Đột phá phân cấp, phân quyền: Rõ việc, rõ người, rõ trách nhiệm

Trao đổi với PV Tiền Phong, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Doãn Hợp cho rằng, hiện cấp trên phải 'ôm' và làm thay việc cho cấp dưới quá nhiều, dẫn đến thừa cấp dưới mà thiếu cấp trên. Do đó, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền là cách tốt nhất để giảm sự vụ cho cấp trên, để cấp trên lo việc lớn, còn cấp dưới chủ động giải quyết công việc theo thẩm quyền, tránh phải ngồi chờ xin ý kiến, khiến cơ hội trôi đi.

Giảm sự vụ để cấp trên lo việc lớn

Theo nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Doãn Hợp, phân cấp, phân quyền là chủ trương đúng đắn. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền là cách tốt nhất để giảm sự vụ cho cấp trên.

“Hiện nay, hầu hết cấp trên đang phải ôm việc để làm thay cho cấp dưới, dẫn đến thừa cấp dưới mà thiếu cấp trên. Nhiều người phấn đấu để làm lãnh đạo, nhưng khi làm lãnh đạo rồi lại “ôm” việc của cấp dưới để làm.

Vậy nên, phân cấp, phân quyền sẽ giúp giảm sự vụ cho cấp trên để cấp trên lo việc lớn”, ông Hợp phân tích.

Nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Doãn Hợp phát biểu tại hội thảo khoa học về phân cấp, phân quyền

Nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Doãn Hợp phát biểu tại hội thảo khoa học về phân cấp, phân quyền

Lợi ích thứ hai được ông Hợp chỉ ra là, thực hiện phân cấp, phân quyền giúp cấp dưới chủ động, sáng tạo trong giải quyết công việc, không phải đi xin.

Ông Trần Anh Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội Khoa học hành chính Việt Nam cho rằng, phân cấp, phân quyền trong bộ máy Nhà nước từ trung ương đến địa phương có ý nghĩa rất quan trọng, vừa phát huy tính chủ động, tự quyết, tự làm và tự chịu trách nhiệm của địa phương, vừa bảo đảm tính thống nhất trong quản lý quốc gia của Trung ương.

Tuy nhiên, theo ông Tuấn, hiện nay, việc phân cấp, ủy quyền còn mang tính hình thức, nên vẫn phải hỏi ý kiến, thống nhất ý kiến, thỏa thuận, trước khi quyết định..

“Phân cấp, phân quyền giúp công việc được nhanh hơn, không phải chờ đợi xin ý kiến nơi này, nơi kia nữa. Rất nhiều cái bây giờ cứ phải ngồi chờ nhau, cứ chờ nhau như thế thì cơ hội trôi đi hết”.

Nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Doãn Hợp

Tại cuộc họp báo Chính phủ gần đây, khi trả lời câu hỏi của Tiền Phong về những hạn chế trong phân cấp, phân quyền, khiến “nhiều việc nhỏ vẫn cần phải trình lên cấp Trung ương”, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trương Hải Long nêu tình trạng một số bộ ngành còn tâm lý nể nang, né tránh phân cấp, phân quyền do ảnh hưởng đến lợi ích cục bộ, hoặc ngại phân cấp xuống địa phương nhưng địa phương chưa đảm bảo thực hiện được.

Gắn phân cấp với công tác lựa chọn cán bộ

Theo các chuyên gia, trong cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy, muốn hiệu lực, hiệu quả thì phải đẩy mạnh phân quyền, phân cấp giữa Trung ương và địa phương theo hướng: Địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm.

Theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trương Hải Long, phân quyền, phân cấp là vấn đề then chốt trong tinh gọn bộ máy, có ý nghĩa đột phá, làm tốt sẽ giúp loại bỏ sự chồng chéo, cồng kềnh trong quản lý, giảm thiểu tầng nấc trung gian, nâng cao trách nhiệm, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.

Đề cập đến nguyên tắc phân cấp, phân quyền, ông Hợp cho rằng, trước hết cần thực hiện theo nguyên tắc: Cấp nào chịu trách nhiệm trực tiếp thì được toàn quyền ra quyết định. Việc của xã thì cứ để cấp xã làm, cấp huyện không can thiệp.

“Địa phương gửi văn bản xin ý kiến những vấn đề đã được phân cấp thì phải trả về, không cho ý kiến gì cả”, ông Hợp nói.

Một nguyên tắc phân cấp, phân quyền khác cũng được nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nêu ra: Cấp nào nhận đủ thông tin nhất thì để cấp đó ra quyết định thực hiện. Thực hiện nguyên tắc này, theo ông Hợp sẽ tránh được tình trạng, cấp hiểu vấn đề nhất nhưng lại không có thẩm quyền quyết định, dẫn đến phải ngồi phân tích để cho đơn vị không hiểu vấn đề ra quyết định.

Ngoài ra, theo ông Hợp, đối với công tác cán bộ, nên phân cấp theo nguyên tắc: Cấp nào gần cán bộ nhất, hiểu cán bộ nhất thì phân cấp thẩm quyền ra quyết định lựa chọn bổ nhiệm.

“Việc phân cấp, phân quyền phải bảo đảm rõ việc, rõ người, rõ trách nhiệm. Như thế thì khen cũng dễ mà chê cũng dễ, xử lý kỷ luật cũng dễ”, ông Hợp nói. Tuy nhiên, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông lưu ý, phân cấp, phân quyền phải gắn với công tác lựa chọn cán bộ.

Về những việc cần làm sau phân cấp, phân quyền, ông Hợp lưu ý, cấp trên phải tăng cường giám sát và đốc thúc thực hiện công việc. Nêu thực tiễn, ông Hợp chia sẻ, khi nhận được văn bản, nếu bộ trưởng yêu cầu cấp dưới xử lý với mốc thời gian cụ thể thì việc triển khai sẽ đúng tiến độ. Nhưng nếu bộ trưởng chỉ bút phê “chuyển vụ tài chính xử lý và báo cáo” thì có khi phải mất 2-3 tháng mới nhận được báo cáo.

“Sau phân cấp phải kiểm tra, khen chê kịp thời. Anh làm đúng thì biểu dương, không đúng phải xử lý”, ông Hợp nói thêm.

Văn Kiên

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/dot-pha-phan-cap-phan-quyen-ro-viec-ro-nguoi-ro-trach-nhiem-post1703199.tpo
Zalo