Quốc hội họp sớm để quyết định loạt vấn đề cấp thiết sau Hội nghị Trung ương 11

Quốc hội sẽ xem xét 14 nhóm nội dung về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước và các vấn đề quan trọng khác, như Nghị quyết về sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh...

Chiều 4/5, Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Quang Tùng chủ trì họp báo về dự kiến Chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV.

Báo cáo về dự kiến chương trình và nội dung của Kỳ họp, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Minh Tuấn cho biết Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV sẽ khai mạc trọng thể vào ngày mai (5/5), dự kiến bế mạc vào ngày 30/6, theo hình thức họp tập trung tại Nhà Quốc hội.

Kỳ họp thứ 9 được tiến hành theo 2 đợt. Đợt 1: từ ngày 5/5 đến ngày 29/5. Đợt 2: từ ngày 11/6 và dự kiến bế mạc vào ngày 30/6. Dự kiến tổng thời gian làm việc của Quốc hội là 37 ngày.

 Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Quang Tùng chủ trì họp báo về dự kiến Chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV. Ảnh: Quốc hội.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Quang Tùng chủ trì họp báo về dự kiến Chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV. Ảnh: Quốc hội.

Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV là Kỳ họp có nhiều nội dung quan trọng, triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII - Hội nghị lịch sử, bàn về những quyết sách lịch sử trong giai đoạn Cách mạng mới.

Tại Kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định 3 nghị quyết về công tác lập hiến; 51 luật, nghị quyết thuộc công tác lập pháp; đồng thời có 8 nhóm nội dung các cơ quan gửi báo cáo để các đại biểu Quốc hội nghiên cứu, làm cơ sở để thực hiện quyền giám sát và xem xét các nội dung theo quy định.

"Việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 9 được tiến hành rất kỹ lưỡng. Ủy ban Thường vụ Quốc hội dành nhiều thời gian cho ý kiến về các nội dung Kỳ họp, tổ chức Hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách để thảo luận về các nội dung trình Quốc hội xem xét, thông qua. Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đã tăng cường công tác chỉ đạo, chủ động phối hợp với các cơ quan hữu quan, tích cực triển khai, rà soát, hoàn thiện để nâng cao hơn nữa chất lượng phục vụ Kỳ họp”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Theo dự kiến, Kỳ họp thứ 9, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013; xem xét, thông qua 34 luật, 11 nghị quyết, cho ý kiến về 6 dự án luật khác.

 Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Minh Tuấn phát biểu tại họp báo. Ảnh: Quốc hội.

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Minh Tuấn phát biểu tại họp báo. Ảnh: Quốc hội.

Quốc hội sẽ xem xét 14 nhóm nội dung về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác, như Nghị quyết về sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh; thành lập Hội đồng bầu cử quốc gia; xem xét, quyết định việc rút ngắn nhiệm kỳ Quốc hội khóa 15 và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Các đại biểu cũng thảo luận, ấn định ngày bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026-2031; Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2026; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.

Ông Tuấn cho biết Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV khai mạc sớm hơn thông lệ với nhiều nội dung quan trọng để xem xét, quyết định các vấn đề thực sự cấp thiết vừa được Trung ương thống nhất chủ trương tại Hội nghị lần thứ 11 phục vụ công tác sắp xếp tổ chức bộ máy; điều chỉnh những luật, nghị quyết có liên quan mật thiết tới phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cũng đề nghị các cơ quan báo chí tập trung tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của Kỳ họp thứ 9; tuyên truyền về việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, nhất là việc thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính và xây dựng mô hình chính quyền địa phương 2 cấp...

Quỳnh An

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/quoc-hoi-hop-som-de-quyet-dinh-loat-van-de-cap-thiet-sau-hoi-nghi-trung-uong-11-post185216.html?utm_source=web_vt&utm_medium=home_noibat_vt&utm_campaign=noibat
Zalo