Quy định mới về thu hồi phù hiệu xe khách

Nghị định 158/2024 của Chính phủ có hiệu lực từ 1/1/2025 quy định rõ các trường hợp đơn vị kinh doanh vận tải bị thu hồi giấy phép cũng như xe vận tải hành khách bị thu hồi phù hiệu.

8 trường hợp doanh nghiệp vận tải hành khách bị thu hồi giấy phép

Theo Nghị định 158/2024, đơn vị kinh doanh vận tải bị thu hồi giấy phép kinh doanh không thời hạn nếu thuộc một trong 8 trường hợp:

Cung cấp bản sao không đúng với bản chính hoặc thông tin sai lệch trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép kinh doanh;

Theo Nghị định 158/2024, từ 1/1/2025, doanh nghiệp bị thu hồi giấy phép kinh doanh vận tải không thời hạn nếu không đăng ký thuế, không khai thuế theo quy định của pháp luật thuế (ảnh minh họa).

Theo Nghị định 158/2024, từ 1/1/2025, doanh nghiệp bị thu hồi giấy phép kinh doanh vận tải không thời hạn nếu không đăng ký thuế, không khai thuế theo quy định của pháp luật thuế (ảnh minh họa).

Không kinh doanh vận tải toàn bộ các loại hình ghi trên giấy phép kinh doanh trong thời hạn 6 tháng trở lên, kể từ ngày được cấp giấy phép kinh doanh hoặc ngừng kinh doanh vận tải toàn bộ các loại hình ghi trên giấy phép kinh doanh trong thời gian 6 tháng liên tục trở lên;

Chấm dứt hoạt động theo quy định của pháp luật hoặc theo đề nghị của đơn vị kinh doanh vận tải;

Sửa chữa hoặc làm sai lệch dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình, dữ liệu hình ảnh từ thiết bị ghi nhận hình ảnh người lái xe lắp trên xe trước, trong và sau khi truyền dữ liệu;

Không chấp hành quyết định thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định về kinh doanh, điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô của cơ quan có thẩm quyền;

Trong thời gian 1 tháng, có từ 30% trở lên số phương tiện của đơn vị bị xử lý vi phạm thu hồi, bị tước phù hiệu;

Trong 1 năm có từ 2 lần trở lên bị tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh vận tải;

Không đăng ký thuế, không khai thuế theo quy định của pháp luật thuế.

Như vậy so với quy định hiện hành tại Nghị định 41/2024, Nghị định 158/2024 bổ sung thêm 2 trường hợp doanh nghiệp bị thu hồi giấy phép kinh doanh không thời hạn, bao gồm: Có từ 2 lần trở lên bị tước quyền sử dụng giấy phép trong 1 năm và không đăng ký thuế, không khai thuế theo quy định của pháp luật thuế.

Ngoài ra, không chỉ sửa chữa, làm sai lệch dữ liệu hình ảnh từ camera lắp trên xe như quy định hiện hành, Nghị định 158/2024 còn quy định với dữ liệu từ thiết bị GSHT nếu doanh nghiệp can thiệp sửa chữa, làm sai lệch cũng bị thu hồi giấy phép kinh doanh không thời hạn.

Nghị định 158/2024 cũng nêu rõ: Khi cơ quan cấp giấy phép kinh doanh ban hành quyết định thu hồi, trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày ký, đơn vị kinh doanh vận tải phải nộp lại giấy phép kinh doanh và phù hiệu cho cơ quan này.

Trường hợp xe bị thu hồi phù hiệu mà doanh nghiệp không nộp lại phù hiệu sẽ không được giải quyết cấp mới, cấp lại phù hiệu cho bất kỳ phương tiện nào của doanh nghiệp (ảnh minh họa).

Trường hợp xe bị thu hồi phù hiệu mà doanh nghiệp không nộp lại phù hiệu sẽ không được giải quyết cấp mới, cấp lại phù hiệu cho bất kỳ phương tiện nào của doanh nghiệp (ảnh minh họa).

