Quy hoạch, đào tạo cán bộ người dân tộc thiểu số
Với trên 80% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, những năm qua, tỉnh ta luôn quan tâm xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng, phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số cả về số lượng và chất lượng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Toàn tỉnh có trên 18.880 cán bộ, công chức, viên chức là người DTTS; chiếm 54,7% tổng số cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh. Những năm qua, các cấp ủy, chính quyền địa phương, đơn vị trong tỉnh luôn quan tâm xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ nói chung, cán bộ người DTTS nói riêng. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, toàn tỉnh đã đào tạo, bồi dưỡng cho trên 37.770 lượt cán bộ, công chức, viên chức người DTTS, chiếm 72,6% trong tổng số cán bộ, công chức, viên chức được đào tạo, bồi dưỡng.
Công tác quy hoạch cán bộ người DTTS được tăng cường. Từ năm 2020 đến nay, các địa phương, đơn vị đã trình cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch 13.799 lượt cán bộ; trong đó có 7.099 lượt cán bộ người DTTS, chiếm 51,4% tổng số lượt cán bộ được quy hoạch. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Đề án số 03-ĐA/TU ngày 30/12/2021 về xây dựng, tạo nguồn cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người DTTS diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý đến năm 2030. Trải qua các vòng sát hạch, có 50 ứng viên đã trúng tuyển, trong đó có 20 đồng chí là cán bộ người DTTS. Qua rèn luyện, đào tạo, bồi dưỡng, có 3 đồng chí được quy hoạch ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, 1 đồng chí được quy hoạch phó bí thư huyện ủy, 6 đồng chí được quy hoạch chức danh phó giám đốc sở và tương đương. Đến nay, có 1 đồng chí đã được bổ nhiệm giữ chức Phó trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy, 1 đồng chí được bổ nhiệm trưởng phòng, 1 đồng chí chuyên viên được bổ nhiệm phó phòng.
Đồng chí Thào A Súa, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Thuận Châu, cho biết: Toàn huyện có 21/29 xã khu vực III; đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 94%. Hằng năm, Ban Thường vụ Huyện ủy xây dựng kế hoạch đào tạo cán bộ, công chức, nhất là đào tạo cán bộ là người dân tộc thiểu số, giúp đội ngũ cán bộ phát huy năng lực vào công tác lãnh đạo, điều hành nhiệm vụ, công việc.
Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, huyện đã cử 10 cán bộ người dân tộc thiểu số (DTTS) đi đào tạo chuyên môn đại học và sau đại học; 15 cán bộ đào tạo cao cấp lý luận, 391 cán bộ đào tạo trình độ sơ cấp và trung cấp lý luận. Việc sắp xếp, điều động, luân chuyển, bổ nhiệm cán bộ được huyện thực hiện đúng quy định, với 46 cán bộ là người dân tộc thiểu số được bổ nhiệm, giới thiệu để đảm nhiệm các chức danh lãnh đạo, quản lý cấp huyện; 405 lượt cán bộ được giới thiệu, bổ nhiệm lãnh đạo, quản lý cấp xã. Hiện nay, 60% cán bộ người DTTS đang công tác ở các cơ quan cấp huyện; 92% cán bộ, công chức cấp xã là người DTTS; trong đó, gần 80% số cán bộ, công chức có trình độ đại học, 78% trình độ lý luận trung cấp trở lên.
Còn tại huyện Yên Châu, từ năm 2020 đến nay, có trên 1.500 lượt cán bộ, công chức, viên chức người DTTS tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng về trình độ lý luận chính trị, quản lý nhà nước, chuyên môn, nghiệp vụ theo vị trí việc làm. Công tác tuyển dụng công chức, viên chức được huyện Yên Châu thực hiện khách quan, công khai, đúng quy định.
Đồng chí Hoàng Anh, Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Yên Châu, chia sẻ: Huyện ưu tiên tuyển dụng người DTTS tại chỗ, người có trình độ thạc sĩ, đại học. 5 năm qua, huyện đã tuyển dụng trên 170 công chức, viên chức là người DTTS. Chất lượng cán bộ người DTTS ngày càng được nâng lên, trong 723 cán bộ, công chức, viên chức người DTTS cấp huyện, 11 người có trình độ thạc sĩ; đại học, cao đẳng chiếm 91%; cao cấp lý luận chính trị 8 người. Vừa qua, huyện có 1 cán bộ nữ người DTTS trúng tuyển tại Kỳ thi tuyển chọn cán bộ theo Đề án số 03-ĐA/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
Những năm gần đây, xã Chiềng Tương, huyện Yên Châu có nhiều chuyển biến trong phát triển kinh tế - xã hội, đời sống của nhân dân ngày càng được nâng lên, kết quả này có đóng góp không nhỏ của đội ngũ cán bộ, công chức xã. Ông Tếnh Thành Đô, Bí thư Đảng ủy xã, thông tin: Xã có 22/23 cán bộ, công chức là người DTTS; trên 70% số cán bộ, công chức của xã có trình độ đại học, trung cấp lý luận chính trị. Hằng năm, cử cán bộ, công chức tham gia các lớp tập huấn chuyên sâu về chuyên môn, nghiệp vụ. Nhìn chung, năng lực, tác phong làm việc của công chức thay đổi rõ nét, công tác giải quyết hiệu quả hơn, đặc biệt là vận động nhân dân phát triển kinh tế, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an ninh trật tự biên giới.
Quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ là đồng bào DTTS góp phần nâng cao hiệu quả công tác lãnh đạo, điều hành, thực thi nhiệm vụ ở các cơ quan, đơn vị, địa phương, nhất là tại các địa bàn có nhiều đồng bào DTTS, góp phần xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc.