Quốc hội thảo luận ở tổ về một số dự án luật

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, đầu giờ sáng nay (30/10), các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) họp phiên toàn thể ở hội trường.

Các đại biểu đã nghe Tờ trình, Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu; nghe Tờ trình, Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết về thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử một số vụ việc, vụ án hình sự, sau đó thảo luận tại tổ về hai nội dung trên.

 Quang cảnh phiên thảo luận tại tổ số 3.

Quang cảnh phiên thảo luận tại tổ số 3.

Các ĐBQH tỉnh Bắc Giang tham gia tổ thảo luận số 3 cùng Đoàn ĐBQH các tỉnh: Nghệ An, Quảng Ngãi. Đại biểu Thái Thanh Quý, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An chủ trì phiên thảo luận.

Tại đây đã có 8 đại biểu nêu ý kiến, đa số các ý kiến nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu với cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý và cơ sở thực tiễn nhằm giải quyết các khó khăn, vướng mắc cấp thiết trong thực tiễn triển khai liên quan đến công tác quy hoạch, thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh, đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) và hoạt động đấu thầu; đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng cường phân cấp, phân quyền cho địa phương, hoàn thiện khung khổ pháp lý về tổ chức quản trị doanh nghiệp đạt chuẩn mực quốc tế; thúc đẩy phát triển doanh nghiệp, thu hút đầu tư vào sản xuất, kinh doanh.

Các ý kiến tán thành sự cần thiết ban hành Nghị quyết thí điểm một số biện pháp xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình tố tụng hình sự với những cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn. Việc ban hành Nghị quyết tạo cơ sở pháp lý nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong giải quyết các vụ việc, vụ án hình sự thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo. Qua đó nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống tội phạm, nhất là tội phạm về kinh tế, tham nhũng, bảo đảm tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân liên quan.

Góp ý vào dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu, đại biểu Trần Văn Lâm (Đoàn Bắc Giang) nêu, tại khoản 2 Điều 2 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư đã sửa đổi, bổ sung điểm d và điểm g khoản 1 Điều 31 như sau: “d) Dự án đầu tư xây dựng mới: bến cảng, khu bến cảng có quy mô vốn đầu tư từ 2.300 tỷ đồng trở lên thuộc cảng biển đặc biệt; bến cảng, khu bến cảng có quy mô vốn đầu tư từ 2.300 tỷ đồng trở lên thuộc cảng biển loại I;”

Theo đại biểu Trần Văn Lâm, nội dung này cơ quan soạn thảo đề xuất điều chỉnh theo hướng phân cấp thêm cho UBND cấp tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư đối với các dự án đầu tư xây dựng mới bến cảng, khu bến cảng thuộc cảng biển đặc biệt có quy mô vốn đầu tư dưới 2.300 tỷ đồng.

Tuy nhiên, trong Luật Đầu tư năm 2020 và dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung chưa quy định thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư đối với các trường hợp: Dự án bến cảng, khu bến cảng có quy mô vốn đầu tư dưới 2.300 tỷ đồng thuộc cảng biển loại I; các bến cảng, khu bến cảng thuộc cảng biển loại II và loại III mà không thuộc quy định tại điểm a khoản 1 Điều 32 Luật Đầu tư hiện hành.

Do đó, đại biểu Trần Văn Lâm đề nghị cơ quan soạn thảo cần làm rõ quy định về thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư đối với các trường hợp này, trên cơ sở đó có quy định phù hợp tại khoản 1 Điều 32 về thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của UBND cấp tỉnh hoặc rà soát sửa đổi điểm a khoản 1 Điều 32 Luật Đầu tư.

Góp ý vào dự thảo luật tại Điều 3, sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, đại biểu Trần Văn Tuấn, Phó trưởng Đoàn phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang nêu: Theo Tờ trình của Chính phủ, trong 3 năm triển khai Luật đã có 31 dự án mới đang được triển khai và 11 dự án đang chuẩn bị đầu tư theo phương thức PPP, đều là các dự án có quy mô lớn, trọng điểm của quốc gia và các địa phương, góp phần đầu tư mở rộng, nâng cấp các công trình giao thông, KT-XH… Tuy nhiên cũng còn nhiều vướng mắc đang đặt ra.

