Quốc hội thông qua chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân

Quốc hội vừa thông qua nghị quyết với hàng loạt chính sách ưu đãi thuế, tín dụng và pháp lý nhằm tạo đà cho kinh tế tư nhân phát triển trong giai đoạn mới.

Các đại biểu Quốc hội đã thông qua nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân. Ảnh: VGP

Các đại biểu Quốc hội đã thông qua nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân. Ảnh: VGP

Với 429/434 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân đã chính thức được Quốc hội thông qua sáng nay, kỳ vọng sẽ tạo bước ngoặt trong cải thiện môi trường đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.

Trọng tâm của nghị quyết là các chính sách miễn, giảm thuế cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, cùng các ưu đãi về tín dụng và chuyển đổi số.

Theo đó, các doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong ba năm kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu.

Riêng các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo và các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp, như quỹ đầu tư hoặc trung tâm đổi mới sáng tạo, sẽ được miễn thuế thu nhập trong hai năm và giảm 50% thuế trong bốn năm tiếp theo.

Chính sách ưu đãi cũng mở rộng đến cá nhân, chuyên gia, nhà khoa học làm việc trong lĩnh vực này. Họ sẽ được miễn thuế thu nhập cá nhân trong hai năm đầu và giảm một nửa thuế trong bốn năm tiếp theo đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công.

Ngoài ra, các khoản thu nhập từ chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp hoặc quyền mua cổ phần trong doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo cũng sẽ được miễn thuế.

Nghị quyết cũng quy định việc bỏ hình thức thuế khoán đối với hộ kinh doanh từ 1/1/2026, thay vì 1/7/2026 như trước đây. Để hỗ trợ quá trình chuyển đổi số của hộ kinh doanh, nhà nước sẽ bố trí kinh phí cung cấp miễn phí các nền tảng số, phần mềm kế toán dùng chung.

Về hỗ trợ tài chính, nghị quyết nêu rõ doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân sẽ được hỗ trợ lãi suất 2% mỗi năm khi vay vốn thực hiện các dự án xanh, dự án kinh tế tuần hoàn hoặc áp dụng các tiêu chuẩn ESG (môi trường, xã hội, quản trị).

Đáng chú ý, nghị quyết cũng đề cập đến các nguyên tắc xử lý pháp lý, nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp và giảm thiểu tác động tiêu cực từ quá trình điều tra, truy tố, xét xử.

Cụ thể, xử lý kịp thời, hiệu quả vật chứng, tài sản nhưng không làm ảnh hưởng đến việc chứng minh, giải quyết vụ việc, vụ án; sớm khắc phục hậu quả thiệt hại, đưa tài sản vào khai thác, sử dụng, nhằm khơi thông nguồn lực phát triển, tránh thất thoát, lãng phí.

Mỗi doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh sẽ chỉ bị thanh tra, kiểm tra tối đa một lần mỗi năm, trừ khi có dấu hiệu vi phạm rõ ràng. Xử lý nghiêm các hành vi lạm dụng, lợi dụng thanh tra, kiểm tra để nhũng nhiễu, gây khó khăn cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh…

Nghị quyết yêu cầu phân định rạch ròi giữa trách nhiệm pháp nhân và trách nhiệm cá nhân; giữa xử lý hình sự và hành chính; giữa nghĩa vụ của doanh nghiệp và của người điều hành.

Trong các vụ việc dân sự và kinh tế, ưu tiên giải pháp hành chính hoặc khắc phục kinh tế thay vì hình sự hóa hành vi vi phạm.

Đối với vụ việc mà thông tin, tài liệu, chứng cứ chưa đủ rõ ràng để kết luận có hành vi vi phạm pháp luật thì phải sớm có kết luận theo quy định của pháp luật tố tụng, thực hiện công bố công khai kết luận này.

Bảo đảm nguyên tắc suy đoán vô tội trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử các vụ án.

Các biện pháp tạm giữ, kê biên tài sản phải tuân thủ chặt chẽ về thẩm quyền, trình tự, không vượt quá giá trị thiệt hại ước tính và không ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Tài sản hợp pháp phải được phân biệt rõ ràng với tài sản hình thành từ hành vi vi phạm hoặc có liên quan đến vụ án.

Nhật Hạ

Nguồn Nhà Quản Trị: https://theleader.vn/quoc-hoi-thong-qua-chinh-sach-dac-biet-phat-trien-kinh-te-tu-nhan-d40202.html
Zalo