Quy hoạch mạng lưới giáo dục đại học: Kết nối để phát triển

Mạng lưới cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp tại TPHCM cần được sắp xếp, quy hoạch để gắn với mạng lưới công nghiệp, dịch vụ và KHCN.

Một góc khu đô thị Đại học Quốc gia TPHCM trên địa bàn TP Thủ Đức, TPHCM và TP Dĩ An, Bình Dương nhìn từ trên cao. Ảnh: VNUHCM

Một góc khu đô thị Đại học Quốc gia TPHCM trên địa bàn TP Thủ Đức, TPHCM và TP Dĩ An, Bình Dương nhìn từ trên cao. Ảnh: VNUHCM

Nhiều trường nằm trong nội thành

Tại Hội nghị sơ kết hoạt động 6 tháng đầu năm 2024 và thông qua kế hoạch hoạt động trong những tháng cuối năm của Hội đồng Hiệu trưởng các trường đại học trên địa bàn TPHCM tổ chức hôm 13/8, ông Nguyễn Anh Tuấn – Trưởng phòng Quản lý quy hoạch chung, Sở Quy hoạch – Kiến trúc TPHCM cho biết, theo thống kê, các trường đại học, cao đẳng tại TPHCM chiếm hơn 60% số trường toàn vùng Đông Nam Bộ.

Bên cạnh hệ thống trường công lập đóng vai trò chủ chốt, trường ngoài công lập phát triển nhanh, tham gia đào tạo nhân lực ở trình độ cao, kể cả đào tạo sau đại học và liên kết đào tạo quốc tế. Theo thống kê, thành phố hiện có Đại học Quốc gia TPHCM và 51 cơ sở giáo dục đại học, 356 cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cao đẳng và trung cấp tập trung chủ yếu ở Quận 10, 12, quận Gò Vấp, Tân Phú và TP Thủ Đức…

Theo đánh giá của Sở Quy hoạch – Kiến trúc TPHCM, các cơ sở giáo dục đại học nằm trong khu vực nội thành thành phố hiện không phù hợp quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện hành, chưa được di dời ra khỏi vùng trung tâm, gây áp lực và mất cân đối về hạ tầng xã hội – kỹ thuật. Đặc biệt, tình trạng này ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển, an sinh, phúc lợi xã hội cuộc sống của người dân, tác động tới các ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố.

Theo đại diện Sở Quy hoạch – Kiến trúc TPHCM, rà soát đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TPHCM đến năm 2025 phê duyệt tại Quyết định số 24/QĐ-TTg ngày 6/1/2010 của Thủ tướng Chính phủ và các đồ án quy hoạch phân khu, hệ thống trung tâm giáo dục đại học được định hướng bố trí ở vùng ven nhằm di dời các cơ sở giáo dục bên trong nội đô ra vùng ngoại biên giảm bớt áp lực cho hạ tầng giao thông. Triển khai mô hình trên, TPHCM có khu đô thị Đại học Quốc gia TPHCM đã xây dựng theo mô hình đô thị khoa học hiện đại.

Tuy nhiên, trên địa bàn TPHCM còn nhiều dự án diện tích lớn gặp khó khăn, vướng mắc dẫn đến chưa được thực hiện: Khu đô thị đại học Hưng Long tại Bình Chánh (511 ha); khu đại học Long Phước tại TP Thủ Đức (172,92 ha); khu đô thị đại học quốc tế VIUT (thuộc Khu đô thị Tây Bắc) huyện Hóc Môn (306 ha); khu giáo dục tập trung xã Long Thới, huyện Nhà Bè (151,158 ha)... làm ảnh hưởng đến kết quả thực hiện các chỉ tiêu về giáo dục theo các quy hoạch. Việc xây dựng mới, thay thế, nâng cấp cải tạo, mở rộng các trường học chưa khả thi do còn nhiều vướng mắc liên quan đến công tác bồi thường, đền bù giải phóng mặt bằng.

 Trường Đại học Nông Lâm TPHCM thuộc địa bàn TP Thủ Đức, TPHCM. Ảnh: NLU

Trường Đại học Nông Lâm TPHCM thuộc địa bàn TP Thủ Đức, TPHCM. Ảnh: NLU

Ba hướng phát triển cụm đại học

Tại hội nghị, đại diện Sở Quy hoạch – Kiến trúc TPHCM chia sẻ định hướng quy hoạch phát triển không gian tổng thể và xây dựng cấu trúc thành phố đa trung tâm bao gồm các tầng bậc. Trong đó, có định hướng phát triển hạ tầng giáo dục đại học và cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn TPHCM thời gian tới. Mạng lưới này cần tập trung thành từng cụm ở khu vực ngoại thành và ưu tiên phát triển theo 3 hướng: Đông, Nam, Tây Bắc.

