Quy định mới về chứng chỉ tiền gửi
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa ban hành Thông tư quy định về phát hành chứng chỉ tiền gửi trong nước của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, hiệu lực từ ngày 16/6.

Chứng chỉ tiền gửi được phát hành và thanh toán bằng tiền Đồng Việt Nam, với lãi suất do tổ chức tín dụng quyết định nhưng phải tuân thủ quy định của NHNN. Ảnh: Việt Linh.
Theo Thông tư, ngân hàng thương mại, ngân hàng hợp tác xã, công ty tài chính và chi nhánh ngân hàng nước ngoài được phép phát hành chứng chỉ tiền gửi theo Giấy phép thành lập và hoạt động do NHNN cấp.
Đối tượng mua chứng chỉ tiền gửi do ngân hàng thương mại, ngân hàng hợp tác xã, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phát hành bao gồm tổ chức (kể cả tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài), cá nhân Việt Nam và cả tổ chức, cá nhân nước ngoài.
Trong khi đó, chứng chỉ tiền gửi do công ty tài chính phát hành chỉ được bán cho tổ chức Việt Nam và tổ chức nước ngoài.
Chứng chỉ tiền gửi được phát hành và thanh toán bằng tiền Đồng Việt Nam, với lãi suất do tổ chức tín dụng quyết định nhưng phải tuân thủ quy định của NHNN.
Thời hạn, ngày phát hành và ngày đến hạn thanh toán cũng do tổ chức phát hành quy định. Trường hợp người mua là tổ chức tín dụng hoặc chi nhánh ngân hàng nước ngoài khác, thời hạn chứng chỉ tiền gửi không được vượt quá 12 tháng.
Mệnh giá tối thiểu là 100.000 đồng hoặc bội số của 100.000 đồng, có thể do tổ chức tín dụng quyết định hoặc thỏa thuận với người mua.
Tổ chức tín dụng có thể phát hành chứng chỉ tiền gửi trực tiếp tại điểm giao dịch hợp pháp thuộc mạng lưới trong nước hoặc thông qua phương tiện điện tử. Nếu phát hành điện tử, người mua sẽ được cấp chứng nhận quyền sở hữu điện tử.
Trong trường hợp phát hành trực tiếp, ngân hàng phải in chứng chỉ dưới hình thức vật lý có khả năng chống giả cao.
Riêng với tổ chức, cá nhân không cư trú và cá nhân nước ngoài cư trú tại Việt Nam, việc mua chứng chỉ tiền gửi chỉ được thực hiện tại điểm giao dịch, không áp dụng hình thức phát hành điện tử.
Thời gian qua, các ngân hàng vẫn được phát hành chứng chỉ tiền gửi, và thực tế đây là một hình thức huy động vốn quen thuộc trong hệ thống ngân hàng Việt Nam. Việc phát hành cũng phải tuân theo các quy định chung về lãi suất, kỳ hạn, đối tượng, mệnh giá..., nhưng chưa có một văn bản riêng biệt và toàn diện điều chỉnh chi tiết hoạt động này như Thông tư mới.
Do đó, Thông tư mới được kỳ vọng sẽ chuẩn hóa và cụ thể hóa khung pháp lý, đồng thời cũng mở rộng khuôn khổ pháp lý phù hợp hơn với thực tiễn và nhu cầu phát triển số hóa trong lĩnh vực ngân hàng.