Quốc hội chốt cơ thế đặc thù điện hạt nhân Ninh Thuận, cổ phiếu điện bùng nổ
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu nhóm điện bùng nổ trong phiên giao dịch hôm nay, SJG và REE bật tăng hết biên độ, SBH tăng 3,09%; GEG tăng 1,54%; TV2 tăng 4,9%; SD5 tăng 6,9%...
![Ảnh minh họa.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_19_3_51515689/258fabeb84a56dfb34b4.jpg)
Ảnh minh họa.
Sáng nay 19/2, Quốc hội đã biểu quyết thông qua nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù đầu tư xây dựng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Nghị quyết được thông qua với 459 đại biểu tán thành (bằng 96,03%), đồng ý việc triển khai các cơ chế, chính sách đặc biệt cho dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.
Theo đó, dự án được triển khai đồng thời với việc đàm phán với đối tác đã ký kết điều ước quốc tế hoặc với các đối tác khác để ký kết điều ước quốc tế về hợp tác xây dựng, cấp tín dụng, song song với quá trình phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư và phê duyệt dự án đầu tư.
Thủ tướng Chính phủ sẽ giao chủ đầu tư thực hiện các dự án, được áp dụng hình thức chỉ định thầu theo quy trình rút gọn đối với gói thầu chìa khóa trao tay xây dựng nhà máy chính với nhà thầu trong điều ước quốc tế; các gói thầu tư vấn quan trọng trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư và thực hiện dự án; thẩm định công nghệ, an toàn, an ninh, kiểm tra.
Dự án phải được áp dụng các quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy phạm và hướng dẫn kỹ thuật do đối tác thực hiện, bảo đảm nội dung áp dụng phù hợp với điều kiện Việt Nam. Tiêu chuẩn này không thấp hơn quy chuẩn, tiêu chuẩn của Việt Nam và phù hợp với tiêu chuẩn về an toàn và hướng dẫn về an ninh của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA).
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu nhóm điện bùng nổ trong phiên giao dịch hôm nay, SJG và REE bật tăng hết biên độ, SBH tăng 3,09%; GEG tăng 1,54%; TV2 tăng 4,9%; SD5 tăng 6,9%...
Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, ban đầu được Quốc hội phê duyệt vào năm 2009 với tổng công suất 4.000 MW, đã bị tạm dừng vào năm 2016 do các yếu tố khách quan. Tuy nhiên, vào cuối tháng 11/2024, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết đồng ý tiếp tục chủ trương đầu tư dự án này.
Theo kế hoạch, Chính phủ sẽ bố trí nguồn lực để khởi động lại dự án điện hạt nhân Ninh Thuận theo kết luận của cấp có thẩm quyền. Dự án bao gồm hai nhà máy, mỗi nhà máy có công suất 2.000 MW, dự kiến được xây dựng tại tỉnh Ninh Thuận.
Việc tái khởi động dự án điện hạt nhân nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ điện ngày càng tăng, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và góp phần vào mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính. Việt Nam dự kiến sẽ thảo luận với các đối tác nước ngoài như Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp và Hoa Kỳ về việc phát triển các nhà máy điện hạt nhân này.
Dự án phải được triển khai và hoàn thành công tác đầu tư trong vòng 5 năm, với mục tiêu hoàn thành chậm nhất vào ngày 31/12/2031 và phấn đấu hoàn thành trước ngày 31/12/2030. Việc tái khởi động dự án điện hạt nhân Ninh Thuận nhằm đa dạng hóa nguồn cung cấp điện và đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ điện ngày càng tăng cao.
Trong giai đoạn trước, một số doanh nghiệp của Việt Nam đã tham gia vào quá trình triển khai Dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận. Cụ thể, CTCP Tư vấn Xây dựng Điện 2 (HOSE: TV2) đã thực hiện các công tác khảo sát tại hai địa điểm dự kiến xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và Ninh Thuận 2. Ngoài ra, TV2 cũng đã tham gia vào giai đoạn nghiên cứu tiền khả thi của dự án, đóng góp vào việc lập kế hoạch và đánh giá ban đầu cho việc xây dựng các nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận.
Tổng công ty Sông Đà (UPCOM: SJG) và các đơn vị thành viên đã tích cực tham gia vào quá trình chuẩn bị và xây dựng các nhà máy điện hạt nhân: Năm 2011, Sông Đà 5 (HNX: SD5) đã ký hợp đồng với Công ty NIAEP của Liên bang Nga để tham gia xây dựng Nhà máy Điện hạt nhân Rostov. Dự án này có quy mô 4 tổ máy với tổng công suất 4.000 MW, trong đó 2 tổ máy đã vận hành và 2 tổ máy dự kiến hoàn thành vào năm 2015. Việc tham gia dự án này giúp Sông Đà 5 tích lũy kinh nghiệm trong thi công nhà máy điện hạt nhân.
Năm 2013, Tổng công ty đã cử 50 cán bộ đầu tiên sang Nga để học về quản lý và vận hành nhà máy điện hạt nhân. Các cán bộ này được bố trí làm việc tại lò máy số 3 và số 4 thuộc Nhà máy điện hạt nhân Rostov ở thành phố Volgodonsk. Đây là một phần trong chương trình hợp tác với Công ty Cổ phần NIAEP thuộc Tập đoàn Rosatom của Nga, nhằm đào tạo khoảng 1.000 kỹ sư và công nhân cho đến năm 2015.