Quốc hội thảo luận vai trò Công đoàn trong bối cảnh mới
Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, sáng nay (24/10), Quốc hội nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế; báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) và thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi).
Các đại biểu nhận định, so với Luật Công đoàn 2012, Dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) lần này có một số điểm mới khi đã hoàn thiện quy định về tổ chức bộ máy công đoàn, cơ chế quản lý cán bộ công đoàn và tăng cường vai trò của Công đoàn Việt Nam trong bối cảnh mới. Từ đó hoàn thiện cơ chế tài chính công đoàn trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng và sự ra đời tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp ngoài hệ thống Công đoàn Việt Nam.
Thảo luận tại hội trường, các đại biểu bày tỏ việc xét tiêu chí về số lượng đoàn viên khi tham gia các tổ chức công đoàn cần số lượng cụ thể hơn. "Quy định như Dự thảo Luật là chưa rõ ràng. Số lượng đoàn viên từ bao nhiêu thì xác định là lớn, trong khi đó trên thực tế số lượng đoàn viên có thể có sự thay đổi do người lao động thay đổi công việc. Trường hợp này thì các công đoàn, tập đoàn kinh tế, tổng công ty sẽ được xác định thuộc cấp công đoàn nào và có tính ổn định hay không? Đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu và có tiêu chí xác định cụ thể để phù hợp với tính khả thi và ổn định của pháp luật" - ông Hà Sỹ Huân, Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn nhấn mạnh.
Nêu ý kiến về nội dung gia nhập và hoạt động công đoàn của người lao động là người nước ngoài, các đại biểu cho rằng nội dung cần quy định rõ hơn các điều kiện với người nước ngoài khi tham gia các tổ chức công đoàn tại Việt Nam. Theo ông Võ Mạnh Sơn - Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa: "Cần bổ sung thêm quyền của công đoàn ngành Trung ương và tương đương trong việc công nhận tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp gia nhập Công đoàn Việt Nam, để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ cho công tác chỉ đạo toàn hệ thống công đoàn, giúp người lao động có quyền lựa chọn công đoàn địa phương hoặc công đoàn ngành và tương đương để gia nhập".
Cho ý kiến về quản lý tài chính công đoàn, Đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An Trần Nhật Minh cho rằng mức thu phí công đoàn là 2% như hiện nay là phù hợp: "Nguồn kinh phí công đoàn đã phát huy hiệu quả hơn 60 năm qua. Nguồn kinh phí này được sử dụng tại công đoàn chủ yếu để trực tiếp chăm lo đời sống cho đoàn viên, người lao động như thăm hỏi, ốm đau, quà sinh nhật, quà tết hoặc tổ chức các hoạt động về văn hóa, thể thao... Bên cạnh đó, Dự thảo luật cũng đã bổ sung một số nội dung để phù hợp với thực tiễn như quy định tạm dừng, miễn giảm đóng kinh phí công đoàn đối với các tổ chức doanh nghiệp gặp khó khăn, nên khi thực hiện chính sách này, nguồn thu từ kinh phí công đoàn dự kiến sẽ giảm. Tuy nhiên khi đó công đoàn cấp trên vẫn thực hiện hỗ trợ bảo vệ và duy trì quyền lợi cho đoàn viên, người lao động công đoàn cơ sở khi thuộc trường hợp tạm dừng, miễn giảm đóng phí. Do đó, việc luật hóa và tiếp tục duy trì mức 2% kinh phí công đoàn như quy định của Dự thảo Luật là hết sức cần thiết".
Cũng trong phiên làm việc sáng nay (24/10), Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Y tế, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế; Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội trình bày Báo cáo thẩm tra Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế.