Quy định đạo đức nghề nghiệp nhà giáo ở dự thảo Luật Nhà giáo còn nhiều hạn chế

Quy định về đạo đức nhà giáo trong dự thảo Luật Nhà giáo chưa phản ánh đủ các yêu cầu cụ thể theo từng bậc học vì mỗi bậc học đều có những yêu cầu khác nhau.

Lịch sử vấn đề

Trong một số văn bản như Luật Giáo dục, Luật Giáo dục nghề nghiệp và Luật Giáo dục đại học đều có đề cập đến đạo đức nhà giáo thường chỉ yêu cầu là có phẩm chất đạo đức tốt. Nhưng để đánh giá phẩm chất đạo đức tốt đến đâu thì dường như chưa có quy định đánh giá.

Một số thông tư quy định đạo đức nghề nghiệp của nhà giáo như Thông tư 40/2020/TT-BGDĐT quy định tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp đối với giảng viên đại học công lập; Thông tư 08/2023/TT-BGDĐT quy định tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp giáo viên tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, tuy nhiên còn khá chung chung.

So với Quyết định 16/2008/QĐ-BGDĐT quy định tiêu chuẩn đạo đức nhà giáo cho thấy Quyết định này khá chi tiết mặc dù về hình thức không kèm chữ “nghề nghiệp”. Còn nhớ các Thông tư 01, 02, 03, 04 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp.. sau đó Bộ đã sửa lại và gộp chung vào một quy định tiêu chuẩn đạo đức cho các chức danh thuộc mỗi bậc học là như nhau. Điều này cho thấy những người biên soạn chưa thấu đáo trong phân loại đạo đức nghề nghiệp của giáo viên theo quá trình phát triển nghề nghiệp.

 Ảnh minh họa: Lã Tiến

Ảnh minh họa: Lã Tiến

Đến dự thảo Luật Nhà giáo cũng đề cập đến tiêu chuẩn đạo đức tại Khoản 13, Điều 5 rằng:” Đạo đức nhà giáo là các chuẩn mực về nhận thức, thái độ và hành vi trong mối quan hệ của nhà giáo với người học, đồng nghiệp, gia đình người học và cộng đồng” và "Đạo đức nhà giáo được thể hiện qua các quy tắc ứng xử của nhà giáo trong thi hành nhiệm vụ và trong quan hệ xã hội, phù hợp với hoạt động nghề nghiệp và được công khai để nhân dân giám sát việc chấp hành" (Điều 13). Phải chăng đạo đức chỉ bó hẹp trong phần giải thích khái niệm hay định nghĩa như vậy.

Việc xác định khái niệm và tiêu chuẩn đạo đức nhà giáo là một nhiệm vụ quan trọng trong việc xây dựng đội ngũ giáo viên không chỉ giỏi về chuyên môn mà còn có phẩm chất đạo đức đáng kính trọng. Điều này nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của giáo dục trong bối cảnh hiện đại và ngày càng khắt khe hơn. Tuy nhiên, khái niệm đạo đức nêu trên, mặc dù mang tính tổng quát và bao quát tuy nhiên vẫn tồn tại hạn chế cần được phân tích kỹ lưỡng để đảm bảo tính chính xác và hiệu quả khi áp dụng vào thực tiễn.

Một số ưu điểm

Nhìn nhận một cách khách quan cho thấy, khái niệm trên thể hiện những giá trị cơ bản của đạo đức nhà giáo. Khái niệm đã bao hàm được nhiều khía cạnh quan trọng trong hoạt động nghề nghiệp của nhà giáo, từ nhận thức, thái độ đến hành vi, và được đặt trong mối quan hệ với nhiều đối tượng khác nhau như người học, đồng nghiệp, gia đình người học và cộng đồng. Điều này giúp nhấn mạnh vai trò của nhà giáo không chỉ giới hạn trong lớp học mà còn mở rộng ra toàn xã hội, tạo ra ảnh hưởng tích cực đến môi trường giáo dục và cộng đồng.

Ngoài ra, khái niệm này giúp định hình các chuẩn mực đạo đức mà giáo viên cần tuân thủ trong các mối quan hệ nghề nghiệp, giúp giáo viên hiểu rõ những yêu cầu cơ bản về đạo đức khi tương tác với người học và đồng nghiệp, từ đó xây dựng một môi trường giáo dục thân thiện và tin cậy. Đồng thời, việc nhấn mạnh các mối quan hệ xã hội và vai trò của nhà giáo trong việc xây dựng một cộng đồng học tập lành mạnh giúp củng cố hình ảnh cao đẹp của nghề dạy học, đóng góp vào việc nâng cao uy tín và vị thế của nhà giáo trong xã hội.

Tuy nhiên, khái niệm về đạo đức nhà giáo trong dự thảo Luật nhà giáo không tránh khỏi 4 hạn chế sau.

Thứ nhất, thiếu sự nhấn mạnh đến những giá trị cốt lõi riêng biệt của đạo đức nhà giáo khi chỉ tập trung vào nhận thức, thái độ và hành vi mà chưa đề cập đến những phẩm chất đặc thù của đạo đức nhà giáo như sự tận tụy, tinh thần trách nhiệm cao, khả năng làm gương và truyền cảm hứng cho người học. Điều này làm giảm đi sức nặng của khái niệm và không phân biệt rõ nét giữa đạo đức nhà giáo và đạo đức nghề nghiệp chung ở các ngành nghề khác.

Thực tế cho thấy, một giáo viên ở cấp tiểu học không chỉ cần truyền đạt kiến thức mà còn phải có sự kiên nhẫn, bao dung và sẵn sàng hỗ trợ học sinh vượt qua các khó khăn về tâm lý hoặc học tập. Trong khi đó, một giáo viên ở bậc đại học lại cần sự chuyên nghiệp, trung thực trong nghiên cứu và liêm chính học thuật. Nếu tiêu chuẩn đạo đức chỉ tập trung vào "thái độ và hành vi" mà không nhấn mạnh đến đặc thù như "làm gương, trách nhiệm và sự tận tâm" sẽ khiến giáo viên tiểu học dễ bỏ qua những yếu tố cần thiết này, dẫn đến việc không thể xây dựng một môi trường giáo dục nhân văn.

Thứ hai, dự thảo phần quy định về đạo đức chưa phản ánh đủ các yêu cầu cụ thể theo từng bậc học. Mỗi cấp học từ mầm non, tiểu học đến trung học và giáo dục đại học đều có những yêu cầu khác nhau về vai trò và trách nhiệm của nhà giáo. Khái niệm chung chung không đủ sức phản ánh sự khác biệt này, khiến cho việc đánh giá, quản lý và phát triển phẩm chất đạo đức của giáo viên trong từng bậc học trở nên thiếu chính xác và hiệu quả.

Ví dụ, khi là giáo viên mầm non cần đặc biệt chú trọng đến sự an toàn và phát triển cảm xúc của trẻ nhỏ. Nếu không có tiêu chuẩn đạo đức riêng cho giáo viên mầm non, trường hợp một giáo viên chỉ tuân thủ các yêu cầu chung chung có thể không đủ khả năng để xử lý các tình huống phát sinh liên quan đến tâm lý trẻ nhỏ.

Thứ ba, hạn chế đáng chú ý là dự thảo không tính đến sự phát triển đạo đức nghề nghiệp theo từng giai đoạn làm việc của nhà giáo. Khái niệm không phân loại đạo đức theo từng giai đoạn phát triển nghề nghiệp của giáo viên (như mới vào nghề, đang phát triển và chuyên nghiệp cao tương đương phân loại theo 3 cấp độ: giáo viên, giáo viên chính, giáo viên cao cấp). Điều này khiến cho các yêu cầu đạo đức trở nên dàn trải, thiếu trọng tâm và không khuyến khích sự phát triển liên tục của giáo viên theo thời gian.

