Quy định giờ đi vệ sinh, công ty Trung Quốc gây phẫn nộ
Công ty Trung Quốc quy định đi vệ sinh 2 phút và khung giờ cụ thể dựa trên văn bản cổ, nhân viên có 'thể chất đặc biệt' phải trình đơn lên phòng nhân sự.
Tờ Yangcheng Evening News đưa tin, công ty sản xuất máy móc Three Brothers, có trụ sở tại Phật Sơn (tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc) đã ban hành quy định quản lý sử dụng nhà vệ sinh vào ngày 11/2. Quy định này nhằm mục đích duy trì trật tự, nâng cao hiệu quả và điều chỉnh thái độ tại nơi làm việc. Công ty khẳng định rằng quy định này nhằm mục đích bảo vệ sức khỏe cho nhân viên của công ty.
Công ty đã tham khảo Hoàng đế Nội kinh, một tài liệu y học cổ của Trung Quốc, được biên soạn cách đây hơn 2.000 năm. Cuốn sách này thường được gọi là "nguồn gốc của y học" ở Trung Quốc, cung cấp các lý thuyết thiết yếu về y học cổ truyền.
Theo quy định của công ty, công nhân được phép sử dụng nhà vệ sinh trước 8h sáng, từ 10h30' đến 10h40', từ 12h đến 13h30', từ 15h30' đến 15h40' và từ 17h30' đến 18h. Công nhân làm thêm giờ được phép sử dụng nhà vệ sinh sau 21h tối. Trong những khoảng thời gian khác, nếu công nhân cần đi tiểu gấp, họ có thể đi nhưng phải giới hạn thời gian không quá 2 phút.

Nhân viên có thể sử dụng nhà vệ sinh ngoài khung giờ quy định, nhưng phải giới hạn thời gian trong vòng 2 phút. (Ảnh: Shutterstock)
Công ty cũng áp dụng lệnh cấm nghiêm ngặt việc sử dụng nhà vệ sinh vào một số thời điểm nhất định vào buổi sáng và buổi chiều, bao gồm cả những ca làm thêm giờ.
Nhân viên có “tình trạng thể chất đặc biệt” cần sử dụng phòng vệ sinh trong khoảng thời gian hạn chế có thể nộp đơn lên phòng nhân sự để xin phê duyệt, và tiền lương của họ sẽ bị khấu trừ tương đương với việc sử dụng nhà vệ sinh quá thời gian.
Công ty tuyên bố sẽ theo dõi nhân viên thông qua camera giám sát và phạt 100 nhân dân tệ (350 nghìn đồng) đối với những người vi phạm quy định. Quy định này dự kiến sẽ được áp dụng thí điểm cho đến cuối tháng 2 và chính thức triển khai vào ngày 1/3. Một nhân viên, không tiết lộ danh tính, đã xác nhận tính hợp lệ của quy định này, mặc dù báo cáo không nêu rõ quy mô lực lượng lao động công ty là bao nhiêu.

Nhân viên sẽ bị phạt 100 nhân dân tệ (350 nghìn đồng) nếu vi phạm quy định. (Ảnh: Shutterstock)
Chen Shixing, luật sư của Công ty luật Guangdong Yiyue, nhận xét rằng quy định này vi phạm luật lao động bằng cách gây nguy hiểm cho sức khỏe của người lao động.
Luật quy định rằng bất kỳ thay đổi nào về tiền lương, giờ làm việc, thời gian nghỉ ngơi, ngày lễ hoặc quy trình an toàn của người lao động đều phải được thảo luận tại các hội nghị có sự tham dự của tất cả nhân viên hoặc đại diện của họ để đảm bảo sự đồng thuận chung. Theo ông Chen, người lao động có quyền chỉ trích và báo cáo bất kỳ lệnh nào đe dọa đến sự an toàn hoặc phúc lợi của họ.

Luật pháp Trung Quốc yêu cầu phải thảo luận tại các hội nghị nhân viên về bất kỳ gì để đảm bảo sự đồng thuận chung. (Ảnh: Shutterstock)
Công ty đã phải đối mặt với phản ứng dữ dội kể từ khi chính sách sử dụng nhà vệ sinh được công khai. Cộng đồng mạng tức giận để lại bình luận: “Thật vô đạo đức! Thậm chí còn tuyên bố dựa trên Hoàng Đế Nội Kinh. Tuy nhiên, văn bản đó khuyên không nên làm việc sau khi trời tối và nhấn mạnh nhu cầu nghỉ ngơi đầy đủ. Công ty không phải đang bỏ qua điều đó sao?”.
“Bất kỳ ai có lý trí đều có thể thấy quy định này là quyết định tùy tiện của ban quản lý. Nó minh họa cho cách tiếp cận độc đoán trong doanh nghiệp này, cho thấy phong cách quản lý khắc nghiệt đối với nhân viên”, một bài xã luận trên tờ Beijing News nhận xét.
Vào ngày 13/2, công ty đã công bố quyết định thu hồi quy định này do sự phản đối rộng rãi từ phía công nhân, theo thông tin được cập nhật bởi Yangcheng Evening News.