Quảng Trị mong Khu Kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo – Đensavan sớm hình thành
'Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo – Đensavan' sẽ khai thác tối đa lợi thế là tỉnh đầu cầu của EWEC về phía Việt Nam trong tình hình mới, tạo động lực mới thúc đẩy hợp tác và phát triển kinh tế - xã hội hai tỉnh Quảng Trị và Savanakhet, góp phần vào việc phát triển kinh tế của cả hai nước Việt Nam – Lào.
Điểm “đầu cầu” của hành lang kinh tế Đông Tây
Trình bày tham luận tại Hội nghị ngành Công Thương 15 tỉnh, thành phố khu vực miền Trung - Tây Nguyên lần thứ X năm 2024 tổ chức tại tỉnh Quảng Trị vào sáng nay 22/11, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Quảng Trị Nguyễn Hữu Hưng cho biết, Quảng Trị là điểm “đầu cầu” của Hành lang kinh tế Đông Tây (EWEC) về phía Việt Nam thông qua Cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo, là giao điểm của trục kinh tế Bắc – Nam và Đông – Tây; điều kiện giao thông thuận lợi cả về đường bộ, đường sắt, đường thủy và cảng biển, trong tương lai gần có cả Cảng hàng không tại tỉnh Quảng Trị.
Với các tuyến giao thông huyết mạch của Quốc gia và Quốc tế; đặc biệt là Quốc lộ 9- tuyến đường xuyên Á ngắn nhất nối các nước trong khu vực từ Myanmar - Thái Lan - Lào qua Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo đến miền Trung Việt Nam và mở rộng ra khu vực ASEAN.
Để khai thác lợi thế đó, từ những năm 1998, với những đề xuất mang tính đột phá của lãnh đạo tỉnh Quảng Trị lúc đó đã được Trung ương đồng ý và kết quả là Khu Kinh tế Thương mại Đặc biệt Lao Bảo ra đời và được hưởng nhiều chính sách ưu đãi vượt trội trong đầu tư và thương mại. Sau hơn 25 năm xây dựng và phát triển, Khu kinh tế thương mại đặc biệt Lao Bảo đã có bước phát triển đáng kể, kết cấu hạ tầng được đầu tư đồng bộ, hình thành diện mạo của khu đô thị biên giới. Về phía Lào, năm 2002, Thủ tướng Chính phủ Lào đã ban hành Nghị định số 25/TTg về Khu thương mại biên giới Đensavan.
Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, bên cạnh những kết quả đạt được, Khu Kinh tế - Thương mại đặc biệt Lao Bảo chưa phát triển được như kỳ vọng; có những hạn chế bất cập về cơ chế chính sách cần được tháo gỡ, tạo động lực mới cho khu vực Lao Bảo - Đensavan phát triển phù hợp với bối cảnh, tình hình mới.
Trong bối cảnh kết nối, hợp tác phát triển đang trở thành xu hướng chung của khu vực, Việt Nam và Lào đang nỗ lực đề xuất các sáng kiến kết nối, tạo động lực mới cho hợp tác kinh tế song phương, tỉnh Quảng Trị đã chủ động phối hợp với phía Lào nghiên cứu Đề án xây dựng “Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo – Đensavan” để khai thác tối đa lợi thế là tỉnh đầu cầu của EWEC về phía Việt Nam trong tình hình mới, tạo động lực mới thúc đẩy hợp tác và phát triển KT-XH hai tỉnh Quảng Trị và Savanakhet, góp phần vào việc phát triển kinh tế của cả hai nước Việt Nam – Lào.
Để thực hiện chủ trương của lãnh đạo cấp cao hai nước, trong những năm qua, tỉnh Quảng Trị đã tích cực phối hợp chặt chẽ với tỉnh Savannakhet và có nhiều phiên làm việc với Bộ Kế hoạch & Đầu tư Lào để thống nhất chủ trương và trao đổi các nội dung Đề án và dự thảo Hiệp định giữa 2 Chính phủ về thí điểm xây dựng Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo – ĐenSavan. Phía Lào đã tham gia, thống nhất nội dung Đề án và thống nhất chủ trương trình Chính phủ 02 nước ký kết Hiệp định để có cơ sở triển khai xây dựng Đề án thí điểm “Xây dựng Khu Kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Đensavan”.
Định hướng xây dựng theo hình mẫu “Khu thương mại tự do” kiểu mới
Theo Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Quảng Trị Nguyễn Hữu Hưng, Khu Kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo – Đensavan đang được định hướng xây dựng theo hình mẫu “Khu thương mại tự do” kiểu mới, đó là hình thành các trung tâm logistics “thế hệ mới” quốc tế, khu công nghiệp “phát triển xanh” gắn liền với đô thị thông minh, sáng tạo, với mô hình hai nước hai khu kinh tế, Khu Kinh tế thương mại đặc biệt Lao Bảo của Việt Nam và Khu Thương mại biên giới Đensavan của Lào nhưng có không gian kinh tế chung.
