Quảng Ninh: Tổng vốn FDI đăng ký mới tăng bình quân hơn 48% mỗi năm
Tính từ năm 2019 đến nay, tổng vốn FDI đăng ký mới trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đạt khoảng 10,17 tỷ USD, tăng đều qua các năm với tốc độ tăng bình quân 48,7%/năm.
Trong những năm gần đây, các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại tỉnh Quảng Ninh đã có sự gia tăng mạnh mẽ về quy mô và tổng vốn đăng ký. Cụ thể, tổng vốn trung bình của các dự án FDI mới đã đạt 82,19 triệu USD/dự án, tăng đáng kể so với mức 10 triệu USD/dự án vào năm 2019.
Đến năm 2023, con số này đã lên tới 118 triệu USD/dự án. Các dự án FDI chủ yếu đến từ nhiều quốc gia và khu vực khác nhau, đặc biệt là trong ngành công nghiệp chế biến chế tạo, chiếm đến 68,4% tổng số dự án.
Tốc độ tăng trưởng bình quân của khu vực FDI đạt 16,7% mỗi năm và tỷ trọng của khu vực này trong tổng GRDP của tỉnh Quảng Ninh đã tăng từ 9,9% vào năm 2019 lên 11,4% vào năm 2023. Các doanh nghiệp FDI đã đóng góp một khoản lớn vào ngân sách nhà nước, với hơn 15.800 tỷ đồng, đồng thời thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu đạt 26,68 tỷ USD.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, vẫn tồn tại một số vấn đề cần khắc phục như: Hạ tầng xã hội chưa được các nhà đầu tư chú trọng đầy đủ, điều này gây khó khăn trong việc tuyển dụng và giữ chân lao động. Hoạt động xúc tiến đầu tư cũng thiếu những chiến lược đột phá, chưa thu hút được các nhà đầu tư lớn, đặc biệt là các tập đoàn đa quốc gia.
Bên cạnh đó, một số dự án FDI không hiệu quả vẫn chưa được chấm dứt hoạt động, và tác động lan tỏa từ FDI đối với các doanh nghiệp trong nước còn mờ nhạt. Việc chuyển giao công nghệ giữa các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp nội địa chưa thực sự hiệu quả, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của nền kinh tế.
Tại buổi làm việc giữa Đoàn khảo sát của Ban Kinh tế Trung ương với tỉnh Quảng Ninh về tình hình thực hiện Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Vũ Đại Thắng đã chia sẻ: "Với mục tiêu đưa Quảng Ninh trở thành trung tâm công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp công nghệ cao, trong thời gian tới, tỉnh chú trọng thu hút các dự án FDI công nghiệp chế biến, chế tạo công nghệ cao; thu hút các các ngành nghề phục vụ cho chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng, chuyển đổi xanh. Cùng với đó, đa dạng hóa hơn nữa các phương thức hợp tác đầu tư nước ngoài nhằm tận dụng được ưu thế về khoa học công nghệ, kỹ thuật của các doanh nghiệp nước ngoài".
Mỗi dự án FDI mới tại Quảng Ninh đăng ký sử dụng đất trung bình 7,1 ha, đồng thời khu vực này đã tạo ra gần 50.000 công việc cho người lao động. Tính riêng từ 2019 đến nay, mỗi dự án FDI mới đã góp phần tạo ra khoảng 195 việc làm mới, cao hơn rất nhiều so với giai đoạn 5 năm trước.