Quốc hội tiếp tục bàn cách chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực

Theo Tổng Thanh tra Chính phủ, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là nhiệm vụ quan trọng vừa cấp bách vừa lâu dài, trong đó phải đặt lợi ích của quốc gia, dân tộc, của Đảng lên trên hết.

Ngày 26-11, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong thừa ủy quyền của Thủ tướng trình bày trước Quốc hội báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC). Ý kiến các đại biểu (ĐB) sau đó đã tập trung vào việc cần có những giải pháp quyết liệt, cụ thể hơn để xử lý tận gốc vấn đề này.

 Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang. Ảnh: PHẠM THẮNG

Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang. Ảnh: PHẠM THẮNG

Đã dẫn độ nhiều đối tượng từ nước ngoài về

Theo báo cáo của Chính phủ, công tác PCTNTC được tiến hành thường xuyên, quyết liệt, đồng bộ với nhiều giải pháp và quyết tâm chính trị rất cao. “Công tác này đã đạt nhiều kết quả quan trọng, để lại dấu ấn tốt, lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, hưởng ứng, đánh giá cao, nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế” - Tổng Thanh tra Chính phủ nêu.

Về tồn tại hạn chế, báo cáo của Chính phủ nhắc đến việc khắc phục những sơ hở, bất cập trong cơ chế, chính sách, pháp luật còn chậm so với yêu cầu thực tiễn đặt ra; một số biện pháp phòng ngừa tham nhũng chưa được triển khai thực hiện toàn diện.

“Tình trạng đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm, không dám làm chậm được khắc phục; việc truy bắt đối tượng bỏ trốn ra nước ngoài còn gặp nhiều khó khăn” - ông Đoàn Hồng Phong trình bày.

Nêu ý kiến thảo luận sau đó, ĐB Đỗ Ngọc Thịnh (đoàn Khánh Hòa) nhìn nhận một trong những vấn đề khó khăn trong đấu tranh chống các tội phạm tham nhũng, chức vụ hiện nay là có một số đối tượng sau khi phạm tội đã trốn ra nước ngoài. “Việc truy bắt một số đối tượng này chưa hiệu quả có nguyên nhân do giữa nước ta và một số nước chưa có hiệp định tương trợ tư pháp” - ông Thịnh nhận định.

ĐB Thịnh băn khoăn về việc báo cáo của Chính phủ chưa làm rõ các vấn đề liên quan đến các hiệp định tương trợ tư pháp. Ông cũng nói Chính phủ chưa đặt ra việc tổng kết triển khai hiệp định tương trợ tư pháp mà Việt Nam đã ký với các nước để đưa ra giải pháp nâng cao hiệu quả truy bắt các đối tượng tham nhũng đang trốn ở nước ngoài.

“Tôi đề nghị Chính phủ cần quan tâm tới nội dung này trong thời gian tới” - ông Thịnh nhấn mạnh.

Đại tướng Lương Tam Quang, Bộ trưởng Bộ Công an, cho biết lực lượng công an và các cơ quan thực thi pháp luật đang tăng cường và ký những hiệp định liên quan đến chuyển giao người bị kết án phạt tù, dẫn độ tội phạm.

“Căn cứ theo từng nước, thời gian qua chúng ta đã bắt và xử lý dẫn độ nhiều đối tượng. Trong đó có những nước chưa bao giờ dẫn độ tội phạm sang nước khác nhưng vừa qua đã hợp tác với chúng ta để dẫn độ các tội phạm về nước” - bộ trưởng Bộ Công an nhấn mạnh và cho hay thời gian tới sẽ tiếp tục tham mưu Chính phủ có những hiệp định liên Chính phủ để thực hiện nội dung này tốt hơn.

 Đại biểu Tô Văn Tám (đoàn Kon Tum). Ảnh: PHẠM THẮNG

Đại biểu Tô Văn Tám (đoàn Kon Tum). Ảnh: PHẠM THẮNG

Phải chặn cả lãng phí

ĐB Phạm Đình Thanh (đoàn Kon Tum) nhận định nhiều năm qua, công tác PCTNTC tiếp tục được đẩy mạnh, quyết liệt, đồng bộ và toàn diện hơn, nhiều vụ án tham nhũng kinh tế lớn được điều tra làm rõ, xét xử kịp thời, nghiêm minh, cử tri rất đồng tình.

Tuy nhiên, theo báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp… “Vấn đề này theo tôi cần được tổ chức nghiên cứu nghiêm túc để làm rõ nguyên nhân, điều kiện tội phạm, kiểm tra, rà soát chặt chẽ để phát hiện và khắc phục những sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý nhà nước về kinh tế, về đất đai, tài nguyên khoáng sản, quản lý dự án đầu tư. Từ đó giúp cho việc phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý hiệu quả hơn đối với loại tội phạm này” - ĐB Thanh nói.

ĐB Tô Văn Tám (đoàn Kon Tum) cũng đánh giá cao báo cáo của Chính phủ và cho rằng thời gian qua, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, sự đồng hành của Quốc hội, Chính phủ mà công tác PCTNTC, lãng phí được thực hiện rất quyết liệt.

