Các nguồn tin cho biết các cuộc đàm phán giữa hai quốc gia đang ở giai đoạn nâng cao, với hợp đồng cho khoảng 20 pháo tự hành K9 Thunder cùng xe tiếp đạn K10 trị giá 300 triệu đô la Mỹ.
Thỏa thuận này đánh dấu lần xuất khẩu vũ khí đầu tiên của Hàn Quốc sang Việt Nam và thể hiện sự phát triển đáng chú ý trong nỗ lực thâm nhập thị trường quốc phòng Đông Nam Á.
K9Thunder do Hanwha Aerospace phát triển, được công nhận là một trong những hệ thống pháo binh có năng lực nhất trên toàn cầu.
Trang bị pháo 155 mm L/52, hệ thống này có thể đạt tầm bắn lên tới 60 km và đảm nhận nhiệm vụ bắn phá tầm xa và phản ứng nhanh. Việc Việt Nam mua hệ thống này phù hợp với mục tiêu hiện đại hóa các đơn vị tác chiến đang dựa vào các hệ thống cũ kỹ của Liên Xô.
K9 Thunder có khung gầm thép hàn, bảo vệ kíp chiến đấu khỏi mảnh đạn pháo 152 mm và hỏa lực vũ khí nhỏ cỡ nòng lên đến 14,5 mm. Với động cơ diesel MTU 1.000 mã lực, xe đạt tốc độ tối đa 67 km/h với phạm vi hoạt động 360 km.
Hệ thống treo thủy lực khí nén giúp cải thiện khả năng cơ động trên địa hình phức tạp và tích hợp các thiết bị hiện đại như bảo vệ chống vũ khí hủy diệt hàng loạt, điều khiển hỏa lực tự động và khả năng ngắm bắn chính xác.
Được vận hành bởi kíp chiến đấu gồm 5 người, pháo tự hành K9 là kết hợp giữa hỏa lực mạnh, khả năng bảo vệ tin cậy và cơ động cao để đáp ứng nhu cầu của chiến trường đương đại.
Sự quan tâm của Việt Nam đối với K9 đã được thể hiện rõ qua nhiều hoạt động song phương. Năm 2023, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phan Văn Giang đã đến thăm Hàn Quốc để quan sát hệ thống đang hoạt động và nhận được báo cáo chi tiết từ Hanwha Aerospace.
Năm 2024, binh sĩ Việt Nam đã tham gia chương trình huấn luyện của Quân đội Hàn Quốc tập trung vào pháo tự hành K9 Thunder, chứng minh vai trò tiềm năng của hệ thống này trong nỗ lực hiện đại hóa quân đội của Việt Nam.
Nếu được hoàn tất, thỏa thuận này sẽ đưa Việt Nam trở thành quốc gia thứ 11 vận hành K9 Thunder, cùng với những đối tác khác của Hàn Quốc bao gồm Úc, Ba Lan, Ấn Độ và Ai Cập.
Ngoài những lợi thế về mặt kỹ thuật, thỏa thuận này còn nhấn mạnh sự thay đổi chiến lược trong chính sách mua sắm quốc phòng của Việt Nam, đó là nỗ lực đa dạng hóa nguồn cung cấp, một phần là do các lệnh trừng phạt hạn chế xuất khẩu quốc phòng của Nga.
Động thái này cũng phản ánh ý định của Việt Nam nhằm tăng cường phòng thủ trên bộ. Quyết định mua K9 càng được truyền cảm hứng từ việc Ấn Độ triển khai hệ thống này ở vùng địa hình đồi núi tương tự như các khu vực biên giới của Việt Nam.
Thỏa thuận này nhấn mạnh sự nổi bật của Hàn Quốc như một nhà cung cấp quốc phòng trên trường quốc tế. Với hơn 1.400 tổ hợp K9 đã được giao hoặc đặt hàng theo hợp đồng.
Hệ thống này minh họa cho khả năng của Seoul trong việc cung cấp thiết bị quân sự tiên tiến với thời hạn giao hàng cạnh tranh. Hàn Quốc cũng sẵn sàng chuyển giao công nghệ, đi kèm tùy chọn sản xuất tại địa phương để đáp ứng nhu cầu cụ thể của từng khách hàng.
Thỏa thuận triển vọng này giữa Hàn Quốc và Việt Nam biểu thị một sự thay đổi chiến lược kép. Đối với Hà Nội, đây là bước đi quan trọng trong việc hiện đại hóa lực lượng vũ trang và giảm sự phụ thuộc vào thiết bị của Nga.
Đối với Seoul, đây cũng là cơ hội để tăng cường ảnh hưởng ngoại giao và an ninh trong một khu vực có tầm quan trọng địa chính trị ngày càng tăng.
Nếu được ký kết, hợp đồng sẽ mở đường cho hợp tác quốc phòng sâu hơn giữa hai nước và củng cố thêm danh tiếng của K9 Thunder như một hệ thống pháo tự hành hàng đầu trên thế giới.
Bạch Dương
Theo Korea Times