Đại biểu cho rằng việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư năm 2020 là cần thiết nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc đang đặt ra, khơi thông nguồn lực, huy động các nguồn vốn ngoài ngân sách đầu tư trên các lĩnh vực trong bối cảnh nguồn vốn ngân sách nhà nước hạn hẹp. Đặc biệt, qua sửa đổi, bổ sung sẽ góp phần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, bảo đảm tính khả thi, hài hòa lợi ích của các bên liên quan, không chỉ đối với các dự án PPP được triển khai sau khi Luật này có hiệu lực mà cả đối với các dự án PPP đã và đang triển khai, vận hành, khai thác.

Tuy nhiên, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư năm 2020 mới chỉ quy định vốn Nhà nước hỗ trợ xây dựng công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng được sử dụng để hỗ trợ thực hiện dự án trong giai đoạn xây dựng nhằm gia tăng tính hiệu quả về tài chính cho dự án (khoản 1 Điều 70), còn thiếu quy định về hỗ trợ khi doanh thu của dự án bị sụt giảm không do lỗi của nhà đầu tư, dẫn đến một số dự án gặp khó khăn trong giai đoạn vận hành, khai thác.

Từ những phân tích trên, đại biểu Trần Văn Tuấn đề nghị cơ quan soạn thảo, cần nghiên cứu bổ sung vào dự thảo Luật điều khoản cụ thể quy định về các trường hợp cần bổ sung vốn Nhà nước hỗ trợ đối với các dự án PPP ký kết hợp đồng trước thời điểm Luật này có hiệu lực, gồm cả những dự án đang trong quá trình vận hành, khai thác. Đồng thời giao Chính phủ quy định chi tiết trình tự, thủ tục, đối tượng áp dụng, cơ chế chia sẻ rủi ro của nhà đầu tư, bên cho vay khi thực hiện trong các trường hợp này.

 Đại biểu Đỗ Thị Việt Hà (Đoàn Bắc Giang) thảo luận tại tổ.

Đại biểu Đỗ Thị Việt Hà (Đoàn Bắc Giang) thảo luận tại tổ.

Góp ý kiến về các biện pháp xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình tố tụng (Điều 3) dự thảo Nghị quyết về thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử một số vụ việc, vụ án hình sự, đại biểu Đỗ Thị Việt Hà (Đoàn Bắc Giang) nêu: Dự thảo quy định 5 nhóm biện pháp xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử vụ việc, vụ án hình sự, trong đó có 4 biện pháp áp dụng đối với vật chứng, tài sản đã thu giữ, tạm giữ, kê biên, phong tỏa và có một nhóm biện pháp áp dụng có tính chất khẩn cấp tạm thời và có thể áp dụng ngay ở giai đoạn giải quyết nguồn tin về tội phạm. Đại biểu bày tỏ sự nhất trí quy định về các nhóm biện pháp nêu trên, đây là các biện pháp chưa được quy định trong pháp luật tố tụng hình sự. Qua thực tiễn giải quyết các vụ án hình sự về kinh tế, tham nhũng, chức vụ cho thấy, việc thí điểm các biện pháp này sẽ góp phần giải quyết cơ bản những vướng mắc, bất cập hiện nay.

Về biện pháp cho phép mua bán, chuyển nhượng vật chứng, tài sản (khoản 3 Điều 3) quy định cơ quan tiến hành tố tụng có thể cho phép mua bán, chuyển nhượng vật chứng, tài sản thông qua hình thức đấu giá công khai theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp các đồng sở hữu mua lại vật chứng, tài sản. Việc quy định như trên sẽ tạo khả năng thu hồi các khoản bồi thường thiệt hại cao hơn, bảo đảm quyền lợi cho cả bị hại và người bị buộc tội.

Tuy nhiên, đại biểu Đỗ Thị Việt Hà đề nghị cơ quan soạn thảo xác định rõ hơn tiêu chí, điều kiện để được áp dụng biện pháp cho nộp tiền lấy lại tài sản quy định tại khoản 2 Điều 3 và cho mua bán, chuyển nhượng tài sản tại khoản 3 Điều 3. Mặc dù vật chứng, tài sản có đặc tính giống nhau nhưng theo quy định tại khoản 2 thì được phép nộp tiền bằng giá đã định để giải tỏa kê biên, trong khi theo quy định tại khoản 3 thì phải bán đấu giá. Theo đại biểu, nếu quy định như dự thảo có thể dẫn đến việc người bị buộc tội chỉ yêu cầu thực hiện biện pháp nộp tiền để giải tỏa kê biên tài sản, làm giảm khả năng khắc phục hậu quả so với biện pháp xử lý tài sản qua bán đấu giá.

Tiến Hòa

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/quoc-hoi-thao-luan-o-to-ve-mot-so-du-an-luat-154910.bbg
Zalo