Quy định bổ nhiệm hiệu trưởng, hiệu phó sau khi bỏ cấp huyện

Sau khi thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, quy định về bổ nhiệm hiệu trường và hiệu phó trường học có nhiều thay đổi.

Công văn số 1581 gửi UBND cấp tỉnh về việc bảo đảm duy trì, nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của các cơ sở giáo dục công lập tại các đơn vị hành chính khi thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, Bộ GD&ĐT hướng dẫn cụ thể về việc bổ nhiệm hiệu trưởng, hiệu phó khi không còn cấp huyện.

Quy định về bổ nhiệm hiệu trưởng, hiệu phó. (Ảnh minh họa)

Quy định về bổ nhiệm hiệu trưởng, hiệu phó. (Ảnh minh họa)

Cụ thể, sau khi tổ chức, sắp xếp chính quyền các cấp, Sở GD&ĐT được phân cấp, phân quyền thực hiện các chức năng, nhiệm vụ sau liên quan quản lý:

Tham mưu, trình UBND tỉnh, cấp có thẩm quyền quyết định vị trí việc làm, biên chế công chức, tổng số người làm việc tại các trường công lập.
Sở GD&ĐT thực hiện tuyển dụng, sử dụng, bổ nhiệm, thay đổi chức danh nghề nghiệp, đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục, nhân viên các trường công lập.
Sở cũng có trách nhiệm xây dựng kế hoạch tuyển dụng, sử dụng, đào tạo bồi dưỡng phát triển giáo viên các địa phương, các trường trên địa bàn tỉnh.
Bảo đảm đủ biên chết công chức quản lý, đủ số người làm việc theo đề án UBND tỉnh đã phê duyệt. Đồng thời chịu trách nhiệm giải trình về hoạt động, chất lượng giáo dục, đội ngũ giáo viên, người lao động, học sinh.
Sở GD&ĐT được quyền công nhận, bổ nhiệm, miễn nhiệm, điều động, thay đổi vị trí việc làm với hiệu trưởng, hiệu phó các trường.
Sở có trách nhiệm thường xuyên cập nhật thông tin giáo viên, cán bộ quản lý vào cơ sở dữ liệu quốc gia về giáo dục và các cấp quản lý như UBND tỉnh và Bộ GD&ĐT.

Căn cứu nội dung trên chúng ta có thể thấy việc bổ nhiệm vị trí việc làm đối với hiệu trưởng, hiệu phó các trường sẽ do Sở GD&ĐT các tỉnh đảm nhận khi không còn cấp huyện.

Cấp xã được quyền tuyển dụng giáo viên

Trong công văn công văn 1581, Bộ GD&ĐT cho phép cấp xã chỉ đạo công tác tuyển dụng giáo viên mầm non theo biên chế số lượng người làm việc do cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đồng thời, các cấp được phép quyết định số lượng hợp đồng lao động vị trí việc làm trong trường mầm non, tiểu học, THCS, đảm bảo đủ số người làm việc theo chương trình giáo dục phổ thông yêu cầu.

Trước đây, việc tuyển dụng giáo viên công lập thực hiện như tuyển dụng viên chức nói chung, do ngành nội vụ, Ủy ban nhân dân cấp huyện/tỉnh thực hiện. Như vậy, trong thời gian tới chức năng tuyển dụng giáo viên các cấp được phân cấp phân quyền mạnh hơn về cho cấp xã và Sở GD&ĐT các địa phương.

Về đối tượng được đặc cách, ưu tiên trong tuyển dụng, luật quy định nhóm đối tượng đặc cách, ưu tiên đầu tiên là giáo viên tài năng bao gồm: người có trình độ cao, sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ, người có năng khiếu đặc biệt trong các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao, các ngành nghề truyền thống phù hợp với nghề dạy học.

Nhóm thứ hai là các người tình nguyện làm việc ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, người tốt nghiệp sư phạm cử tuyển hoặc theo đặt hàng giữa địa phương với cơ sở đào tạo.

Nhóm thứ ba là giáo viên có hợp đồng lao động trong cơ sở giáo dục từ 2 năm trở lên.

Anh Anh

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/quy-dinh-bo-nhiem-hieu-truong-hieu-pho-sau-khi-bo-cap-huyen-ar941672.html
Zalo