Quy định 'sinh ra trên đất Mỹ là công dân Mỹ' mà ông Trump muốn hủy bỏ

Trước sự phản đối của ông Trump, quyền công dân theo nơi sinh đã phải đối mặt với rất nhiều thách thức trong suốt lịch sử phát triển của nước Mỹ.

 Ảnh: History.

Ảnh: History.

Sắc lệnh của ông Trump ngày 20/1 về hủy quy định sinh ra ở Mỹ là công dân Mỹ đã ngay lập tức dấy lên tranh cãi pháp lý. Ngày 21/1, 22 bang do đảng Dân chủ lãnh đạo cùng thủ đô Washington và thành phố San Francisco đã đệ đơn kiện lên tòa án liên bang ở Boston và Seattle, khẳng định Tổng thống Donald Trump đã vi phạm hiến pháp với sắc lệnh trên.

Trên thực tế, quyền công dân theo nơi sinh là một trong những quyền nổi tiếng nhất của nước Mỹ. Tuy nhiên, trong suốt lịch sử phát triển của xứ cờ hoa, khái niệm pháp lý này đã phải đối mặt với rất nhiều thách thức.

Quyền công dân Mỹ bắt nguồn từ đâu?

Vào những năm 1780, định nghĩa về quyền công dân Mỹ có vẻ không được định nghĩa rõ ràng. Hiến pháp Mỹ không định nghĩa cụ thể về quyền công dân, nhưng có đề cập đến quyền này. Trong Điều I, quyền công dân là điều kiện cơ bản để có thể giữ chức vụ lập pháp.

Những người sáng lập nước Mỹ đã có ý tưởng về quyền công dân nhưng họ chưa nêu rõ. Những người theo chủ nghĩa Liên bang như Alexander Hamilton hay những người chống chủ nghĩa Liên bang như Patrick Henry có thể bất đồng khi soạn thảo Hiến pháp Mỹ.

Tuy nhiên, họ đều có sự đồng thuận chung về việc kế thừa luật lệ của nước Anh. Một trong những điều luật này là quyền công dân được xác định bằng nguyên tắc jus soli - một thuật ngữ tiếng Latin có nghĩa là "quyền của người sinh ra trên lãnh thổ". Tại Anh, nếu một người sinh ra trên đất Anh, thì người đó là công dân Anh. Những người sáng lập nước Mỹ đã áp dụng nguyên tắc này và đưa jus soli trở thành một trong những tiêu chí áp dụng quyền công dân. Tuy nhiên, nguyên tắc này vào thời điểm ban đầu chưa bao quát được hết xã hội Mỹ.

Một khái niệm khác, jus sanguinis (quyền huyết thống), cũng được đưa vào sử dụng để xác định ai là công dân của quốc gia mới. Theo nguyên tắc này, quyền công dân là quyền thừa kế, được truyền từ cha sang con. Vào tháng 3/1790, Quốc hội Mỹ đã thông qua đạo luật nhập tịch đầu tiên, quy định rằng trẻ em là con của công dân Mỹ ở nước ngoài hoặc trên biển được coi là “công dân được sinh ra tự nhiên”.

Như vậy, trẻ em Mỹ được cấp quyền công dân theo một trong hai nguyên tắc pháp lý jus soli hoặc jus sanguinis. Tờ Washington Post lưu ý: “Theo truyền thống, luật nhập tịch khoan hồng khiến người châu Âu muốn đi du lịch và định cư tại Tân Thế giới (Mỹ)”.

Ưu tiên người da trắng và sự thách thức từ chế độ nô lệ

Đạo luật năm 1790 cũng nêu rõ cách những người mới đến nước Mỹ có thể trở thành công dân Mỹ. “Bất kỳ người nước ngoài nào là người da trắng tự do, đã cư trú tại Mỹ trong thời hạn hai năm, đều có thể được chấp nhận trở thành công dân.” Họ cũng phải chứng minh rằng mình có “phẩm chất tốt” và tuyên thệ trung thành với Hiến pháp Mỹ. Con cái của họ, bất kể sinh ra ở đâu, nếu dưới 21 tuổi, cũng trở thành công dân khi cha mẹ của họ trở thành công dân Mỹ.

Đạo luật đã được sửa đổi vào năm 1795 để kéo dài thời gian cư trú lên năm năm, con số vẫn là tiêu chuẩn trong hầu hết thế kỷ 19. Vào năm 1798, thời gian cư trú tăng vọt lên 14 năm nhưng lại trở lại năm năm vào năm 1802).

Có một điều rõ ràng trong luật nhập tịch mới này là đã bỏ qua nhiều bộ phận lớn của xã hội Mỹ, bao gồm cả những người nô lệ và người Mỹ bản địa.