“PCTNTC, lãng phí được thực hiện trên tinh thần thượng tôn pháp luật, không có vùng cấm, không có ngoại lệ” - ông Tám nói và đề nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm, chỉ đạo quyết liệt công tác thu hồi tài sản tham nhũng. Ông cũng đề nghị Chính phủ có đánh giá thêm về vai trò của người dân trong công tác PCTNTC và nghiên cứu thí điểm các hình thức phản ánh, tố cáo tham nhũng qua điện thoại, đường dây nóng.

ĐB Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) thì cho rằng dù đạt được nhiều kết quả tích cực nhưng công tác PCTNTC chưa được như mong muốn, nhiều tài sản thất thoát rất nghiêm trọng, khả năng thu hồi khó khăn.

Ông Hòa nhận định tội phạm thường là những nơi công vụ nhạy cảm, dễ phát sinh tiêu cực giữa người có quyền và người cần sự trợ giúp. Do vậy, phải có sự vào cuộc của cơ quan chức năng thanh tra, kiểm toán khách quan, trung thực để phòng ngừa, để họ không dám, không lạm dụng, không tham…

“Đó là bề nổi của tảng băng chìm trong tham nhũng, tiêu cực” - ĐB Hòa nói và đề nghị Quốc hội, Chính phủ, các ngành chức năng quan tâm nhiều hơn về lãng phí để ngăn chặn có hiệu quả, lãng phí cũng sẽ được đưa vào nghị quyết cấp thẩm quyền để triển khai tổ chức thực hiện.

 Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong. Ảnh: PHẠM THẮNG

Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong. Ảnh: PHẠM THẮNG

Xử lý trách nhiệm người đứng đầu

Giải trình sau đó, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết Chính phủ sẽ tiếp tục tập trung chỉ đạo xây dựng hoàn thiện, đồng bộ hệ thống pháp luật, tạo sự thông thoáng để khơi thông mọi nguồn lực cho phát triển, khắc phục những sơ hở, bất cập, dễ phát sinh tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.

“Thanh tra Chính phủ thời gian tới cũng sẽ tiếp tục tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng chỉ đạo các cấp, các ngành tổ chức thực hiện nghiêm, có hiệu quả các biện pháp phòng ngừa tham nhũng. Chẳng hạn như phải công khai, minh bạch về tổ chức và hoạt động của các cơ quan, đơn vị; thực hiện việc chuyển đổi vị trí công tác; thực hiện cải cách hành chính, ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý; đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt.

Hoặc các biện pháp khác như thực hiện kiểm soát tài sản, thu nhập; xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra những lĩnh vực còn nhiều tồn tại, hạn chế mà ý kiến thẩm tra đã chỉ ra” - ông Đoàn Hồng Phong nói.

Tổng Thanh tra Chính phủ cho rằng PCTNTC trong năm 2025 sẽ là nhiệm vụ quan trọng vừa cấp bách, vừa lâu dài, vừa là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, trước hết là của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp.

“PCTNTC, lãng phí phải đặt lợi ích của quốc gia, dân tộc, của Đảng lên trên hết, đảm bảo ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước” - ông Đoàn Hồng Phong giải trình.

Khắc phục “trên nóng, dưới lạnh”

Trong năm 2025, Chính phủ xác định vẫn tiếp tục thực hiện các biện pháp từ chính trị đến pháp lý… để triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình công tác năm 2025 của Ban Chỉ đạo và các nghị quyết, kết luận, chỉ thị của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng về PCTNTC.

Đáng chú ý giải quyết kịp thời các tố cáo, kiến nghị, phản ánh về tham nhũng, tiêu cực liên quan đến nhân sự đại hội đảng bộ các cấp; đẩy nhanh tiến độ xác minh, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm. Cùng với đó là tiếp tục đẩy mạnh công tác PCTNTC ở địa phương, cơ sở, khắc phục tệ nạn “tham nhũng vặt” và tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”.

Trước đó, trong báo cáo thẩm tra do Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga trình bày cũng đánh giá tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp chưa được khắc phục triệt để; tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm trong thực thi công vụ vẫn diễn ra.

Cơ bản tán thành với báo cáo của Chính phủ về tình hình tham nhũng nhưng báo cáo của Ủy ban Tư pháp cho rằng tình trạng tham nhũng, tiêu cực trên một số lĩnh vực vẫn còn nghiêm trọng, diễn biến phức tạp, nổi lên là các sai phạm lớn ở một số lĩnh vực như quy hoạch, xây dựng, năng lượng, đấu thầu, quản lý tài sản công, quản lý, sử dụng đất đai, khai thác tài nguyên, khoáng sản... “Tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực trong khu vực hành chính, dịch vụ công vẫn còn diễn ra” - báo cáo nêu.

NHÓM PHÓNG VIÊN

Nguồn PLO: https://plo.vn/quoc-hoi-tiep-tuc-ban-cach-chong-tham-nhung-lang-phi-tieu-cuc-post821829.html
Zalo