"Đó là áp dụng thống nhất một số cơ chế, chính sách ưu đãi cao hơn quy định pháp luật của mỗi nước nhằm thu hút mạnh mẽ các nhà đầu tư, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Đồng thời tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các hoạt động đi lại, trao đổi hàng hóa của cư dân trong Khu Kinh tế thương mại xuyên biên giới chung, cho phép lao động Việt Nam sang làm việc tại các dự án tại Khu Thương mại biên giới Densavan cao hơn tỷ lệ quy định của Nhà nước Lào, điều này sẽ giải quyết một trong những khó khăn lớn nhất của các nhà đầu tư nước ngoài khi triển khai các dự án sản xuất, kinh doanh tại Lào đó là vấn đề lao động, nhất là lao động đã qua đào tạo", ông Nguyễn Hữu Hưng cho hay.
Ngoài ra, các doanh nghiệp đầu tư tại Khu Kinh tế thương mại xuyên biên giới chung sẽ được pháp luật hai nước bảo vệ quyền lợi theo Giấy chứng nhận đầu tư được cấp trong thời gian hoạt động. Các cơ chế chính sách áp dụng thí điểm được quy định thời gian tối thiểu phù hợp để doanh nghiệp yên tâm đầu tư, mọi thay đổi về chính sách đối với doanh nghiệp sẽ theo hướng có lợi hơn cho doanh nghiệp đã đầu tư. Rất nhiều dự án đầu tư quy mô lớn tại tỉnh Savannakhet và tỉnh Quảng Trị đang được các nhà đầu tư triển khai, nghiên cứu triển khai đã khẳng định tiềm năng thu hút đầu tư và lợi thế phát triển của Khu Kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan trong tương lai.
Mong Khu Kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo – Densavan sớm hình thành
Hiện nay, Cảng biển nước sâu Mỹ Thủy (có thể đón tàu có trọng tải 100.000 tấn) và Cảng hàng không Quảng Trị đang được triển khai xây dựng, dự kiến cuối năm 2025, 2 bến đầu tiên của Cảng Mỹ Thủy sẽ đi vào hoạt động, năm 2026 Cảng hàng không Quảng Trị sẽ đi vào vận hành.
Tuyến đường bộ kết nối Quốc lộ 9 từ Bản Đông - điểm đầu Khu Thương mại biên giới Densavan phía Lào đến huyện Tà Ổi, tỉnh Salavan liên thông với Quốc lộ 15B từ Cửa khẩu Quốc tế La Lay (Cửa khẩu Quốc tế thứ 2 của Quảng Trị) đến các tỉnh Salavan, Sekong, Champasac – Khu vực có mỏ than Kaleum trữ lượng lớn và cao nguyên Bolaven giàu tiềm năng các sản phẩm nông nghiệp của Lào đã được thông tuyến sẽ mở ra hành lang vận tải mới với lưu lượng hàng hóa hàng chục triệu tấn/năm.
"Việc xây dựng Khu Kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo – Densavan trở thành trung tâm sản xuất, gia công, trung chuyển hàng hóa trên EWEC, với các khu thương mại tự do, trung tâm logistics đi và đến các quốc gia thuộc tiểu vùng Sông Mekong mở rộng, kết nối với Trung Quốc qua đường sắt cao tốc Viên chăn – Côn Minh, đến cảng Mỹ Thủy, cảng Quốc tế Đà Nẵng là phù hợp xu thế và bối cảnh mới hiện nay", Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Quảng Trị nhấn mạnh.
Để Khu Kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Đensavan sớm đi vào vận hành và hoạt động có hiệu quả; theo Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Quảng Trị, bên cạnh sự phối hợp nghiên cứu, xây dựng các cơ chế chính sách, hành lang pháp lý thuận lợi; việc quảng bá, thu hút các doanh nghiệp đến đầu tư là một yếu tố cực kỳ quan trọng.
Tại Hội nghị hôm nay, Sở Công Thương tỉnh Quảng Trị rất mong muốn các đại biểu ủng hộ, hỗ trợ đồng hành và cùng nhau khơi thông mạnh mẽ hơn nữa “dòng chảy thương mại” trên EWEC, chung tay xây dựng “điểm kết nối đặc biệt” trên Hành lang Kinh tế Đông – Tây, đó là Khu Kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo – Đensavan được sớm hình thành trong thời gian sớm nhất.
Sở Công Thương tỉnh Quảng Trị cũng đề nghị lãnh đạo Bộ Công Thương chỉ đạo các Cục, Vụ, Viện nghiên cứu thuộc Bộ gợi ý, hỗ trợ, hướng dẫn địa phương trong việc nghiên cứu các cơ chế, chính sách đặc thù, nổi trội liên quan đến ngành Công Thương để đề xuất áp dụng thí điểm trong Khu Kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo – Đensavan.