Vào năm 1857, khi các cuộc tranh luận về chế độ nô lệ nổ ra, Tòa án Tối cao Mỹ đã thể hiện quan điểm bảo thủ với phán quyết trong vụ án Dred Scott. Theo đó, Scott, một người đàn ông đã thoát khỏi chế độ nô lệ và đang kiện đòi tự do, bị xử thua và không được công nhận là công dân Mỹ vì Scott là người gốc Phi. Toàn bộ người gốc Phi không được coi là công dân Mỹ, ngay cả khi họ sinh ra ở Mỹ, Chánh án Roger B. Taney đã viết.

Tuy nhiên, lập trường đó không tồn tại lâu. Trong Nội chiến Mỹ, các nhà lập pháp đã quay trở lại cuộc tranh luận về việc liệu người da đen có nên có quyền công dân theo nơi sinh hay không. Hậu Nội chiến, Quốc hội Mỹ đã thông qua luật mới, mở rộng quyền công dân cho toàn bộ người sinh ra tại Mỹ và "không chịu sự chi phối của bất kỳ thế lực nước ngoài nào".

Tu chính án 14

Tuyên bố toàn diện nhất về quyền công dân theo nơi sinh được đưa ra vào năm 1868: Tu chính án thứ 14. Văn bản này định nghĩa quyền công dân là áp dụng cho "Tất cả người sinh ra hoặc nhập tịch tại Mỹ và chịu sự chi phối của quyền tài phán tại đó". Tuy nhiên, lúc đó, Tu chính án 14 không đảm bảo quyền công dân cho người Mỹ bản địa sinh ra trên lãnh thổ Mỹ, điều mãi đến năm 1924 mới được công nhận.

 Wong Kim Ark. Ảnh: History.

Wong Kim Ark. Ảnh: History.

Trước đó, vào năm 1898, định nghĩa về quyền công dân theo nơi sinh của Tu chính án thứ 14 đã gặp phải thách thức lớn đầu tiên với sự phản đối của một đầu bếp người Mỹ gốc Hoa tên là Wong Kim Ark.

Wong sinh ra trên đất Mỹ với cha mẹ là người Trung Quốc nhập cư vào năm 1873, trước khi Mỹ thông qua Đạo luật loại trừ người Trung Quốc (đạo luật này cấm hầu hết người Trung Quốc nhập cư). Nhưng vì cha mẹ Wong không được công nhận là công dân nên không rõ liệu Wong có được hưởng quyền công dân theo nơi sinh hay không.

Khi Wong bị từ chối nhập cảnh trở lại Mỹ sau khi đến thăm Trung Quốc, Wong buộc phải chờ trên một con tàu ở cảng San Francisco suốt nhiều tháng trong khi luật sư của Wong theo đuổi vụ kiện về quyền công dân cho thân chủ. Wong là một trường hợp thử nghiệm, được chính Bộ Tư pháp Mỹ lựa chọn để cố gắng chứng minh rằng những người gốc Hoa không phải là công dân Mỹ.

Vụ kiện của Wong được đưa lên tận Tòa án Tối cao. Sau đó, một điều bất ngờ đã xảy ra: Wong thắng kiện. “Tu chính án 14 bao gồm trẻ em sinh ra trong lãnh thổ Mỹ,… bất kể chủng tộc, màu da hay có hộ khẩu tại Mỹ hay không”, thẩm phán liên bang Horace Gray viết.

Gray còn làm rõ: “Quan điểm cho rằng Tu chính án 14 loại trừ quyền công dân đối với trẻ em sinh ra tại Mỹ-những người là con của công dân đến từ các quốc gia khác cũng đồng nghĩa với việc từ chối quyền công dân đối với hàng nghìn người có cha mẹ là người Anh, Scotland, Ireland, Đức hoặc các nước châu Âu khác, những người luôn được coi và đối xử như công dân Mỹ”.

Gray cũng cho rằng việc cấp quyền công dân cho một người đàn ông Mỹ gốc Hoa không đe dọa đến người Mỹ da trắng. Thay vào đó, việc tước quyền công dân của anh ta sẽ đe dọa đến đặc quyền và quyền công dân mà người Mỹ da trắng được hưởng.

Vụ án này đã trở thành tiền lệ và kể từ đó đã được sử dụng để bảo vệ quyền công dân theo nơi sinh của những người Mỹ khác. Có thể vụ kiện này sẽ lại được đề cập đến khi các bang của nước Mỹ muốn bảo vệ người dân và các quyền hiến định cơ bản trước sắc lệnh mới của ông Trump.

Minh Hoa

Nguồn Znews: https://znews.vn/quy-dinh-sinh-ra-tren-dat-my-la-cong-dan-my-ma-ong-trump-muon-huy-bo-post1526711.html
Zalo