Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư dự án xây dựng đường sắt từ Lào Cai tới Hải Phòng
Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng đã được Quốc hội biểu quyết thông qua vào sáng 19/2.

Kết quả biểu quyết Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.
Có 458 đại biểu tham gia biểu quyết; trong đó có 454 đại biểu tán thành bằng 94,98%. Có 3 đại biểu không tán thành và 1 đại biểu không biểu quyết.
Theo dự thảo Nghị quyết, việc xây dựng tuyến đường sắt mới hiện đại, đồng bộ nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải nội địa, liên vận quốc tế giữa Việt Nam và Trung Quốc;
Tuyến đường sắt dự kiến tạo động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, phát huy lợi thế trên hành lang kinh tế Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, bảo đảm kết nối hiệu quả các mạng lưới đường sắt trong nước và quốc tế, gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu;
Mặt khác, tuyến đường còn thúc đẩy tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; góp phần hiện thực hóa mục tiêu, nhiệm vụ theo Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII và các Nghị quyết của Đảng.
Tuyến đường có điểm đầu tại vị trí nối ray qua biên giới (tỉnh Lào Cai), điểm cuối tại ga Lạch Huyện (thành phố Hải Phòng); chiều dài tuyến chính khoảng 390,9km; chiều dài các tuyến nhánh khoảng 27,9km; đi qua địa phận 9 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương gồm: Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương và Hải Phòng;
Chủ trương là đầu tư mới toàn tuyến đường đơn, khổ 1.435mm; vận chuyển chung hành khách, hàng hóa; tốc độ thiết kế 160km/h đối với tuyến chính đoạn từ ga Lào Cai mới đến ga Nam Hải Phòng, tốc độ thiết kế 120km/h đối với đoạn qua khu vực đầu mối thành phố Hà Nội, tốc độ thiết kế 80km/h đối với các đoạn tuyến còn lại;
Sơ bộ tổng nhu cầu sử dụng đất khoảng 2.632ha, gồm: đất trồng lúa khoảng 716ha (trong đó đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên khoảng 709ha), đất lâm nghiệp khoảng 878ha, các loại đất khác theo quy định của pháp luật về đất đai khoảng 1.038ha;
Sơ bộ số dân tái định cư khoảng 19.136 người. Sơ bộ tổng mức đầu tư của Dự án là 203.231 tỷ đồng. Nguồn vốn ngân sách Nhà nước bố trí trong các kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn và nguồn vốn hợp pháp khác.
Về tiến độ thực hiện, Nghị quyết nêu rõ, lập báo cáo nghiên cứu khả thi từ năm 2025, phấn đấu hoàn thành Dự án chậm nhất vào năm 2030.