Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, sáng ngày 12/5, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội nghe Tờ trình và báo cáo thẩm tra Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp.
Giảm thời gian thực hiện một số bước trong quy trình bầu cử
Chủ nhiệm Ủy ban Công tác đại biểu của Quốc hội Nguyễn Thanh Hải trình bày tờ trình Luật sửa đổi, bổi sung một số điều của Luật Bẩu cử Đại biểu Quốc hội và Đại biểu Hội đồng nhân dân. Theo đó, dự án Luật đảo đảm sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng, bảo đảm đáp ứng yêu cầu chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, về bầu cử sớm, rút ngắn nhiệm kỳ Quốc hội và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội. Bám sát các nội dung sửa đổi Hiến pháp có liên quan đến dự án Luật; Hoàn thiện các quy định về bầu cử trong bối cảnh triển khai mô hình chính quyền địa phương 2 cấp; điều chỉnh giảm thời gian thực hiện một số bước trong quy trình bầu cử song phải bảo đảm chặt chẽ, công khai, dân chủ, khả thi.

Chủ nhiệm Ủy ban Công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải trình bày Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân.
Về nội dung, giảm thời gian thực hiện một số bước trong quy trình bầu cử: Đối với khoảng thời gian từ thời điểm cuối nộp hồ sơ ứng cử tới ngày bầu cử: rút ngắn từ 70 ngày theo quy định tại khoản 1 Điều 35 Luật hiện hành xuống còn 42 ngày, nhưng vẫn đảm bảo tổng thời gian từ hạn cuối công bố ngày bầu cử đến ngày bầu cử là 115 ngày như Luật hiện hành. Đối với khoảng thời gian từ ngày bầu cử đến ngày khai mạc kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa mới, điều chỉnh giảm thời gian một số bước như: thời hạn công bố kết quả bầu cử, danh sách trúng cử; thời gian tiếp nhận khiếu nại kết quả bầu cử và xem xét giải quyết khiếu nại kết quả bầu cử; thời gian tiến hành bầu cử thêm, bầu cử lại; Với các điều chỉnh rút ngắn như đề xuất thì ngày khai mạc kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa mới sớm nhất có thể là sau ngày bầu cử chỉ 22 ngày (Luật Tổ chức Quốc hội đang cho phép tối đa là 60 ngày).

Quang cảnh phiên họp.
Bên cạnh đó, sửa đổi bổ sung chức danh Thư ký Ủy ban bầu cử và Ban bầu cử; bổ sung thành phần đại diện Đoàn đại biểu Quốc hội tham gia làm Ủy viên Ủy ban bầu cử ở tỉnh tương tự như đại diện Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Đối với trường hợp đặc biệt, cho phép Hội đồng bầu cử quốc gia hướng dẫn việc chuyển hồ sơ ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh (khi đã hết thời hạn nộp hồ sơ) đối với người ứng cử chuyển công tác (sau khi nộp hồ sơ) từ đơn vị hành chính này sang đơn vị hành chính khác theo chủ trương của cấp có thẩm quyền. (Chỉ áp dụng đối với các chức danh cán bộ diện Trung ương quản lý). Dự án cũng quy định các hình thức vận động bầu cử theo hướng đa dạng gồm các hình thức trực tiếp, trực tuyến, trực tiếp kết hợp với trực tuyến. Về hiệu lực thi hành và Quy định chi tiết hướng dẫn thi hành: Giao Hội đồng bầu cử quốc gia căn cứ tình hình thực tế chủ động điều chỉnh thời gian giữa các bước trong quy trình bầu cử, phù hợp với điều kiện thực tế để bảo đảm tiến độ thời gian theo quy định. Dự thảo Luật có sửa đổi một số cụm từ như “cấp xã gồm xã, phường, đặc khu”; thay cụm từ “Đoàn chủ tịch Ban chấp hành trung ương Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam” thành “Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam”.. nhằm đồng bộ với việc sửa đổi các luật hiện hành. Dự thảo Luật lược bỏ toàn bộ các quy định có nội dung liên quan đến Hội đồng nhân dân cấp huyện.
Đề xuất điều chỉnh tăng thêm số lượng thành viên Ủy ban bầu cử cấp xã
Thẩm tra dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Dân nguyện và Giám sát Dương Thanh Bình đã có báo cáo trước Quốc hội. Theo đó, cơ quan thẩm tra tán thành với tên gọi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân. Dự thảo Luật được rà soát, sửa đổi, bổ sung 47/98 điều của Luật hiện hành. Đối với quy định theo dự thảo Luật, Ủy ban nhân dân cấp xã quyết định việc xác định khu vực bỏ phiếu.

Chủ nhiệm Ủy ban Dân nguyện và Giám sát Dương Thanh Bình trình bày Báo cáo thẩm tra.
Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ ngay trong Điều luật về trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong việc kiểm tra, kiểm soát, giám sát việc xác định khu vực bỏ phiếu. Một số ý kiến đề nghị nghiên cứu quy định theo hướng “Việc xác định khu vực bỏ phiếu do Ủy ban nhân dân cấp xã xác định và được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê chuẩn”. Với số lượng thành viên Ủy ban bầu cử cấp xã tối thiểu đề nghị nghiên cứu điều chỉnh tăng thêm số lượng thành viên Ủy ban bầu cử cấp xã tối thiểu là “từ 11 đến 19 thành viên”. Về việc điều chỉnh giảm thời gian thực hiện quy trình, thủ tục bầu cử còn 42 ngày và có ý kiến đề nghị chỉ quy định nguyên tắc trong Luật về mốc thời gian của quy trình bầu cử và giao Hội đồng bầu cử quốc gia hướng dẫn chi tiết. Trên cơ sở đó, Cơ quan thầm tra đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục bám sát tiến độ, kết quả sửa đổi, bổ sung các luật liên quan; rà soát các nội dung của dự thảo Luật để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật.