Quốc hội thảo luận tại tổ về các dự án luật
Sáng 13/2, Quốc hội thảo luận tại tổ về Dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) và Dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi). Phó trưởng đoàn Chuyên trách Phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị Hoàng Đức Thắng được phân công làm tổ trưởng thảo luận.
![Phó trưởng Đoàn Chuyên trách Phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị Hoàng Đức Thắng phát biểu tại tổ thảo luận - Ảnh: TS](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_13_450_51467428/12b9486c7922907cc933.jpg)
Phó trưởng Đoàn Chuyên trách Phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị Hoàng Đức Thắng phát biểu tại tổ thảo luận - Ảnh: TS
Trên cơ sở tờ trình của Chính phủ, hồ sơ thẩm tra, đại biểu Hoàng Đức Thắng đã trao đổi và đề nghị các ĐBQH nghiên cứu, thảo luận các nội dung dự thảo liên quan đến Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi), trong đó tập trung về nguyên tắc phân định thẩm quyền (tại Điều 6), quy định về phân quyền, phân cấp, ủy quyền (tại các Điều 7, 8 và 9), quy định về nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ...
Đối với Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) đề nghị quan tâm thảo luận về mô hình tổ chức chính quyền địa phương (tại Điều 2); quy định về phân định thẩm quyền, phân quyền, phân cấp, ủy quyền giữa chính quyền địa phương các cấp (tại Chương III), nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương (tại Chương IV)...và các nội dung liên quan đến nghị quyết của Quốc hội quy định về xử lý một số vấn đề về sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước.
![Đại biểu Hồ Thị Minh tham gia ý kiến tại phiên thảo luận tổ - Ảnh: TS](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_13_450_51467428/657739a208ece1b2b8fd.jpg)
Đại biểu Hồ Thị Minh tham gia ý kiến tại phiên thảo luận tổ - Ảnh: TS
Tại phiên thảo luận tổ, đại biểu Hồ Thị Minh, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Quảng Trị, thành viên Hội đồng Dân tộc đã tham gia thảo luận đối với dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi).
Đại biểu cho rằng, việc sửa đổi Luật Tổ chức chính quyền địa phương là một yêu cầu cấp thiết nhằm đáp ứng đòi hỏi thực tiễn và những thay đổi trong hệ thống chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước. Đại biểu cũng đã tập trung phân tích về 4 điểm hạn chế trong quá trình tổ chức thi hành các Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
Cụ thể, theo quy định tại khoản 1, Điều 15 dự thảo “Trong trường hợp cần thiết, Ủy ban nhân dân được ủy quyền cho chủ tịch Ủy ban nhân dân, cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác, đơn vị sự nghiệp công lập ... trong khoảng thời gian xác định kèm theo các điều kiện cụ thể, trừ trường hợp pháp luật quy định không được phân cấp, ủy quyền” thì chủ tịch UBND không được quy định rõ việc được ủy quyền cho phó Chủ tịch UBND cùng cấp thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình.
Tuy nhiên, tại Khoản 6, Điều 37 dự thảo quy định “Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thực hiện nhiệm vụ của chủ tịch Ủy ban nhân dân trong lĩnh vực, địa bàn công tác và phạm vi quyền hạn được chủ tịch ủy ban nhân dân phân công, ủy quyền”. Theo đó, phó chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện nhiệm vụ quyền hạn do chủ tịch Ủy ban nhân dân phân công, ủy quyền.
Từ những phân tích trên, đại biểu đã đề nghị Ban soạn thảo xem xét, bổ sung quy định nhằm đảm bảo tính thống nhất và phù hợp với thực tiễn về chủ thể được ủy quyền được quy định tại khoản 1, Điều 15 và khoản 6, Điều 37, cũng như các nội dung tương tự khác tại dự thảo.
Bên cạnh đó, đại biểu cũng đề nghị Ban soạn thảo rà soát, thống nhất việc sử dụng cụm từ “tổ chức hành chính” hay “cơ quan hành chính” để đảm bảo tính thống nhất các quy định tại dự thảo luật.
Liên quan đến các nội dung quy định tại điểm q, khoản 1, Điều 16 của dự thảo “Thu hồi, bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung một phần hoặc toàn bộ văn bản do mình ban hành khi xét thấy không còn phù hợp hoặc trái pháp luật” và quy định tại Luật Ban hành văn bản Quy phạm pháp luật hiện hành và cả dự thảo Luật đang xây dựng (khoản 1, Điều 57) thì văn bản hết hiệu lực trong trường hợp hết thời hạn, bị bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế, đại biểu Hồ Thị Minh đánh giá việc thu hồi văn bản chỉ là biện pháp nghiệp vụ về văn thư lưu trữ, không xử lý hiệu lực pháp lý của văn bản. Do đó, đại biểu cũng đề nghị Ban soạn thảo xem xét, chỉnh lý cho phù hợp.
Đối với dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi), đại biểu Hồ Thị Minh đã đề nghị Ban soạn thảo xem xét, bổ sung vào khoản 5, Điều 5 các nội dung quy định về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
Đồng thời, xem xét lại nội dung quy định tại khoản 5, Điều 5 “Thực hiện quản trị quốc gia theo hướng...kỷ luật, kỷ cương hành chính,...” và quy định tại Khoản 5, Điều 10 quy định “Thống nhất quản lý nền hành chính quốc gia, đảm bảo tính thống nhất thông suốt, liên tục, dân chủ...”, nội dung của 2 quy định này tại 2 điều tương đồng nhưng 2 khái niệm “quản trị quốc gia” và “hành chính quốc gia” có nội hàm khác nhau.
Vì vậy, cần xem xét điều chỉnh nội dung nhằm trùng lắp quy định tại khoản 5 Điều 5 và khoản 5 Điều 10.
Kết luận phiên thảo luận tổ, Phó trưởng Đoàn Chuyên trách Phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị Hoàng Đức Thắng đánh giá cao các ý kiến tham gia của các ĐBQH trong tổ đối với các dự thảo Dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) và Dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi). Ý kiến thảo luận, góp ý của các ĐBQH rất sâu sắc, cụ thể và có giá trị để tiếp tục hoàn thiện đối với các dự án luật rất quan trọng trình tại kỳ họp lần này