Quy đổi điểm để đảm bảo mặt bằng đầu vào
Kỳ tuyển sinh đại học (ĐH) 2025, cùng với việc bỏ xét tuyển sớm thì việc các trường ĐH phải quy đổi điểm tương đương giữa các phương thức xét tuyển, các tổ hợp xét tuyển về thang chung – thang điểm 30 đang là nội dung được các thí sinh quan tâm. Tuy nhiên, việc quy đổi này sao cho hợp lý đang là vấn đề băn khoăn.
Các trường chủ động
Thời điểm này, nhiều trường ĐH đã công bố cách thức quy đổi điểm như ĐH Bách khoa Hà Nội. Ngoài ra, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, ĐH Kinh tế Quốc dân… đã có dự kiến công thức quy đổi điểm tương đương giữa các phương thức, tổ hợp tuyển sinh.
Theo PGS.TS Vũ Duy Hải - Trưởng ban Tuyển sinh - Hướng nghiệp (ĐH Bách khoa Hà Nội), quy định mới về quy đổi điểm tương đương là một bước tiến quan trọng nhằm đảm bảo mọi thí sinh, dù tham gia xét tuyển bằng phương thức nào cũng sẽ được đánh giá trên cùng một mặt bằng về năng lực đầu vào. Tất cả thí sinh đều cần được đối xử công bằng khi bước vào một ngành học. Không thể có chuyện cùng trúng tuyển vào một ngành mà người thì đạt 90/150, người thì 75/100, người thì 26/30, nhưng không có một công cụ nào chứng minh 3 mức điểm này là tương đương nhau về năng lực.
TS Nguyễn Trung Nhân - Trưởng phòng Đào tạo (Trường ĐH Công nghiệp TPHCM) cho biết, trước khi Bộ GDĐT ban hành dự thảo hướng dẫn tuyển sinh ĐH, cao đẳng năm 2025, nhà trường đã chủ động chuẩn bị phương án quy đổi điểm. Nhà trường đang phân tích phổ điểm kết quả học tập của sinh viên theo các phương thức xét tuyển trước đây. Đồng thời, xây dựng hàm tương quan sơ bộ và chỉ chờ hướng dẫn chính thức từ Bộ GDĐT để công bố trong thông báo tuyển sinh năm nay. Đến thời điểm hiện tại công tác phân tích dữ liệu và xây dựng hệ số tương quan của trường đã tạm ổn, dựa trên phổ điểm thi tốt nghiệp THPT của 2 năm gần đây. Trường cũng chờ phổ điểm của kỳ thi tốt nghiệp năm 2025 để áp dụng và triển khai ngay khi có thể.
Theo ông Nhân, việc quy đổi điểm không ảnh hưởng lớn đến công tác tuyển sinh vì nhà trường đã dự trù các khó khăn ngay từ khi xác định điểm trúng tuyển và ngưỡng đảm bảo đầu vào cho từng phương thức.
Chờ hướng dẫn cụ thể
Các băn khoăn đặt ra cho rằng, bên cạnh những lợi thế của quy đổi điểm tương đương, như giúp giảm bớt tình trạng “loạn” phương thức xét tuyển, thì việc quy đổi điểm có nguy cơ mang đến nhiều bất cập và hạn chế về mặt hoa học và thực tiễn giáo dục. Bởi mỗi phương thức tuyển sinh, mỗi ngành học và lĩnh vực đào tạo có đặc thù riêng, đòi hỏi những tiêu chí đánh giá và tuyển chọn khác nhau.
Đơn cử, như kỳ thi đánh giá năng lực nói chung, kỳ thi đánh giá năng lực riêng biệt của khối ngành Công an có cấu trúc, hình thức và mức độ đánh giá khác so với kỳ thi tốt nghiệp THPT. Việc quy đổi điểm về cùng thang 30 đặt ra vấn đề, liệu có đảm bảo công bằng cho thí sinh khi quy đổi không? Từ trước đến nay, mỗi phương thức xét tuyển là một hệ quy chiếu riêng, có mục tiêu, cấu trúc đề thi phân loại khác nhau. Bên cạnh đó, để có căn cứ cho việc quy đổi này thì các trường cần hệ thống dữ liệu đáng tin cậy đánh giá năng lực thí sinh qua các năm. Tuy nhiên, phổ điểm, độ lệch các kỳ thi không ổn định qua các năm, dẫn tới việc quy đổi tương đương có thể sẽ có nhiều sai số. Việc áp đặt một tiêu chuẩn duy nhất cho tất cả các ngành là chưa khoa học và sẽ làm mất đi sự đa dạng cần thiết.
TS Lê Anh Đức - Trưởng phòng Quản lý Đào tạo (ĐH Kinh tế Quốc dân) khẳng định, quy đổi điểm chuẩn trúng tuyển ĐH không phải là việc ép buộc các kỳ thi khác nhau phải có thang điểm giống nhau mà là việc tính toán và công bố các mức điểm chuẩn tương đương ở mỗi phương thức để đảm bảo năng lực đầu vào của thí sinh là ngang nhau.
Theo kế hoạch, Bộ GDĐT sẽ có hướng dẫn chung mang tính nguyên tắc về quy đổi điểm trúng tuyển tương đương giữa các phương thức. Trên cơ sở đó, mỗi cơ sở đào tạo sẽ xây dựng một công thức quy đổi riêng sao cho hợp lý.