Quy định rõ trách nhiệm của người nổi tiếng khi quảng cáo

Trách nhiệm đạo đức của những người nổi tiếng khi tham gia quảng cáo là vấn đề được nhiều đại biểu bàn luận khi tham gia cho ý kiến về dự thảo luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật quảng cáo tại Quốc hội, sáng ngày 10/5.

Dự án Luật Quảng cáo (sửa đổi) lần này mang tinh thần cải cách mạnh mẽ, thể hiện quyết tâm của Nhà nước trong việc xây dựng một hệ sinh thái truyền thông lành mạnh, hiện đại và có trách nhiệm. Trong đó đã xác lập rõ trách nhiệm pháp lý đối với những người có ảnh hưởng khi tham quảng cáo. Tuy nhiên theo các đại biểu, cần có những quy định thực sự cụ thể nghiêm ngặt, đặc biệt về đạo đức của người nổi tiếng khi tham gia quảng cáo.

Đại biểu Trần Thị Thu Hằng, Đoàn Đại biểu quốc hội tỉnh Đắk Nông, phát biểu: "Tôi đề nghị tiếp tục rà soát, đánh giá bất cập hiện hữu để lộ lỗ hổng pháp lý, không để tiếp diễn quảng cáo sai sự thật; tiếp tục nghiêm cấm, xử lý trách nhiệm của các bên liên quan đến vi phạm".

Dẫn chứng ở nhiều quốc gia như Mỹ, Hàn Quốc đã cấm triệt để các hoạt động quảng cáo trá hình; đồng thời, người nổi tiếng khi quảng cáo sản phẩm buộc phải cung cấp nghĩa vụ tài chính đối với nhãn hàng; người nổi tiếng cũng bị cấm quảng cáo các sản phẩm rượu ở nhiều quốc gia... đại biểu đề nghị bổ sung thêm nghĩa vụ của người nổi tiếng khi tham gia quảng cáo.

Đại biểu Trần Khánh Thu, Đoàn Đại biểu quốc hội tỉnh Thái Bình, cho ý kiến: "Tôi đề nghị cần sửa đổi, bổ sung các nội dung này để đảm bảo khả thi hơn về cơ chế bồi thường và hoạt động quảng cáo sai của người truyền tải, nhất là những người nổi tiếng. Tôi thấy cần quy định rõ hơn trong luật, có thể bổ sung thêm nghĩa vụ của họ, phải chịu trách nhiệm liên đới, bồi thường vì hoạt động quảng cáo sai của mình".

Đại biểu Trần Văn Hòa, Đoàn Đại biểu quốc hội tỉnh Đồng Tháp, phát biểu: "Tôi rất đồng tình giải trình rằng, người quảng cáo không thử nghiệm trước. Đặt vấn đề là người quảng cáo phải thử nghiệm, nhưng lấy ví dụ thực phẩm chức năng, người quảng cáo đâu biết gì về thực phẩm chức năng như cơ quan y tế, cơ quan kiểm nghiệm hóa chất. Tuy nhiên, trách nhiệm của người quảng cáo là quảng cáo cho đúng và phải chịu trách nhiệm liên đới. Tôi rất đồng tình là tăng mức phạt vi phạm hành chính đối với người quảng cáo, đặc biệt là người nổi tiếng, người có ảnh hưởng trong xã hội".

Đại biểu Trịnh Xuân An, Đoàn Đại biểu quốc hội Tỉnh Đồng Nai, cho ý kiến: "Người có ảnh hưởng nhưng phải có khả năng chuyên môn thì mới quảng cáo được. Một hoa hậu, một diễn viên chẳng biết gì về sản phẩm nhưng lại quảng cáo vì hình ảnh người ta đẹp nhưng bảo nắm được chất lượng thì rất khó. Trong 4 chủ thể quảng cáo, chúng ta đưa sản phẩm ra, thông thường chúng ta chỉ chú ý người truyền tải, thế còn người kinh doanh, người đưa ra dịch vụ chúng ta lại quy định chưa rõ. Tôi đề nghị chúng ta cần có quy định siết lại đối với người truyền tải".

Nhiều ý kiến cũng đề xuất cần quy định rõ quy định, đặc biệt là về sử dụng ngôn từ trong quảng cáo, nhất là quảng cáo trên môi trường mạng. Bởi cách sử dụng ngôn từ như hiện nay sẽ gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng.

Tiếp thu giải trình các ý kiến đại biểu nêu về 4 chủ thể liên quan đến quảng cáo, ông Nguyễn Đắc Vinh, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội khẳng định sẽ rà soát kỹ, đặc biệt sẽ có quy định rõ ràng về chủ thể người nổi tiếng tham gia quảng cáo.

Về việc quảng cáo trực tuyến, qua hai kỳ họp, các đại biểu cũng đã phản ánh rất nhiều. Tinh thần là cần quy định chặt chẽ hơn và nghiêm để có tính răn đe. Theo ông Nguyễn Đắc Vinh, vấn đề hậu kiểm phải được chú ý để nâng cao tính răn đe, từ đó việc thực thi pháp luật được nghiêm minh hơn. Về cơ bản, Luật chỉ có thể quy định những nguyên tắc cơ bản về hành lang pháp lý. Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội sẽ trình chính phủ để có những quy định cụ thể hơn.

Lệ Cẩm

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/video/quy-dinh-ro-trach-nhiem-cua-nguoi-noi-tieng-khi-quang-cao-328538.htm
Zalo