Thứ nhất là cụm trung tâm giáo dục đào tạo phía Đông - TP Thủ Đức bao gồm Đại học Quốc gia TPHCM và một số cơ sở trong TP Thủ Đức. Cụm trung tâm giáo dục sẽ trở thành động lực phát triển cho khu vực phía Đông, hỗ trợ, tương tác, cung cấp nguồn nhân lực cho các khu công nghệ cao.

Thứ hai là cụm trung tâm giáo dục đào tạo phía Nam, bao gồm khu đô thị đại học An Phú Tây - Hưng Long, làng đại học Hùng Vương, làng đại học Phong Phú, khu đại học tập trung Long Thới Nhà Bè, các cơ sở giáo dục đào tạo khác tập trung tại vành đai 3. Các điểm giáo dục và đào tạo chủ yếu được bố trí giáp đường giao thông lớn, tiếp cận mạng lưới cây xanh mặt nước cũng như định hướng phát triển tích hợp với các khu chức năng về thương mại dịch vụ và đô thị đa năng.

Thứ ba là cụm trung tâm giáo dục đào tạo phía Tây Bắc gồm: Khu đô thị đại học quốc tế Việt Nam thuộc huyện Hóc Môn (bao gồm chức năng giáo dục đào tạo và chức năng phụ trợ) cùng một số cơ sở giáo dục đào tạo khác. Việc hình thành khu trung tâm giáo dục đào tạo ở đây là chiến lược hợp lý, phù hợp định hướng xen cài các trường đại học vào khu đô thị, đồng thời đây là khu trung tâm giáo dục có quỹ đất lớn, phù hợp để di dời một số cơ sở đào tạo bên trong nội đô ra ngoài ngoại thành.

Bên cạnh 3 cụm trung tâm đào tạo nêu trên, TPHCM định hướng bổ sung thêm khu nghiên cứu đào tạo, trường cao đẳng ở Củ Chi - Hóc Môn nằm gần các cụm phát triển nông nghiệp công nghệ cao để cung cấp và đào tạo nguồn nhân lực hỗ trợ cho khu công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, công nghệ cao.

Lãnh đạo nhiều trường đại học cũng nêu những vướng mắc, đề xuất TPHCM các giải pháp nhằm hoàn thiện quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học. PGS.TS Phạm Tiến Đạt - Hiệu trưởng Trường Đại học Tài chính - Marketing đề nghị thành phố có giải pháp hỗ trợ để các trường đại học đẩy nhanh thủ tục liên quan đến đầu tư cơ sở vật chất và hạ tầng.

Ông Đạt cho biết, dù có nguồn lực tài chính, song nhiều trường vẫn gặp khó khăn về vấn đề liên quan đến phòng cháy chữa cháy, quy hoạch, liên quan đến đánh giá tác động môi trường… trong quá trình đầu tư cơ sở vật chất.

“Chúng tôi có cơ sở ở Long Trường (TP Thủ Đức) với diện tích 8ha. Nhà trường đã đầu tư cơ sở vật chất nhưng con đường đi vào chỉ là một cái ngõ nhỏ. Trường sẵn sàng mở rộng con hẻm tuy nhiên cơ chế không cho phép”, ông Đạt chia sẻ. Ngoài ra, hiện nhà trường có nhu cầu xây dựng thêm các giảng đường, nhà thi đấu đa năng nhưng phải đợi quy hoạch chung của thành phố.

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho rằng, TPHCM đang trong giai đoạn chuẩn bị triển khai quy hoạch thành phố. Ông đề nghị cần tập trung giải quyết những vướng mắc của các trường đại học, sớm hoàn thiện các khu đô thị đại học ở TPHCM. Trong đó, Chủ tịch UBND TPHCM nhấn mạnh Đại học Quốc gia TPHCM nhanh chóng hình thành khu đô thị đại học như quy hoạch, đồng thời thành phố cần sớm hình thành khu đại học với 500ha ở Bình Chánh.

Theo Sở Quy hoạch – Kiến trúc TPHCM, đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TPHCM đến năm 2040, tầm nhìn 2060 với tầm nhìn là thành phố toàn cầu, cần có cách tiếp cận quy hoạch và thực thi quốc tế. Do đó, một trong các công tác trọng tâm 6 tháng cuối năm 2024 của Hội đồng Hiệu trưởng các trường đại học trên địa bàn TPHCM là triển khai hiệu quả quy hoạch khu đại học theo Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TPHCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060.

Lê Nam

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/quy-hoach-mang-luoi-giao-duc-dai-hoc-ket-noi-de-phat-trien-post701735.html
Zalo