Phản biện 'Đồ án quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2.000 khu công nghiệp Hà Long
Sáng 24/9, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Thanh Hóa (gọi tắt là Liên hiệp hội), đã tổ chức hội thảo khoa học phản biện 'Đồ án quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2.000 khu công nghiệp Hà Long, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa' (gọi tắt là Quy hoạch).
Căn cứ vào Dự thảo quy hoạch và các tài liệu có liên quan được Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp (KKTNS&KCN) tỉnh Thanh Hóa gửi đến Liên hiệp hội; ý kiến của các thành viên Hội đồng phản biện và các chuyên gia, Liên hiệp hội đã xây dựng thành báo cáo nghiên cứu (mang tính đề dẫn) phục vụ hội thảo khoa học phản biện.
Đồ án Quy hoạch được tổ chức nghiên cứu và xây dựng một cách công phu với kết cấu, bố cục chung hợp lý, phù hợp với quy định hiện hành của pháp luật về Quy hoạch xây dựng phân khu trong các KCN. Hội đồng phản biện cơ bản thống nhất với kết cấu, bố cục chung của Đồ án và của từng chương, mục và tiểu mục về nội dung và tính logic.
Tại hội thảo, các đại biểu cơ bản thống nhất với sự cần thiết phải xây dựng Đồ án Quy hoạch. Đồng thời, các ý kiến cũng cho rằng cần làm rõ một số nội dung liên quan đến việc xây dựng Đồ án Quy hoạch.
Về lý do, sự cần thiết phải lập Quy hoạch, nội dung sự cần thiết cần phải thể hiện được vấn đề triển khai nhiệm vụ phát triển công nghiệp của tỉnh đã được nêu trong Quyết định số 153/QĐ-TTg, ngày 27/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định ngoài 8 KCN đã có trong quy hoạch, đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh phát triển thêm 11 KCN mới, trong đó có KCN Hà Long, huyện Hà Trung.
Đồng thời, cũng cần đánh giá phạm vi và quy mô lập quy hoạch; điều kiện tự nhiên và hiện trạng; các chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật chủ yếu khi xây dựng Đồ án Quy hoạch.
Về tính chất và chức năng, nội dung trình bày trong Đồ án Quy hoạch mới chỉ thể hiện được tính chất, chưa thể hiện được chức năng của KCN, cần xác định rõ mức độ, tỷ lệ công nghệ cao và mức độ đảm bảo môi trường...
Về mục tiêu, cần phải bổ sung làm rõ các loại hình công nghệ sản xuất được bố trí trong KCN; ngoài mục tiêu “Tăng tỷ lệ lao động công nghiệp, góp phần quan trọng vào việc chuyển dịch cơ cấu lao động trên địa bàn”, đề nghị quan tâm đến các vấn đề như, phát triển và cơ cấu lại dân cư; thúc đẩy tốc độ đô thị hóa; chuyển dịch cơ cấu kinh tế; tăng thu ngân sách; vấn đề phòng, chống thiên tai và biến đổi khí hậu cũng cần được đặt ra đối với KCN.
Về danh mục các chương trình, dự án ưu tiên đầu tư, đề xuất, kiến nghị các cơ chế huy động và tạo nguồn lực thực hiện, cần nghiên cứu, bổ sung giải pháp cụ thể đối với KCN Hà Long. Bổ sung tính toán cụ thể nguồn vốn đầu tư hạ tầng KCN; đồng thời, cần tính toán cụ thể về nhà ở cho công nhân KCN theo từng giai đoạn.
Các ý kiến tham gia nhận xét, đánh giá của các thành viên Hội đồng khoa học phản biện và các nhóm chuyên gia là căn cứ để đơn vị xây dựng Đồ án Quy hoạch chỉnh sửa, bổ sung bố cục, hoàn thiện nội dung đảm bảo tính khoa học, phù hợp với điều kiện thực tiễn, trình UBND tỉnh xem xét, quyết định.