Thu hồi phù hiệu xe vận tải hành khách khi nào?

Theo Nghị định 158/2024, có 7 trường hợp đơn vị kinh doanh vận tải bị thu hồi phù hiệu. Theo đó, sẽ thu hồi phù hiệu đối với tất cả xe ô tô, xe bốn bánh có gắn động cơ của đơn vị kinh doanh vận tải khi bị cơ quan có thẩm quyền áp dụng hình thức xử phạt tước quyền sử dụng Giấy phép kinh doanh vận tải;

Thu hồi phù hiệu của các xe ô tô kinh doanh vận tải theo tuyến cố định khi đơn vị kinh doanh vận tải không hoạt động kinh doanh vận tải trên tuyến trong thời gian 60 ngày liên tục;

Thu hồi phù hiệu phương tiện trong thời hạn 1 tháng đối với trường hợp khi trích xuất dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình của mỗi phương tiện trong 1 tháng cho thấy có từ 5 lần vi phạm tốc độ/1.000 km xe chạy (không tính các trường hợp vi phạm tốc độ từ 5 km/h trở xuống);

Thu hồi phù hiệu của phương tiện trong thời hạn 1 tháng đối với trường hợp khi khai thác dữ liệu cân kiểm soát tải trọng xe từ công trình kiểm soát tải trọng xe cố định tự động 1 cấp cân cho thấy có từ 3 lần vi phạm về tải trọng cho phép của cầu, đường trên 10% trong vòng 1 tháng (vi phạm tải trọng trục xe hoặc khối lượng toàn bộ của xe hoặc cả hai vi phạm trong 1 lần cân kiểm soát tải trọng xe khi tham gia giao thông trên đường bộ), trừ trường hợp có giấy phép lưu hành còn giá trị sử dụng;

Thu hồi phù hiệu các xe ô tô, xe bốn bánh có gắn động cơ kinh doanh vận tải của đơn vị kinh doanh vận tải khi phương tiện đã được chuyển nhượng hoặc cho đơn vị khác thuê;

Thu hồi phù hiệu khi đơn vị kinh doanh vận tải có báo cáo và nộp lại phù hiệu trong trường hợp không tiếp tục sử dụng phương tiện để kinh doanh vận tải;

Thu hồi phù hiệu của các xe ô tô, xe bốn bánh có gắn động cơ mà thành viên hợp tác xã kinh doanh vận tải không đăng ký thuế, không khai thuế theo quy định của pháp luật thuế.

Đáng chú ý, Nghị định nêu rõ: Khi cơ quan cấp phù hiệu ban hành quyết định thu hồi, trong thời hạn 10 ngày, đơn vị kinh doanh vận tải phải dừng hoạt động kinh doanh đối với xe bị thu hồi và nộp lại phù hiệu.

Trường hợp đơn vị nộp phù hiệu theo quy định, nếu sau 30 ngày (hoặc 60 ngày đối với trường hợp vi phạm lần 2 trong vòng 6 tháng liên tục) kể từ ngày nộp, doanh nghiệp có nhu cầu tiếp tục tham gia kinh doanh thì làm thủ tục xin cấp lại phù hiệu theo quy định.

Trường hợp quá thời hạn 10 ngày kể từ ngày có quyết định, doanh nghiệp không nộp lại phù hiệu, Sở GTVT không cấp mới, cấp lại phù hiệu trong thời gian 45 ngày (hoặc 90 ngày đối với trường hợp vi phạm lần thứ 2 trong thời gian 6 tháng liên tục) kể từ ngày đơn vị kinh doanh vận tải nộp đủ phù hiệu theo quyết định thu hồi.

Đáng chú ý, Nghị định quy định: Chưa giải quyết cấp mới, cấp lại phù hiệu đối với đơn vị kinh doanh vận tải không chấp hành quyết định thu hồi phù hiệu.

Yến Chi

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/quy-dinh-moi-ve-thu-hoi-phu-hieu-xe-khach-192241224133549906.htm
Zalo