Quay lại chiến lược tập trung vào dầu khí truyền thống, BP cảnh báo nợ tăng cao
Tập đoàn năng lượng BP (Anh) vừa cho biết nợ ròng của họ đã tăng trong quý I năm nay – một tín hiệu không mấy tích cực cho quá trình phục hồi tài chính mà công ty đang theo đuổi.

Tính đến cuối năm ngoái, tổng nợ ròng của BP là 23 tỷ USD. Ảnh AFP
Theo thông báo cuối tuần trước, nợ ròng của BP đã tăng thêm khoảng 4 tỷ USD so với quý trước. Nguyên nhân chủ yếu là do nhu cầu vốn lưu động tăng cao. Cùng lúc đó, sản lượng khai thác của BP giảm, trong khi mảng kinh doanh khí đốt lại hoạt động không hiệu quả – khiến bức tranh tài chính thêm phần ảm đạm, đặc biệt khi BP đang quay lại chiến lược tập trung vào dầu khí truyền thống.
Thông tin này được đưa ra chỉ vài tháng sau khi BP công bố sẽ giảm đầu tư vào năng lượng sạch để tập trung vào mảng dầu khí – quyết định được thúc đẩy bởi quỹ đầu tư Elliott Investment Management. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, quá trình “quay đầu” này tiếp tục gặp khó, nhất là khi thị trường dầu mỏ chao đảo vì chính sách thương mại cứng rắn từ Tổng thống Mỹ Donald Trump, cộng thêm việc OPEC+ quyết định tăng sản lượng.
Tính đến cuối năm ngoái, tổng nợ ròng của BP là 23 tỷ USD – cao hơn đáng kể so với các ông lớn cùng ngành như Shell, TotalEnergies, Chevron và ExxonMobil. Cổ phiếu của BP cũng liên tục tụt lại phía sau so với các đối thủ trong năm nay, đặc biệt là sau khi ông Trump tuyên bố áp thuế mới vào ngày 2/4. Giá dầu lao dốc khiến BP gặp nhiều khó khăn trong việc cắt giảm nợ và duy trì lợi nhuận cho cổ đông.
Chuyên gia phân tích Jason Gabelman của TD Cowen nhận định: “BP là tập đoàn có nguy cơ cao nhất sẽ phải cắt giảm chương trình mua lại cổ phiếu. Cổ phiếu của BP hiện là mã yếu nhất trong ngành kể từ ngày 2/4, một phần do đòn bẩy tài chính cao và phụ thuộc nhiều vào việc bán tài sản”.
BP cho biết trong quý I, hoạt động khai thác và vận hành dầu có tăng nhẹ, nhưng sản lượng khí và các mảng năng lượng ít phát thải lại giảm. Mảng kinh doanh – thường đóng vai trò “cứu cánh” – lần này cũng không thể hiện tốt. Mảng khí hoạt động yếu, trong khi mảng dầu chỉ ở mức trung bình.
Hướng đi mới của BP
BP cho biết, khoản tăng vốn lưu động trong quý này chủ yếu đến từ các yếu tố mang tính thời điểm và nhiều khả năng sẽ sớm đảo chiều trở lại. Nguyên nhân chính bao gồm: Lượng tồn kho tăng theo mùa, thời điểm chi trả các khoản như thưởng hằng năm, và một số chi phí liên quan đến các tài sản năng lượng ít carbon đang trong quá trình chờ bán.
Thông tin này được đưa ra không lâu sau khi BP công bố lợi nhuận quý IV/2024 giảm tới 60%. Ngay sau đó, CEO Murray Auchincloss đã thông báo chiến lược “tái định hướng”, trong đó BP dự kiến bán ra khoảng 20 tỷ USD tài sản từ nay đến cuối năm 2027. Mục tiêu là giảm áp lực tài chính, cải thiện bảng cân đối kế toán – vốn đang chịu nhiều sức ép. Chính vì lý do đó, BP đã phải thu hẹp chương trình mua lại cổ phiếu, trong khi các đối thủ như Shell hay ExxonMobil vẫn tiếp tục duy trì, thậm chí tăng lợi tức cho cổ đông.
Những biến động về tài chính cũng kéo theo thay đổi trong bộ máy lãnh đạo cấp cao. Cách đây khoảng một tuần, BP xác nhận Chủ tịch Helge Lund sẽ rời vị trí trong thời gian tới.
BP dự kiến sẽ công bố kết quả kinh doanh quý I vào ngày 29/4 tới. Công ty cũng giải thích thêm rằng sản lượng khí giảm một phần do đã hoàn tất việc bán tài sản tại Ai Cập và Trinidad vào cuối năm ngoái.