Quy định riêng về phòng cháy đối với nhà ở kết hợp kinh doanh

Ngày 14/8, tại phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về một số vấn đề lớn của dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

So với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7, dự thảo Luật đã được chỉnh lý có 61 điều (giảm 4 điều do chỉnh lý, ghép các nội dung quy định có tính tương đồng). Hầu hết các ý kiến đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp đã được nghiên cứu kỹ để tiếp thu tối đa. Dự thảo Luật sau khi tiếp thu, chỉnh lý cơ bản đạt được sự đồng thuận giữa cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo. Dự thảo Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý đã thể hiện đầy đủ các nội dung tiếp thu, chỉnh lý trong dự thảo Luật trên cơ sở ý kiến đại biểu Quốc hội; nội dung giải trình có căn cứ và tính thuyết phục cao.

Ông Lê Tấn Tới phát biểu tại phiên họp

Ông Lê Tấn Tới phát biểu tại phiên họp

Báo cáo tại phiên họp, ông Lê Tấn Tới, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng an ninh của Quốc hội cho biết, một số ý kiến đề nghị bổ sung quy định riêng về điều kiện bảo đảm an toàn PCCC đối với cơ sở, nhà ở, nhà ở riêng lẻ, đặc biệt là nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh, nhà cho lưu trú, nhà cao tầng, khu chung cu, trung tâm đô thị lớn. Có ý kiến đề nghị tách Điều này thành 2 điều quy định về PCCC đối với nhà ở và nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh; đồng thời bổ sung các quy định, giải pháp mang tính đột phá trong công tác phòng cháy đối với loại hình này, nhất là nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh.

Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Thường trực Ủy ban Quốc phòng an ninh đã phối hợp với cơ quan soạn thảo nghiên cứu tách nội dung này thành 2 điều: Điều 18 về phòng cháy đối với nhà ở; và Điều 19 về phòng cháy đối với nhà ở kết hợp kinh doanh. Đồng thời, bổ sung đầy đủ, phù hợp hơn các nội dung quy định đối với hai loại hình này tại dự thảo Luật đã được tiếp thu, chỉnh lý, bảo đảm yêu cầu về điều kiện an toàn phòng cháy, chữa cháy, thoát nạn.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại phiên họp.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại phiên họp.

Đồng tình với việc tách nội dung này thành 2 điều: Điều 18 về phòng cháy đối với nhà ở; và Điều 19 về phòng cháy đối với nhà ở kết hợp kinh doanh, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng, thực tiễn vừa qua, việc nhà ở kết hợp với kinh doanh không đủ điều kiện để đảm bảo phòng cháy chữa cháy thì lần này tại Điều 19 đã quy định rõ về phòng cháy đối với nhà ở kết hợp kinh doanh.

“Thực tế những vụ cháy vừa qua đối với loại hình này đã cho ta rất nhiều kinh nghiệm bài học đắt giá. Do đó cần đúc kết để đưa vào trong Luật nhằm hạn chế tối đa việc cháy, và hậu quả cháy khi xảy ra”, Chủ tịch Quốc hội gợi mở.

Về xử lý đối với các cơ sở, công trình không đảm bảo yêu cầu về phòng cháy chữa cháy được đưa vào sử dụng trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành và quy định chuyển tiếp, theo Chủ tịch Quốc hội, dự thảo Luật tách riêng một điều để xử lý đối với cơ sở công trình không đảm bảo yêu cầu về phòng cháy chữa cháy được đưa vào sử dụng trước khi Luật này có hiệu lực. Xử lý các công trình sai phạm, không đảm bảo yêu cầu phòng cháy chữa cháy chúng ta đưa ra Điều 58 và Điều 61 là có đủ cơ sở. Tuy nhiên cần rà soát lại để đảm bảo tính khả thi.

Về vấn đề phòng cháy chữa nhà ở, phòng cháy chữa cháy kết hợp kinh doanh, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, cần xem xét các quy định về phòng cháy chữa cháy kết hợp kinh doanh như dự thảo Luật đã cơ bản phù hợp, đủ hay chưa?. “Tôi đề nghị các cơ quan soạn thảo, và thẩm tra rà soát kỹ để đảm bảo khi đặt ra quy định mới, hoàn thiện quy định mang tính kế thừa phải đáp ứng yêu cầu về phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, đảm bảo tính hợp lý, không gia tăng quá mức chi phí tuân thủ pháp luật cho các tổ chức, cá nhân”, Chủ tịch Quốc hội nói.

Ông Nguyễn Đắc Vinh phát biểu tại phiên họp.

Ông Nguyễn Đắc Vinh phát biểu tại phiên họp.

Ông Nguyễn Đắc Vinh, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa giáo dục của Quốc hội cũng lo ngại về vấn đề nhà cao tầng có nhiều người khi xảy ra cháy thì rất khó khăn trong thực hiện cứu hộ, cứu nạn. Do đó theo ông Vinh cần có biện pháp bảo vệ phòng ngừa. "Vì phương tiện thiết bị phòng cháy chữa cháy cho nhà cao tầng phức tạp hơn, nên chăng cần thiết kế một điều, khoản riêng. Luật cần quy định bắt buộc một số phương tiện. Ví dụ cháy tàu chở dầu thì có phương tiện chữa cháy ở trên biển, dưới nước hay không? hay cháy ở những nơi cao thì ngoài thang cần phải có các phương tiện khác. Đến khi xảy ra cháy trong mọi tình huống thì đều có thể cứu nạn, cứu hộ được", ông Vinh nói.

Ông Vũ Hồng Thanh phát biểu tại phiên họp.

Ông Vũ Hồng Thanh phát biểu tại phiên họp.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cũng cho rằng, dự thảo Luật đã tách Điều 18, Điều 19 quy định với nhà ở riêng lẻ, và nhà ở kết hợp kinh doanh. Nhưng đối với nhà chung cư cao tầng cần phải có điều để bổ sung thêm. Vì các phương tiện phòng cháy chữa cháy như trực thăng là chưa có, còn các thang dùng để chữa cháy thì mới tới tầng 20.

Ông Thanh gợi ý đối với các chung cư mới thì phải yêu cầu khác. Ví dụ thiết kế tầng kỹ thuật tại tầng 21, tầng này không bố trí người ở mà để khi sự cố xảy ra thì các hộ dân di chuyển lên chỗ này, và thang với lên để cứu nạn. Đây là vấn đề kinh nghiệm quốc tế đã có nên chúng ta cũng cần có quy định để phòng ngừa, ngăn ngừa khi sự cố xảy ra. Bởi nếu xảy ra sự cố thì rất khó khắc phục.

Việt Thắng

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/quy-dinh-rieng-ve-phong-chay-doi-voi-nha-o-ket-hop-kinh-doanh-10287943.html
Zalo