Bố trí tối đa gần 17 tỷ USD cho Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh làm đường sắt đô thị

Quốc hội cho phép bố trí tối đa 215.350 tỷ đồng (khoảng 8,6 tỷ USD) cho TP. Hà Nội và tối đa 209.500 tỷ đồng (khoảng 8,38 tỷ USD) cho TP. Hồ Chí Minh trong các kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 - 2030 và giai đoạn 2031 - 2035 làm cơ sở quyết định đầu tư và thực hiện đầu tư các dự án.

Sáng 19/2, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh.

Tại Nghị quyết, Quốc hội quy định Thủ tướng Chính phủ được phép căn cứ khả năng cân đối, bố trí kế hoạch đầu tư công trung hạn (KHĐTCTH), hằng năm vốn ngân sách trung ương (NSTW) bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương (NSĐP), tối đa không vượt 215.350 tỷ đồng cho TP. Hà Nội và tối đa không vượt 209.500 tỷ đồng cho TP. Hồ Chí Minh trong các kỳ KHĐTCTH giai đoạn 2026 - 2030 và giai đoạn 2031 - 2035 làm cơ sở quyết định đầu tư và thực hiện đầu tư các dự án.

Các lãnh đạo Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết

Các lãnh đạo Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết

Việc phân bổ vốn quy định tại điểm này được sử dụng nguồn tăng thu, tiết kiệm chi NSTW hằng năm (nếu có) và các nguồn vốn hợp pháp khác; trường hợp sử dụng nguồn tăng thu, tiết kiệm chi NSTW hằng năm, thì không phải thực hiện thứ tự ưu tiên theo quy định của pháp luật về NSNN.

Thủ tướng Chính phủ được huy động vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vốn vay ưu đãi nước ngoài để thực hiện các dự án và không phải lập Đề xuất dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài theo quy định của pháp luật có liên quan; áp dụng theo quy định của nhà tài trợ nước ngoài trong trường hợp pháp luật Việt Nam chưa có quy định hoặc đã có quy định nhưng khác với quy định của nhà tài trợ nước ngoài.

Các dự án thuộc danh mục dự án dự kiến tại Phụ lục kèm theo Nghị quyết này được bố trí vốn qua các kỳ KHĐTCTH, mức vốn bố trí mỗi kỳ KHĐTCTH phù hợp với tiến độ thực hiện từng dự án và không giới hạn phần vốn chuyển tiếp của các dự án sang kỳ KHĐTCTH tiếp theo.

UBND thành phố được quyết định việc áp dụng các hình thức chỉ định thầu đối với việc lựa chọn nhà thầu tư vấn, phi tư vấn, thi công; nhà thầu EPC, chìa khóa trao tay; nhà đầu tư các dự án đường sắt đô thị, dự án đường sắt đô thị theo mô hình TOD; tách công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành dự án độc lập.

Dự án đường sắt đô thị, dự án đường sắt đô thị theo mô hình TOD được thực hiện ngay việc lập, thẩm định, quyết định đầu tư dự án mà không phải thực hiện thủ tục lập, thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư và các thủ tục khác có liên quan đến quyết định chủ trương đầu tư theo quy định của pháp luật có liên quan.

Trong quá trình góp ý cho dự thảo Nghị quyết, có ý kiến đề nghị cân nhắc kỹ lưỡng việc không thực hiện thủ tục lập, thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư dự án và phân cấp, phân quyền cho các địa phương quyết định đầu tư bảo đảm cơ chế giám sát độc lập, đồng thời rà soát quy định không phải điều chỉnh quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất.

Giải trình vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho hay, theo tính toán của Chính phủ nếu thực hiện theo trình tự, thủ tục thông thường, công tác phê duyệt chủ trương đầu tư sẽ mất khoảng 3 đến 5 năm, thậm chí một số dự án mất hơn 5 năm. Do đó, sẽ không bảo đảm tiến độ theo yêu cầu tại Kết luận số 49-KL/TW của Bộ Chính trị. Bên cạnh đó, sự cần thiết của các tuyến đường sắt đô thị đã được xác định trong quá trình lập các quy hoạch có liên quan.

Do đó, mặc dù không thực hiện thủ tục quyết định chủ trương đầu tư, nhưng các dự án vẫn được lập, thẩm định, phê duyệt đầu tư dự án theo quy định để bảo đảm việc quyết định đầu tư các dự án phải thực sự phù hợp, hiệu quả, do đó trong quá trình lập báo cáo nghiên cứu khả thi, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan liên quan tính toán kỹ lưỡng để quyết định đầu tư dự án hợp lý./.

Hoàng Yến

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/bo-tri-toi-da-gan-17-ty-usd-cho-ha-noi-va-tp-ho-chi-minh-lam-duong-sat-do-thi-170791.html
Zalo