Quy định mở góp phần giải quyết bài toán quá tải trường lớp ở các đô thị lớn

Từ năm 2025, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cho phép các trường phổ thông được xây cao không quá 5 tầng, thay vì 3-4 tầng như hiện nay. Nhiều ý kiến cho rằng, sự điều chỉnh này là hướng mở phù hợp, cần thiết nhằm góp phần giải quyết bài toán quá tải trường lớp ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, nơi quỹ đất để xây trường trong nội thành ngày càng eo hẹp.

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa ban hành Thông tư 23/2024 quy định tiêu chuẩn cơ sở vật chất các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở (THCS), trung học phổ thông (THPT) và trường phổ thông có nhiều cấp học. Đáng chú ý, trong Thông tư 23, có hiệu lực thi hành từ ngày 31/1/2025, Bộ GD&ĐT đã điều chỉnh quy định về độ cao của trường học các cấp. Cụ thể, ở cấp tiểu học, Bộ GD&ĐT quy định: Các hạng mục công trình phục vụ trực tiếp cho hoạt động dạy học và tổ chức các hoạt động giáo dục cao không quá 5 tầng (thông tư cũ quy định không quá 3 tầng).

Ở cấp THCS và THPT, Bộ GD&ĐT cũng điều chỉnh quy định về độ cao của các hạng mục công trình phục vụ trực tiếp cho hoạt động dạy học từ “cao không quá 4 tầng” lên thành “cao không quá 5 tầng”. Việc trường tiểu học, trường phổ thông được xây tối đa 5 tầng, tăng 1-2 tầng so với quy định cũ sẽ giúp các nhà trường có cơ hội tăng thêm nhiều phòng học, tăng thêm số lớp góp phần giải quyết tình trạng quá tải tại một số địa bàn, đặc biệt là các thành phố lớn.

Từ năm 2025, trường học sẽ được phép xây dựng tối đa 5 tầng, thay vì 3-4 tầng như hiện nay. Ảnh minh họa

Từ năm 2025, trường học sẽ được phép xây dựng tối đa 5 tầng, thay vì 3-4 tầng như hiện nay. Ảnh minh họa

Thực tế cho thấy, quy định cứng là trường tiểu học không xây dựng hơn 3 tầng và trường trung học không hơn 4 tầng trong thời gian qua đã bộc lộ nhiều bất cập. Tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, nơi quá trình đô thị hóa đang diễn ra mạnh mẽ, diện tích đất dành cho giáo dục, nhất là ở các quận nội thành ngày càng eo hẹp thì việc khống chế trường học không được phép xây vượt quá 3 tầng, trường trung học không được phép xây quá 4 tầng đã trở thành rào cản đối với một số địa phương. Lãnh đạo một số trường học trên địa bàn Hà Nội cho rằng, tiêu chuẩn chỉ cho phép trường tiểu học xây 3 tầng hay trường THCS và THPT xây 4 tầng tồn tại mấy chục năm nay đã rất lạc hậu. Trong khi, trường học có thể giảm áp lực về cả diện tích và áp lực về số lượng học sinh khi được nâng tầng lên.

Việc nâng tầng không chỉ giải quyết được số lượng phòng học mà còn bổ sung thêm được số lượng phòng học chức năng đáp ứng tốt hơn yêu cầu dạy và học theo chương trình giáo dục phổ thông mới năm 2018. Tất nhiên, việc nâng tầng cần phải thực hiện trên cơ sở phải đảm bảo an toàn cho học sinh và giáo viên.

Tại một số diễn đàn, hội nghị, ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cũng đã nhiều lần đề xuất Bộ GD&ĐT và Bộ Xây dựng nghiên cứu cho Hà Nội một cơ chế đặc thù, cho phép tính diện tích sàn sử dụng/học sinh thay vì diện tích đất sử dụng/học sinh về công nhận trường chuẩn quốc gia; cho phép nâng cao tầng các khối xây dựng và được phép xây dựng và sử dụng các tầng hầm dựa trên nguyên tắc đảm bảo an toàn cho trẻ, bố trí học sinh học ở các tầng thấp, cán bộ giáo viên làm việc tại tầng cao. Điều này nhằm giúp thành phố tận dụng hiệu quả quỹ đất, nhất là tại các quận nội thành, từ đó giúp các trường có cơ hội tăng thêm số lượng phòng học, giảm sĩ số trong lớp học, giảm áp lực quá tải trường lớp…

Theo Tiến sĩ, Kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội, việc nới lỏng quy định cho phép trường phổ thông được phép xây không quá 5 tầng là một giải pháp hợp lý để giải quyết tình trạng quá tải trường lớp, quá tải sĩ số tại các đô thị lớn nói chung, Hà Nội nói riêng. Tuy nhiên, theo ông Nghiêm, việc nâng tầng phải được đặt trong điều kiện đồng bộ với các tiêu chuẩn, tiêu chí khác để đảm bảo an toàn cho giáo viên và học sinh. Trong đó, tiêu chí thứ nhất là phải xem xét khoảng cách an toàn phòng cháy, chữa cháy. Với số học sinh đông, nếu có tăng thêm tầng thì phải tính tới lối thoát và chiều rộng của lối thoát phòng cháy, chữa cháy phù hợp. Thứ hai, là phải bảo đảm có lối thoát an toàn.

Hiện nay, tại các trường học ít khi đặt ra vấn đề có lối thoát an toàn. Vì thế, khi có thêm tầng cho các trường học thì càng phải có lối thoát an toàn. Lối thoát an toàn là để khi xảy ra hỏa hoạn không nhất thiết phải đi qua cầu thang. Việc cứu hộ có thể tiến hành qua đó. Thứ ba là khi nâng tầng cần ưu tiên toàn bộ diện tích các tầng thấp cho học sinh, còn các tầng cao nên bố trí làm văn phòng, hành chính.

Huyền Thanh

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/giao-duc/quy-dinh-mo-gop-phan-giai-quyet-bai-toan-qua-tai-truong-lop-o-cac-do-thi-lon-i754193/
Zalo