Quốc hội đồng hành với Chính phủ
Để bảo đảm sự giám sát hiệu quả của Quốc hội đối với Chính phủ, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến ngân sách và các chính sách quan trọng, hệ thống các Ủy ban Thường trực liên quan đến các bộ (DRSC) đã được thành lập. Với vai trò chính là đưa ra những khuyến nghị và gợi ý chính sách, hệ thống này đã chứng tỏ vai trò đồng hành của Quốc hội với Chính phủ.
Vào đầu năm 1993, có 17 DRSC được thành lập, mỗi ủy ban có 45 thành viên, trong đó 30 thành viên từ Hạ viện và 15 thành viên từ Thượng viện. Các ủy ban này đều là ủy ban lưỡng viện vì thành viên đều do cả hai viện bầu trong số các thành viên của mình.
Sau 10 năm hoạt động, vào năm 2004, hệ thống DRSC đã được tái cấu trúc và số lượng các ủy ban đã tăng từ 17 lên 24, trong số đó, 12 ủy ban do Ban thư ký Hạ viện quản lý, và 12 ủy ban do Ban thư ký Thượng viện quản lý. Số lượng thành viên của mỗi ủy ban giảm từ 45 xuống còn 31 người, trong đó, 21 thành viên từ Hạ viện và 10 thành viên từ Thượng viện.
Kể từ khi được thành lập, các DRSC có nhiệm vụ: Xem xét các yêu cầu phân bổ ngân sách hoạt động của các bộ, ban, ngành liên quan và trình báo cáo thẩm tra lên hai viện. Báo cáo của ủy ban không được đề xuất bất kỳ điều gì mang tính chất là động thái cắt giảm; xem xét các dự luật của các bộ, ban, ngành liên quan, do Chủ tịch Thượng viện hoặc Hạ viện chuyển đến Ủy ban và trình báo cáo thẩm tra về các dự luật đó; xem xét các báo cáo hàng năm của các bộ, ban, ngành và trình báo cáo thẩm tra về các báo cáo đó; xem xét các chính sách dài hạn cơ bản của quốc gia được trình lên hai viện; nếu Chủ tịch Thượng viện hoặc Hạ viện chuyển đến Ủy ban, và lập báo cáo về các chính sách đó.
Các DRSC không xem xét các hoạt động hàng ngày của các bộ, cũng như không xem xét các vấn đề chung mà các ủy ban khác của Quốc hội đang phụ trách. Thay vào đó, họ thường tập trung vào các vấn đề mang tính dài hạn.
Hệ thống DRSC là nỗ lực đột phá trong hoạt động giám sát của Quốc hội đối với hoạt động quản lý nhà nước. Với trọng tâm hoạt động tập trung vào các kế hoạch dài hạn, các Ủy ban này cung cấp định hướng cũng như những gợi ý cần thiết cho quá trình xây dựng chính sách cũng như mục tiêu đạt được tầm nhìn quốc gia dài hạn của Chính quyền.
Trong giai đoạn từ năm 1993 đến năm 2013, các DRSC của Thượng viện đã trình 1.406 báo cáo lên Quốc hội. Trong số này, 515 báo cáo về yêu cầu phân bổ ngân sách; 259 về các dự thảo luật; 88 là báo cáo thẩm tra các báo cáo thường niên của các bộ; và 544 về các vấn đề khác bao gồm báo cáo hành động đã thực hiện, Báo cáo về các chủ đề do Ủy ban lựa chọn…
Đối với các DRSC của Hạ viện, từ năm 1993 đến 2014, có tới 2.339 báo cáo đã được trình bày và 5.880 Phiên họp được tổ chức. Trong Hạ viện khóa 15 và 16, DRSC của Hạ viện đã trình bày 662 báo cáo, ủy ban tổ chức 1.409 phiên họp với tổng thời lượng phiên họp là 2.417 giờ.
Các khuyến nghị của DRSC mang tính chất tư vấn và không bắt buộc. Tuy nhiên, một phân tích về phản ứng của Chính phủ đối với các khuyến nghị do các ủy ban đưa ra cho thấy, hơn 60% các khuyến nghị của Ủy ban đã được Chính phủ chấp nhận và đánh giá cao. Điều này cho thấy hiệu quả thiết thực trong hoạt động tư vấn của các ủy ban, cho thấy sự “đồng hành” của Quốc hội với Chính phủ trong hoạt động quản lý nhà nước.