Quy định mới nhất về điều kiện nâng bậc Thẩm phán
người có thời gian công tác pháp luật từ 10 năm trở lên có thể được xem xét bổ nhiệm Thẩm phán bậc 2; từ 15 năm trở lên có thể được xem xét bổ nhiệm Thẩm phán bậc 3.
Cuối tuần qua, tại phiên họp thứ 42, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết quy định về bậc, điều kiện của từng bậc, việc nâng bậc và số lượng, cơ cấu tỷ lệ bậc Thẩm phán TAND.
![HĐXX trong một phiên tòa tại TP.HCM. Ảnh: HOÀNG GIANG](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_10_114_51436624/d091ecb5d7fb3ea567ea.jpg)
HĐXX trong một phiên tòa tại TP.HCM. Ảnh: HOÀNG GIANG
Thẩm phán bậc cao hơn phải có ít nhất 5 năm kinh nghiệm ở bậc thấp hơn liền kề
Theo Nghị quyết vừa được ban hành, các bậc Thẩm phán TAND gồm 3 bậc:
Thẩm phán bậc 1 (Thẩm phán sơ cấp chuyển xếp sang) có ở TAND Tối cao; TAND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương (Tòa cấp huyện); tòa án quân sự khu vực.
Thẩm phán bậc 2 (Thẩm phán trung cấp chuyển xếp sang) có ở TAND Tối cao; TAND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (Tòa cấp tỉnh); tòa sơ thẩm chuyên biệt; tòa cấp huyện; tòa án quân sự quân khu và tương đương; tòa án quân sự khu vực.
Thẩm phán bậc 3 (Thẩm phán cao cấp chuyển xếp sang) có ở TAND Tối cao; tòa cấp cao; tòa cấp tỉnh; tòa sơ thẩm chuyên biệt; tòa án quân sự Trung ương; tòa án quân sự quân khu và tương đương.
Theo nghị quyết, điều kiện của từng bậc Thẩm phán TAND được xây dựng phù hợp với quy định của pháp luật đối với đối tượng là Thẩm phán không giữ chức danh lãnh đạo, quản lý và Thẩm phán giữ chức danh lãnh đạo, quản lý tại TAND, Tòa án quân sự các cấp.
Đối với Thẩm phán không giữ chức danh lãnh đạo, quản lý, điều kiện từng bậc Thẩm phán được xây dựng trên cơ sở quy định của Luật Tổ chức TAND năm 2024 và theo một số nguyên tắc.
Thứ nhất, Thẩm phán ở bậc cao hơn phải có ít nhất 5 năm kinh nghiệm làm Thẩm phán ở bậc thấp hơn liền kề hoặc người được bổ nhiệm Thẩm phán lần đầu nhưng có thời gian công tác pháp luật nhiều năm có thể được xếp bậc Thẩm phán bậc 2, bậc 3.
Cụ thể, người có thời gian công tác pháp luật từ 10 năm trở lên có thể được xem xét bổ nhiệm Thẩm phán bậc 2; từ 15 năm trở lên có thể được xem xét bổ nhiệm Thẩm phán bậc 3.
Quy định này tương tự tiêu chuẩn Kiểm sát viên trung cấp và Kiểm sát viên cao cấp quy định tại Luật Tổ chức VKSND: “Trong trường hợp do nhu cầu cán bộ của VKSND, người đã có thời gian làm công tác pháp luật từ 10 năm trở lên, có đủ tiêu chuẩn (…) thì có thể được bổ nhiệm làm Kiểm sát viên trung cấp của VKSND” và : “… người đã có thời gian làm công tác pháp luật từ 15 năm trở lên, có đủ tiêu chuẩn (…) thì có thể được bổ nhiệm làm Kiểm sát viên cao cấp của VKSND”
Thứ hai, có năng lực xét xử, giải quyết các vụ việc thuộc thẩm quyền của TAND, tòa án quân sự các cấp hoặc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Thẩm phán tại TAND Tối cao.
Đối với Thẩm phán giữ chức danh lãnh đạo, quản lý tại TAND, tòa án quân sự các cấp, điều kiện của từng bậc Thẩm phán TAND được xây dựng căn cứ quy định tại Khoản 2 Điều 95 Luật Tổ chức TAND 2024 về trường hợp đặc biệt được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền điều động đến để đảm nhiệm chức danh lãnh đạo tại Tòa án các cấp và theo vị trí việc làm đối với người được bổ nhiệm giữ chức danh lãnh đạo, quản lý tại TAND, Tòa án quân sự các cấp.
Không xét nâng bậc Thẩm phán đang trong thời hạn xử lý kỷ luật
Liên quan đến việc nâng bậc Thẩm phán, TAND Tối cao đề xuất việc nâng bậc Thẩm phán thông qua cơ chế xét nâng bậc để phù hợp với quy định của Luật Tổ chức TAND 2024 về thi tuyển chọn đầu vào Thẩm phán và vận dụng các quy định của Luật Thi đua, khen thưởng, các quy định của Chính phủ về xét nâng ngạch công chức để xây dựng tiêu chí xét nâng bậc Thẩm phán.
Nghị quyết vừa được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua quy định rõ nguyên tắc nâng bậc. Đáng chú ý, việc nâng bậc phải bảo đảm công khai, minh bạch, khách quan và đúng pháp luật; chỉ thực hiện việc xét nâng bậc lên bậc cao hơn liền kề với bậc Thẩm phán TAND đang giữ.
Đặc biệt, “không thực hiện xét nâng bậc Thẩm phán TAND đối với các trường hợp: đang trong thời hạn xử lý kỷ luật hoặc đang trong thời gian bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử hoặc đang trong thời gian thực hiện các quy định liên quan đến kỷ luật theo quy định của Đảng và pháp luật”.
Đối tượng được xem xét để xét nâng bậc Thẩm phán theo thứ tự:
(1) Người được bổ nhiệm vị trí lãnh đạo, quản lý tại TAND, tòa án quân sự các cấp được xét nâng bậc tương ứng với vị trí việc làm và điều kiện của bậc Thẩm phán TAND;
(2) Người có thành tích cao trong công tác tại TAND, tòa án quân sự các cấp.
Trường hợp có số lượng được xét nhiều hơn chỉ tiêu cơ cấu tỷ lệ bậc Thẩm phán TAND bậc 2, bậc 3 thì xét đến các tiêu chí theo thứ tự ưu tiên tương tự quy định của Chính phủ về nâng ngạch công chức: ưu tiên nữ, người dân tộc thiểu số, người nhiều tuổi hơn, người có thời gian công tác lâu hơn.
Trường hợp vẫn không xác định được người được xét nâng bậc, Chánh án TAND Tối cao sẽ xem xét, quyết định.