Quảng Trị: Nhiều nơi điều chỉnh tên xã, phường gắn với truyền thống lịch sử

Tỉnh Quảng Trị đang triển khai lấy ý kiến của nhân dân về 'Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã'. Tên gọi xã mới đang được dư luận nhân dân đặc biệt quan tâm. Nhiều địa phương tại tỉnh này đã điều chỉnh tên gọi xã mới gắn với truyền thống văn hóa, lịch sử quê hương, thay vì dùng tên số theo thứ tự.

Sau khi tỉnh Quảng Trị công bố rộng rãi “Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã” để lấy ý kiến nhân dân, dư luận nhân dân đặc biệt quan tâm về cách đặt tên xã mới.

Nhiều ý kiến cho rằng, việc đặt tên xã mới theo cách để tên huyện hiện tại cộng với số thứ tự là mang tính đánh số cơ học, cứng nhắc, không thể hiện được chiều sâu bản sắc lịch sử, văn hóa truyền thống. Người dân mong muốn chọn những địa danh giàu bản sắc, đặc tính địa phương để đặt tên cho xã mới nhằm kế thừa và phát huy được giá trị của các địa danh lịch sử, văn hóa, giữ gìn hồn cốt quê hương.

Thuận theo nguyện vọng của nhân dân, một số địa phương tại tỉnh Quảng Trị đã kịp điều chỉnh tên gọi xã mới thay vì dùng tên số theo thứ tự như đề án ban đầu.

Quảng Trị đặt tên xã, phường mới gắn với truyền thống lịch sử văn hóa

Quảng Trị đặt tên xã, phường mới gắn với truyền thống lịch sử văn hóa

Huyện Triệu Phong là một trong những địa phương ở tỉnh này sớm tiếp thu ý kiến của nhân dân và nhanh chóng điều chỉnh tên gọi mới. Theo đó, các xã mới được đặt tên là: Triệu Phong, Ái Tử, Triệu Bình, Triệu Cơ và Nam Cửa Việt.

Tên xã Triệu Phong được chọn vì có ý nghĩa lịch sử gắn liền với tên huyện Triệu Phong. Tên xã Ái Tử vì gắn với dinh Ái Tử, thủ phủ đầu tiên của chính quyền chúa Nguyễn ở Đàng Trong vào thế kỷ XVI.

Trong khi đó, tên Nam Cửa Việt vì địa danh này được đặt tên vào thời chúa Nguyễn Hoàng, khẳng định chủ quyền biển của người Việt, cửa biển của người Việt. Trong quá trình lịch sử, Cửa Việt gắn liền với nhiều sự kiện và những chiến thắng quan trọng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Huyện Gio Linh cũng đổi tên 3 xã mới đặt theo đề án ban đầu sang tên mới gắn với lịch sử truyền thống, như đổi tên xã Tây Gio Linh thành Cồn Tiên, Đông Gio Linh thành Cửa Việt, Bắc Gio Linh thành Bến Hải.

Huyện Vĩnh Linh cũng thay đổi phương án đặt tên các xã mới sau sáp nhập từ đánh số sang tên gọi gắn với truyền thống lịch sử văn hóa vùng đất "Lũy thép - Lũy hoa". Theo đó, điều chỉnh tên gọi xã mới theo nguyên tắc vừa giữ lại được tên gọi "Vĩnh Linh", gồm 5 xã mới được đổi tên thành xã Vĩnh Linh, Vĩnh Tùng, Vĩnh Hoàng, Vĩnh Đức hoặc Vĩnh Thủy, Vĩnh Quan hoặc Vĩnh Khê. Đơn cử như đặt tên xã Vĩnh Hoàng gắn với chuyện trạng Vĩnh Hoàng nổi tiếng.

Ông Trần Nhật Quang, Bí thư Huyện ủy Vĩnh Linh cho biết, trước đó, khi làm đề án, tên xã mới lấy tên huyện hiện nay gắn với số thứ tự, để đảm bảo số hóa. Sau khi triển khai lấy ý kiến, một số bà con cử tri tham gia đề nghị lấy tên gắn với lịch sử truyền thống. Trên cơ sở đó, hiện nay các huyện trong tỉnh trước đây đặt tên theo số thứ tự hoặc theo phương hướng đều phải báo cáo lại. Hiện nay, huyện đang tiếp tục lấy ý kiến nhân dân theo hướng tên gọi mới gắn với thống nhất văn hóa địa phương.

Di tích quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương-Bến Hải

Di tích quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương-Bến Hải

Theo Đề án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã, tỉnh Quảng Trị dự kiến có 37 đơn vị hành chính cấp xã gồm: 3 phường, 33 xã và 1 đặc khu là Cồn Cỏ. Trước khi hợp nhất, tỉnh Quảng Trị có 10 đơn vị hành chính cấp huyện (7 huyện, 1 huyện đảo Cồn Cỏ, 1 thành phố và 1 thị xã), 119 đơn vị hành chính cấp xã, bao gồm 13 phường, 11 thị trấn, 95 xã.

Ông Trần Hữu Anh, Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Quảng Trị cho biết, theo quy trình, tên các xã/phường sau sắp xếp là do các huyện, thị xã, thành phố đề xuất. Sở Nội vụ tổng hợp và lập đề án để lấy ý kiến của nhân dân. Hiện nay, các địa phương đang tiếp tục lấy ý kiến nhân dân để thống nhất tên gọi lần cuối.

Ông Trần Hữu Anh cho biết thêm, trên cơ sở văn bản đề xuất của các địa phương, Sở Nội vụ tập hợp và trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

"Hiện nay, tất cả nội dung đề án đã xong, giờ hiện lấy ý kiến để thống nhất tên gọi xã mới. Tên gọi có thay đổi, ở huyện Vĩnh Linh và Triệu Phong cũng có thay đổi, không đặt tên gắn với số nữa. Trước đây, như huyện Triệu Phong đặt Triệu Phong 1, 2, 3, bây giờ thay đổi tên gọi truyền thống. Huyện Hải Lăng trước đây đặt theo hướng Đông- Tây-Nam –Bắc, bây giờ cũng thay đổi. Hiện nay tiếp tục lấy ý kiến để thống nhất”, ông Trần Hữu Anh cho biết.

Đình Thiệu/VOV miền Trung

Nguồn VOV: https://vov.vn/chinh-tri/quang-tri-nhieu-noi-dieu-chinh-ten-xa-phuong-gan-voi-truyen-thong-lich-su-post1193678.vov
Zalo