Liệu cam kết không can dự Syria của ông Trump có được thực hiện?
Tổng thống đắc cử Donald Trump đang chuẩn bị cho nhiệm kỳ thứ hai tại Nhà Trắng chỉ vài tuần sau khi Tổng thống Syria Bashar al-Assad đột ngột bị lật đổ. Điều này dường như đặt ra thách thức không nhỏ cho cam kết không can dự vào Trung Đông nói chung và Syria nói riêng cho chính quyền Trump 2.0.
Cam kết không can dự Syria của ông Trump
Chỉ còn khoảng 6 tuần nữa ông Trump sẽ chính thức nhậm chức và ông dường như sẽ không muốn rút lại những cam kết đã đưa ra để tập trung theo đuổi các chương trình nghị sự hướng sự ưu tiên các vấn đề trong nước và tránh vướng mắc ở nước ngoài.
Tuy nhiên, những cam kết của ông Trump về việc chấm dứt can dự quân sự của Mỹ ở nước ngoài có thể bị thử thách tại Syria - nơi mà tình hình hiện nay khác nhiều so với nhiệm kỳ đầu tiên. Một chính phủ mới tại Syria được nhiều nhà phân tích đánh giá là dễ bị các thế lực nước ngoài khác khai thác, bao gồm cả các quốc gia hoặc các nhóm khủng bố.
Trong một phát biểu trên mạng xã hội Truth Social, ông Trump đã nói: "Đây không phải là cuộc chiến của chúng ta. Hãy để nó diễn ra. Đừng can thiệp". Phát biểu trên được đưa ra sau khi các chiến binh của lực lượng đối lập tiến vào Damascus, buộc Tổng thống Assad phải chạy trốn sang Moskva.
Tình hình khu vực Trung Đông thay đổi chóng vánh
Về phần mình, ông Trump cũng thừa nhận tình hình chính sách đối ngoại mà ông sẽ phải thừa hưởng vào năm 2025 có thể phức tạp hơn những gì ông thấy trong nhiệm kỳ đầu tiên, đặc biệt là ở Trung Đông.
Đầu tuần này, khi tham dự lễ mở cửa trở lại Nhà thờ Đức Bà tại Paris (Pháp), ông Trump đã nói với các nhà lãnh đạo rằng: "Có vẻ như thế giới đang trở nên hơi điên rồ vào lúc này" .
Vào đầu tuần này, Cố vấn truyền thông An ninh Quốc gia Nhà Trắng John Kirby trong buổi trả lời phóng viên, ông cho biết rằng hiện tại "vẫn chưa rõ" chính xác lực lượng nào sẽ tiếp quản tình hình tại Syria.
Cho đến nay, lực lượng HTS, nhóm lãnh đạo lật đổ chính quyền Assad, vẫn đang bị Mỹ xếp vào danh sách các tổ chức khủng bố. Điều này cũng dấy lên những mơ hồ về việc liệu ông Trump có xem sự nắm quyền của HTS tại Syria là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia Mỹ hay không, cũng như liệu ông có triển khai quân đội Mỹ để đáp trả hay không.
Video về thủ lĩnh lực lượng HTS sau khi chiếm được thủ đô Damacus, Syria. Nguồn: Reuters.
Ngoài ra, tình hình hiện nay cũng được xem là cơ hội để chính phủ các nước cũng như các tổ chức tìm cách khai thác, tác động để "cài cắm lợi ích" vào những vị trí quyền lực đã bị bỏ trống sau khi chế độ Assad sụp đổ.
Vài ngày sau khi ông Assad tới Moskva, các quan chức cấp cao trong chính quyền Biden nhấn mạnh rằng Mỹ sẽ chỉ hành động với tư cách hỗ trợ khi nói với các phóng viên rằng: "Chúng tôi không đưa ra một bản thiết kế từ Washington cho tương lai của Syria. Đây là do người Syria viết. Sự sụp đổ của ông Assad được thực hiện bởi người Syria. Tôi nghĩ rằng rõ ràng là Mỹ có thể giúp đỡ, và chúng tôi rất sẵn sàng làm như vậy". Tuy nhiên, điều này chưa chắc là đúng với chính quyền mới của ông Trump.
Một kế hoạch chi tiết cho nhiệm kỳ 2 của ông Trump
Trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình, vào tháng 10/2019, ông Trump đã công bố quyết định rút quân đội Mỹ khỏi Đông Bắc Syria. Quyết định này đã ngay lập tức vấp phải sự chỉ trích gay gắt từ một số nhà ngoại giao và nhà phân tích chính sách đối ngoại. Những người này lo ngại rằng quyết định trên có nguy cơ gây mất ổn định cho những khu vực “đang yên ổn” tại Syria cũng như cho cả đất nước này.
Để chuẩn bị cho nhiệm kỳ mới của mình, đội ngũ của ông Trump đã nhấn mạnh vấn đề địa chính trị là một trong những mục tiêu trong quá trình chuyển giao quyền lực với chính quyền Biden.
Không giống như lần chuyển giao Nhà Trắng lần đầu tiên, quá trình hiện nay của ông Trump đã được lên kế hoạch, thực hiện chi tiết, hiệu quả và định hướng chính sách đáng kể. Điều này được thể hiện thông qua việc ông Trump đã sớm công bố các đề cử tại hầu hết các vị trí trong nội các, đại sứ tại các nước cũng như đưa ra “bản thiết kế” chính sách mà chính quyền dự định sẽ triển khai trong 4 năm tới.
Trả lời phỏng vấn sau cuộc bầu cử của ông Trump vào tháng 11, Hạ nghị sĩ Mike Waltz, người được đề cử làm Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ, cho biết: "Đối với những kẻ thù của chúng ta ngoài kia nghĩ rằng đây là thời điểm cơ hội để họ có thể lợi dụng chính quyền này để chống lại chính quyền kia, thì họ đã sai, và chúng ta... chúng ta đang tay trong tay. Chúng ta là một đội với Mỹ trong quá trình chuyển đổi này".