Quốc gia Đông Nam Á gây sốt khi sản xuất sữa từ cá
Loại sữa cá gây tranh cãi được quảng cáo là một lựa chọn đồ uống trong bữa ăn của trẻ em và giống như sữa bình thường.
Indonesia có nguồn tài nguyên thủy sản dồi dào nhưng lại khan hiếm về bò sữa. Để giải quyết vấn đề đó, quốc gia ven biển này đang “vắt” sữa từ nguồn cá dồi dào của mình để bù đắp cho tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng tại các chương trình như bữa trưa ở trường học.
Khi những ngư dân địa phương tại thành phố Indramayu thực hiện các mẻ đánh bắt cá hai lần mỗi ngày, sản phẩm thu được sẽ được chuyển đến một nhà máy. Tại đây, cá sẽ được tách xương và nghiền thành bột mịn, có màu trắng và giàu protein.
Sau đó, bột được chở bằng xe tải đến một cơ sở riêng biệt. Tại đây, nó được trộn với đường, hương liệu dâu tây hoặc sô cô la, sau đó được đóng hộp để phân phối. Trộn hỗn hợp này với nước sẽ ra đồ uống được gọi là “sữa cá”.
"Nó có vị giống như sữa bình thường", giám đốc Mafatihul Khoiri của nhà sản xuất sữa Berikan Protein Initiative, công ty bắt đầu phân phối vào năm ngoái, cho biết. Và vì được chế biến từ bột cá, người dùng có thể hấp thụ cả 9 loại axit amin thiết yếu từ sản phẩm này, công ty cho biết.
Các phương tiện truyền thông địa phương đã liên tục đưa tin về chủ đề liên quan đến “sữa cá” khi nó đang được cân nhắc cho các chương trình bữa trưa ở các trường học của Indonesia vào năm mới. Theo tờ Journal, sữa cá được quảng cáo là nguồn protein tốt và các chuyên gia hy vọng rằng sữa cá có thể mang lại một ngành công nghiệp trị giá 4,5 tỷ USD, tạo việc làm cho 200.000 người.
Ý tưởng về việc kết hợp các chất dinh dưỡng từ cá vào cuộc sống hàng ngày không phải là điều gì đó độc đáo đối với khu vực này, nơi đang tìm kiếm câu trả lời cho tình trạng thiếu hụt bò. Collagen từ cá là một loại protein điển hình được sử dụng ở Hoa Kỳ để chăm sóc da.
Rasmus Ree, một nhà nghiên cứu tại viện nghiên cứu Norce do EU tài trợ, cho biết những gì Indonesia đang thực hiện "là thứ hữu ích và hy vọng là khả thi về mặt kinh tế".
Một nghiên cứu mới cho thấy những người tiêu thụ sữa không gặp phải vấn đề gì về hương vị. Cô gái 23 tuổi, Rosaedah, đã chia sẻ trải nghiệm của mình sau khi uống loại sữa này ba lần và khẳng định rằng nó "ngon tuyệt".
Tuy nhiên, một số chuyên gia dinh dưỡng lại không thích khái niệm này vì những lý do liên quan đến quá trình chế biến cực kỳ nghiêm ngặt khi nó được trộn với đường và chất tạo ngọt nhân tạo. Ở địa phương, tờ Jakarta Post cũng gọi sữa cá là “một vấn đề xao lãng chính trị hơn là một sự can thiệp dinh dưỡng có ý nghĩa”.
Ngay cả Bộ trưởng Y tế Indonesia Budi Gunadi Sadikin cũng tin rằng có những cách khác để quản lý tình trạng khan hiếm bò.
“Chúng ta có thể nuôi bò… Hoặc chúng ta có thể nhập khẩu sữa từ Úc. Hoặc chúng ta có thể mua một công ty chăn nuôi bò hoặc công ty sữa của Úc”, ông nói với tờ Journal. “Có rất nhiều, rất nhiều lựa chọn khác trước khi nghĩ tới việc làm sữa từ cá”.