Quốc gia nào sẽ thay thế Iran ở Syria?
Việc Chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad bị lật đổ và hình thành một chính phủ chuyển tiếp do nhóm phiến quân HTS cầm chịch chắc chắn là một kịch bản bất lợi đối với Iran. Vậy những ảnh hưởng trước đây của Iran ở Syria sẽ được quốc gia nào thế chỗ?
Israel đang lợi dụng sự chia rẽ trong các quốc gia Hồi giáo để tiếp tục các chính sách quân sự ở Dải Gaza, Lebanon và giờ là Syria. Nhận định này được chính Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian đưa ra tại cuộc gặp với Bộ trưởng Thương mại Thổ Nhĩ Kỳ Omer Bolat trước thềm cuộc họp lần thứ 29 của Ủy ban hỗn hợp về hợp tác kinh tế Iran - Thổ Nhĩ Kỳ, vài ngày sau khi sơ tán công dân Iran khỏi Syria sau vụ lật đổ Tổng thống Bashar al-Assad vào ngày 8/12.
Trong khi đó, phát biểu tại một phiên họp quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Iran Mohammad-Bagher Ghalibaf, cho rằng sự sụp đổ của chính quyền Assad ở Syria mặc dù làm suy yếu động lực trong “Trục kháng chiến”, nhưng phong trào Hezbollah ở Lebanon đang cho thấy không chỉ thích nghi với điều kiện mới, mà sẽ chiến đấu chống lại Israel “thậm chí còn mạnh hơn trước”. Ông Mohammad-Bagher Ghalibaf cam kết, việc hỗ trợ “Trục kháng chiến” vẫn là một yếu tố trung tâm trong chính sách đối ngoại của Iran nhằm bảo đảm an ninh của đất nước.
“Trục kháng chiến” được xem là một liên minh các lực lượng chống lại Israel do Iran dẫn dắt ở khu vực. Ngoài Iran và phong trào Hezbollah ở Lebanon, trục còn bao gồm các lực lượng dân quân Shiite thân Iran ở Afghanistan, Iraq và Yemen. Syria cũng là một phần của liên minh này dưới thời trị vì của gia đình Assad và đã cung cấp các đường liên kết trên bộ và trên không cho Iran với các đồng minh của họ ở Lebanon trong suốt 15 năm qua.
Tuyên bố của các quan chức Iran được đưa ra sau bài phát biểu của Lãnh tụ tối cao Iran Ali Khamenei trước toàn thể người dân nước này vào ngày 11/12; trong đó, ông gọi các sự kiện ở Syria “là một âm mưu chung giữa Mỹ và Israel”. Ông Ali Khamenei bảo đảm rằng, bất chấp sự sụp đổ của chế độ Assad, các lực lượng kháng chiến vẫn không suy yếu, và dưới áp lực của phương Tây, họ sẽ càng trở nên mạnh mẽ hơn.
Ngoài ra, ông Khamenei cho biết các cơ quan tình báo Iran đã cảnh báo Damascus kể từ mùa hè về mối đe dọa tấn công của phiến quân Syria. Và mặc dù theo ông, lực lượng và cố vấn quân sự Iran có mặt ở Syria theo yêu cầu chính thức của Damascus, nhưng họ không thể thay thế quân đội chính quy của Syria.
Theo tờ New York Times, Iran bắt đầu sơ tán quân nhân, nhân viên ngoại giao và gia đình của họ vào sáng 6/12, vài ngày trước khi Damascus thất thủ. Điều này cho thấy Tehran đã dự báo được sự sụp đổ của chính quyền Assad, mặc dù trước đó Ngoại trưởng nước này Abbas Araghchi, trong cuộc gặp với Tổng thống Bashar al-Assad ở Damascus, đã hứa sẽ cung cấp hỗ trợ quân sự cho ông.
Giới phân tích chính trị cho rằng, Syria là vùng ảnh hưởng mà từ đây Iran có thể theo đuổi các chính sách chống lại Israel. Vào mùa thu năm 2015, chính quyền Assad được giải cứu vào giây phút “ngàn cân treo sợi tóc” nhờ nỗ lực của Nga và đặc biệt là Iran. Có thể nói, Iran đã đầu tư rất nhiều tiền vào nước cộng hòa Ả Rập này. Và do đó, sự sụp đổ của chính quyền Assad không chỉ làm mất các khoản đầu tư của người Iran, mà còn khiến nước này mất tuyến liên lạc trên bộ với đồng minh của mình là Hezbollah ở Lebanon.
Có cùng quan điểm trên, Stanislv Lazovsky, Trung tâm Nghiên cứu Trung Đông tại Viện Hàn lâm Khoa học Nga nhận định, rõ ràng mối liên hệ trên bộ của Iran với Hezbollah đã bị mất, mặc dù chính quyền Iran vẫn tiếp tục hy vọng hỗ trợ các đồng minh trong tương lai. Theo chuyên gia Stanislv Lazovsky, sự hỗ trợ của Iran cho Hezbollah thời gian tới có thể sẽ chỉ giới hạn ở việc cung cấp tài chính, đồng nghĩa với khả năng vị thế của Iran ở Trung Đông sẽ bị suy yếu.
Còn theo Andrey Zeltyn, giảng viên Trường Kinh tế cao cấp (HSE) của Nga cho rằng, hiện trong chính quyền Iran chưa ai có thể đàm phán với chính phủ chuyển tiếp ở Syria, do phiến quân Syria gần đây đã phá hủy các cơ sở ngoại giao của Iran và luôn phản đối sự hiện diện của người Iran trên lãnh thổ Syria. Trước đây, Iran đã đóng một vai trò quan trọng trong nền kinh tế Syria, đặc biệt là về nguồn cung cấp nhiên liệu. Hơn nữa, người Iran đã cung cấp nhiên liệu cho người Syria dưới dạng tín dụng; đồng thời, hàng hóa của Iran cũng có mặt rộng rãi trong các cửa hàng Syria ở các khu vực do chính phủ kiểm soát. Các doanh nghiệp xây dựng của Iran cũng đã tham gia mạnh mẽ vào công cuộc tái thiết đất nước Syria. Và với sự sụp đổ của chính quyền Assad, sự hiện diện của doanh nghiệp và hàng hóa Iran ở Syria cũng đang bị đặt dấu hỏi.
Theo ông Andrey Zeltyn, vị trí của Iran trong nền kinh tế Syria rất có thể sẽ bị Thổ Nhĩ Kỳ thế chỗ, và sau đó là các quốc gia vùng Vịnh. Bên cạnh đó, nếu chính phủ chuyển tiếp Syria đạt được thỏa thuận với Mỹ và các lệnh trừng phạt được dỡ bỏ khỏi Syria, thì không loại trừ khả năng Trung Quốc, Liên minh châu Âu (EU) sẽ tham gia vào quá trình tái thiết Syria.