp hạng di tích cấp tỉnh. Các di tích lịch sử - văn hóa này đều đóng vai trò quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tinh thần, tâm linh tín ngưỡng của nhân dân địa phương và nhu cầu tham quan, chiêm bái, thưởng ngoạn của du khách trong và ngoài nước. Trong đó nhiều di tích, danh thắng trở thành những điểm đến không thể thiếu trong các tour, tuyến du lịch văn hóa, tín ngưỡng tâm linh và sinh thái. Bên cạnh di sản văn hóa vật thể, nhiều loại hình di sản văn hóa phi vật thể của tỉnh cũng được quan tâm kiểm kê, nghiên cứu, sưu tầm, bảo tồn và phát huy giá trị đưa lại hiệu quả khá tốt. Đến nay, Bình Thuận có 4 di sản được Bộ VHTT&DL đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, gồm: Nghề gốm truyền thống của người Chăm thôn Bình Đức (Bắc Bình); Lễ hội Cầu ngư tại vạn Thủy Tú (Phan Thiết), Lễ hội dinh Thầy Thím (La Gi) và Lễ hội Katê của người Chăm tỉnh Bình Thuận. Đối với Dự án Khu liên hợp Thể dục thể thao tỉnh đã được UBND tỉnh thống nhất về vị trí, quy mô đầu tư; phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chi tiết xây dựng vào ngày 19/7/2019 với quy mô 23,2 ha, hiện tỉnh đang đôn đốc các ngành chức năng xúc tiến để triển khai. Ngành VHTT&DL tỉnh đang định hướng xây dựng, kết nối để hình thành các tour, kết nối tham quan các di tích, lễ hội với các tour, tuyến du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, như huyện Bắc Bình, có thể kết nối từ Trung tâm Trưng bày Văn hóa Chăm - Bộ sưu tập di sản văn hóa hoàng tộc Chăm - đền thờ vua Chăm Pô Klong Mơh Nai - đền thờ vua Chăm Pô Nít - Làng nghề gốm thủ công Bình Đức và một số làng dệt thủ công truyền thống của người Chăm. Còn các địa phương khác sẽ hình thành, nối kết các tour, tuyến du lịch để tạo sự liên hoàn và gắn kết giữa các loại hình du lịch sinh thái, dã ngoại, nghỉ dưỡng với du lịch văn hóa, tín ngưỡng tâm linh để thu hút du khách.

CÔNG NAM

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/quy-hoach-phat-trien-co-so-van-hoa-the-thao-125464.html
Zalo