Một giáo viên mới vào nghề cần được đánh giá về sự sẵn sàng học hỏi và tinh thần cầu tiến, trong khi giáo viên có kinh nghiệm lâu năm lại cần được đánh giá về khả năng hỗ trợ và dẫn dắt đồng nghiệp. Nếu chỉ áp dụng một tiêu chuẩn chung, ví dụ như "tôn trọng và hợp tác với đồng nghiệp", thì sẽ rất khó phân biệt giữa một giáo viên mới cần học hỏi và một giáo viên đã có kinh nghiệm lâu năm cần thể hiện vai trò lãnh đạo chuyên môn.

Thứ tư, tiêu chuẩn quy định “đồng phục” về đạo đức do áp dụng một bộ tiêu chuẩn đạo đức chung cho mọi nhà giáo ở tất cả các bậc học và không tính đến sự phát triển tính chuyên nghiệp dẫn đến nhiều hậu quả không mong muốn. Không phản ánh đúng đặc thù của từng cấp học chẳng hạn như giáo viên mầm non cần chú trọng đến sự an toàn và phát triển cảm xúc của trẻ, trong khi giáo viên trung học phải đảm nhận vai trò định hướng tư duy và phát triển năng lực tự chủ của học sinh. Do đó, việc áp dụng cùng một tiêu chuẩn cho tất cả sẽ dẫn đến việc đánh giá không sát thực tế và thiếu công bằng.

Với sự cào bằng tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp của giáo viên, giáo viên chính, và giáo viên cao cấp (cũng như giảng viên, giảng viên chính, và giảng viên cao cấp) sẽ không thúc đẩy sự phát triển liên tục của giáo viên, không tạo được động lực để giáo viên tự hoàn thiện và nâng cao phẩm chất đạo đức theo từng giai đoạn. Khi không có tiêu chí rõ ràng cho các giai đoạn nghề nghiệp (giáo viên mới, đang phát triển, chuyên nghiệp cao), nhà giáo dễ rơi vào trạng thái giậm chân tại chỗ, không có mục tiêu cụ thể để phấn đấu rèn luyện trưởng thành và chuyên nghiệp hơn. Đơn giản là một giáo viên với 10 năm kinh nghiệm vẫn được đánh giá dựa trên các tiêu chuẩn như một giáo viên mới vào nghề sẽ cảm thấy không có động lực phát triển thêm, không tìm thấy lý do để phấn đấu, gương mẫu nhằm đạt các vị trí hoặc vai trò cao hơn trong môi trường giáo dục.

Chính vì những hạn chế vừa nêu, tôi cho rằng, trong dự thảo Luật Nhà giáo nên có khoản quy định cho Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành những thông tư quy định tiêu chuẩn nghề nghiệp nhà giáo có sự phân loại đạo đức theo từng bậc học, có tiêu chuẩn phân loại tiêu chuẩn đạo đức theo giai đoạn phát triển nghề nghiệp của nhà giáo.

Vấn đề đánh giá đạo đức nghề nghiệp của giáo viên không phải tiêu chuẩn chung cho mọi bậc học lại càng không phải quy định đạo đức chung chung cho các giai đoạn phát triển nghề nghiệp của nhà giáo. Có như vậy mới đảm bảo nhà giáo vừa phải có chuyên môn vừa phải có đạo đức nghề nghiệp và liên tục rèn luyện để đạt đến trình độ đạo đức tương xứng với phân loại giáo viên (giảng viên). Việc xác định và áp dụng tiêu chuẩn đạo đức nhà giáo cần dựa trên đặc thù của từng bậc học và sự phát triển nghề nghiệp và không dừng lại ở việc ứng xử của nhà giáo. Khái niệm đạo đức nhà giáo hiện tại trong dự thảo Luật Nhà giáo cần được điều chỉnh để phản ánh đầy đủ các đặc điểm và giá trị của nghề giáo.

Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ Giáo dục và Đào tạo).

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/quy-dinh-dao-duc-nghe-nghiep-nha-giao-o-du-thao-luat-nha-giao-con-nhieu-han-che-post246132.gd
Zalo