Quốc hội xem xét cơ chế, chính sách đặc thù mới nhất cho Thành phố Hải Phòng

Sáng nay, 13-5, Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết thay thế Nghị quyết số 35/2021/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hải Phòng.

Về quản lý đầu tư (Điều 4), Dự thảo quy định: “Ủy ban nhân dân Thành phố chấp thuận chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng bến cảng, khu bến cảng mới có quy mô vốn đầu tư từ 2.300 tỷ đồng trở lên”. Hiện thẩm quyền này của Thủ tướng Chính phủ.

Ủy ban Kinh tế và Tài chính (KTTC) của Quốc hội tán thành phân cấp cho Thành phố theo đúng tinh thần Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị. Tuy nhiên, đề nghị bổ sung quy định về chế độ trách nhiệm, bảo đảm quyền hạn đi đôi với trách nhiệm.

Về chính sách thu hồi đất (khoản 4 Điều 6), Ủy ban KTTC đề nghị làm rõ căn cứ khi Dự thảo quy định khác với Nghị quyết số 136/2024/QH15 hiện đang áp dụng cho Thành phố Đà Nẵng. Trường hợp không có vướng mắc, cần quy định tương tự như Nghị quyết số 136/2024/QH15.

Về việc thu hồi diện tích đất xen kẹt trong khu dân cư (khoản 7 Điều 6), để góp phần khắc phục những vướng mắc đang xảy ra trên thực tế, đẩy nhanh tiến độ thu hồi đất cho các dự án vì lợi ích cộng đồng, Ủy ban KTTC cơ bản tán thành với chủ trương này. Tuy nhiên, do đây là chính sách có liên quan trực tiếp đến người dân, vì vậy, đề nghị Cơ quan soạn thảo: Bổ sung các quy định về tiêu chí, điều kiện áp dụng; Quy định rõ trách nhiệm trong triển khai thực hiện, bảo đảm không lợi dụng chính sách, tránh khiếu kiện, tạo đồng thuận trong nhân dân.

Quang cảnh phiên họp

Quang cảnh phiên họp

Về quỹ đầu tư mạo hiểm, đề nghị cân nhắc việc miễn trừ trách nhiệm đối với cán bộ, công chức, người lao động sử dụng vốn từ Quỹ đầu tư mạo hiểm.

Về thành lập Khu thương mại tự do tại Hải Phòng (Điều 9), Ủy ban KTTC cho rằng, việc thí điểm thành lập Khu thương mại tự do là cần thiết, là quyết tâm chính trị của TP. Hải Phòng và Chính phủ; có đủ căn cứ chính trị, cơ sở pháp lý.

Tuy nhiên, đây là vấn đề lớn, không chỉ mang tính chất kinh tế mà liên quan đến quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Vì vậy, đề nghị làm rõ: Tác động đến tăng trưởng kinh tế, ngân sách, xã hội; tính lan tỏa vùng miền...; Cơ chế quản lý rủi ro, cơ chế giám sát bảo đảm một mặt thông thoáng song giữ vững an toàn tài chính, an ninh kinh tế, trật tự xã hội; Trách nhiệm trong triển khai của các cá nhân, tổ chức liên quan.

Về chính sách thí điểm trong Khu thương mại tự do Hải Phòng (Điều 10): Với việc sử dụng đất: Dự thảo quy định, việc sử dụng đất đối với Khu TMTD Hải Phòng không phụ thuộc vào chỉ tiêu quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc gia đã được cấp có thẩm quyền phân bổ cho Thành phố”. Để thí điểm chính sách vượt trội trong các khu kinh tế đặc biệt, Ủy ban KTTC cơ bản tán thành với đề xuất tuy nhiên đề nghị cần có quy định, hướng dẫn cụ thể trong thực hiện.

Về thẩm quyền Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng thực hiện cơ chế “một cửa”: Đề nghị rà soát để bảo đảm đơn giản hóa thủ tục hành chính; Cần rõ ràng, minh bạch, kịp thời (ngắn về thời hạn); Cụ thể về quy trình; Hợp lý về thẩm quyền, bảo đảm năng lực tổ chức thực hiện.

Về chính sách ưu đãi thuế trong Khu TMTD: Ủy ban KTTC tán thành việc áp dụng mức ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp do chỉ tương tự như mức áp dụng với Khu kinh tế; song thời gian áp dụng dài hơn. Vì vậy, đề nghị cân nhắc thời hạn ưu đãi. Trường hợp doanh nghiệp thuộc đối tượng áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu thì thực hiện nộp thuế theo quy định tương ứng.

Huệ Linh

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/quoc-hoi-xem-xet-co-che-chinh-sach-dac-thu-moi-nhat-cho-thanh-pho-hai-phong-post611560.antd
Zalo