Quy định mới về chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành lĩnh vực quốc phòng, an ninh
Quy định mới chuẩn hóa tiêu chí công nhận chuyên gia, nhà khoa học, tổng công trình sư trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng, an ninh, có hiệu lực từ 1/7/2025.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình vừa ký ban hành Quyết định số 12/2025/QĐ-TTg quy định tiêu chí đối với 3 chức danh quan trọng trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng và an ninh.
Tiêu chí chức danh chuyên gia
Chức danh chuyên gia trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng, an ninh được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng hoặc Bộ trưởng Bộ Công an công nhận có thời hạn nhất định. Đây là cá nhân hoạt động khoa học - kỹ thuật và công nghệ phục vụ cho công nghiệp quốc phòng, an ninh.
Tiêu chí cơ bản bao gồm: Có trình độ từ thạc sĩ trở lên thuộc các chuyên ngành khoa học - kỹ thuật và công nghệ; thành thạo ít nhất một ngoại ngữ thông dụng. Có ít nhất 7 năm kinh nghiệm liên tục trong các lĩnh vực: Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, sản xuất, sửa chữa, cải tiến, hiện đại hóa hoặc tăng hạn sử dụng vũ khí, vật tư và phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Đối với cá nhân ngoài lực lượng vũ trang, phải có 7 năm liên tục nghiên cứu công nghệ chiến lược, công nghệ nền, công nghệ lõi, công nghệ mới hoặc công nghệ lưỡng dụng liên quan đến lĩnh vực quốc phòng, an ninh.
Ngoài ra, chuyên gia phải: Am hiểu hệ thống văn bản pháp luật liên quan đến thiết kế, thử nghiệm, nghiệm thu và tiêu chuẩn sản phẩm. Biết sử dụng các công cụ hỗ trợ kỹ thuật hiện đại. Có kết quả khoa học cụ thể: ít nhất 1 nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp bộ hoặc 3 nhiệm vụ cấp đầu mối trực thuộc bộ, sản phẩm của nhiệm vụ phải được ứng dụng trong thực tế.
Tiêu chí chức danh nhà khoa học đầu ngành
Nhà khoa học đầu ngành là chức danh cao hơn, đòi hỏi năng lực học thuật và quản lý vượt trội. Các yêu cầu bao gồm: Có học vị tiến sĩ trong chuyên ngành khoa học kỹ thuật và công nghệ. Thành thạo ngoại ngữ, có khả năng giao tiếp chuyên môn bằng tiếng Anh. Có ít nhất 10 năm kinh nghiệm liên tục trong các hoạt động nghiên cứu và phát triển sản phẩm quốc phòng, an ninh.
Đối với người ngoài lực lượng vũ trang, cần có thời gian tương tự nghiên cứu các công nghệ then chốt phục vụ lĩnh vực này.
Nhà khoa học đầu ngành phải có khả năng: Tập hợp, dẫn dắt đội ngũ nghiên cứu phát triển sản phẩm chiến lược. Đại diện cho ngành hoặc chuyên ngành tham gia hội nhập quốc tế. Chỉ đạo hoạt động chuyên môn, nghiên cứu, sản xuất trong lĩnh vực đặc thù.
Tiêu chí chức danh tổng công trình sư
Tổng công trình sư là chức danh dành cho những người đang trực tiếp công tác tại các cơ sở công nghiệp quốc phòng thuộc Bộ Quốc phòng hoặc cơ sở công nghiệp an ninh thuộc Bộ Công an.
Tiêu chí bao gồm: Có học vị từ thạc sĩ trở lên trong lĩnh vực khoa học - kỹ thuật và công nghệ. Có hiểu biết chuyên sâu ít nhất một chuyên ngành và kiến thức rộng về các lĩnh vực liên quan đến thiết kế, sản xuất vũ khí, trang bị kỹ thuật chiến lược. Sử dụng thành thạo ngoại ngữ trong công việc chuyên môn; Có 10 năm kinh nghiệm liên tục tham gia các công đoạn nghiên cứu, thiết kế, cải tiến, hiện đại hóa sản phẩm quốc phòng.
Ngoài ra, tổng công trình sư phải có: Năng lực lãnh đạo và tầm nhìn chiến lược trong phát triển ngành công nghiệp quốc phòng; khả năng quản lý, tổ chức, vận hành các dự án quy mô lớn; khả năng điều phối đội ngũ đa ngành và đảm bảo chất lượng, tiến độ sản phẩm trong dự án.
Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025.
Trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Bộ trưởng Bộ Công an
Hàng năm hoặc trong trường hợp cấp thiết, tổ chức xét công nhận, hủy công nhận, gia hạn các chức danh chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành. Bổ nhiệm chức danh tổng công trình sư khi có yêu cầu triển khai thực hiện nhiệm vụ.
Chỉ đạo công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cho lực lượng cán bộ hoạt động khoa học - kỹ thuật và công nghệ đáp ứng tiêu chí các chức danh.
Chỉ đạo bố trí, sắp xếp, sử dụng các cán bộ được công nhận, bổ nhiệm chức danh phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ, đảm bảo phát huy năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ đối với từng vị trí công tác.